Triển vọng xuất khẩu sản phẩm cà phê, lục bình đan và thảm của khu vực miền Nam.
Ngành sản xuất các sản phẩm từ cói, lục bình và thảm là một trong những ngành có truyền thống lâu đời của các tỉnh miền núi như làng nghề dệt thảm xơ dừa tại Bình Định, làng nghề dệt cói lại Kim Sơn, Ninh Bình.
Hình ảnh công nhân se sợ dệt thảm
Được sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên, với nghệ thuật thủ công, các sản phẩm cói, lục bình đan và thảm không chỉ đem đến giá trị sử dụng mà còn mang giá trị văn hóa nên không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn chinh phục thị trường nước ngoài.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, thảm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm sản phẩm này, đạt 158,40 triệu USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là lục bình đan đạt 37,26 triệu USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2022; cói đan đạt 24,25 triệu USD, giảm 40,5%.
Trong nhóm sản phẩm này, thảm là mặt hàng có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhu cầu thế giới rất lớn, đạt khoảng 15 tỷ USD/năm. Mặc dù, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong những năm qua liên tục tăng, nhưng mới chỉ đạt khoảng vài chục triệu USD/năm. Kể từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu mặt hàng thảm của Việt Nam mới thực sự tăng trưởng mạnh. Năm 2018, xuất khẩu thảm của Việt Nam tăng 78,8% so với năm 2017, đạt 82,92 triệu USD, đến năm 2021 kim ngạch xuất khẩu thảm đạt mức cao kỷ lục 420,84 triệu USD, tăng hơn 11 lần so với năm 2016. Kể từ năm 2022 đến nay, xuất khẩu thảm giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trước năm 2019, sản phẩm thảm của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản, khi chiếm tới trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thảm của cả nước. Nhưng kể từ năm 2019 đến nay, xuất khẩu thảm sang Mỹ, EU và Ấn Độ tăng mạnh.
Theo cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu thảm của Nhật Bản từ Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2015 – 2019, chỉ bị chững lại trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã tăng mạnh trở lại trong 3 năm trở lại đây, đạt 55,45 triệu USD trong năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thảm của Nhật Bản từ Việt Nam tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 14,30 triệu USD. Thị phần thảm của Việt Nam tại Nhật Bản tăng liên tục trong giai đoạn 2015 – 2019, từ mức 4,9% trong năm 2015, lên mức 7,1% trong năm 2019. Đến năm 2020, thị phần thảm của Việt Nam tại Nhật Bản giảm xuống còn 5,9%, nhưng đã tăng trong 2 năm sau đó, lên mức 9,3% trong năm 2022.
Mặc dù kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút đáng kể, nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong đó có các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vẫn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Nhật Bản. Đề xuất phương hướng cho xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm lục bình đan, cói đan và thảm nói riêng sang Nhật Bản trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, thiết kế sản phẩm là vấn đề nan giải nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam. Muốn xuất khẩu tốt sang thị trường này thì các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường khâu thiết kế sản phẩm nhưng không nên chỉ đơn thuần chạy theo thiết kế mà phải đảm bảo cả tính năng sử dụng của sản phẩm nữa. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm độc đáo mang tính khu vực của Việt Nam mà vẫn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản.
Thông tin chi tiết xem file đính kèm