Triển vọng xuất khẩu quế của các địa phương thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Hiện, cả nước có khoảng 180.000 ha diện tích trồng quế, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Quế là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, với chất lượng được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Các thị trường tiêu thụ chính quế của Việt Nam là Ấn Độ, Mỹ, Bangladesh, Trung Quốc, EU. Riêng tại Ấn Độ, 90% sản lượng quế nhập khẩu của nước này đến từ Việt Nam.
Hình ảnh thu hoạch quế tại Yên Bái
Hàng năm, nước ta thu hoạch vỏ quế ước khoảng 900.000 – 1,2 triệu tấn. Theo các chuyên gia, quế không chỉ là gia vị, mà còn được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, được bổ sung vào cà phê, matcha và các đồ uống. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới luôn ở mức cung không đủ cầu.
Cây quế đã tạo sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn hộ nông dân cả nước, gia tăng thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo. Quế xuất khẩu của Việt Nam đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, theo các chuyên gia, giá trị xuất khẩu quế còn rất thấp so với tiềm năng, thế mạnh. Các sản phẩm quế xuất khẩu chủ yếu thông qua trung gian nên giá cả và thị trường không ổn định, giá trị chưa cao. Mặt khác, nước ta cũng chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia cho ngành quế, tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong vỏ cây quế vẫn còn xảy ra.
Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất miền Bắc, với khoảng 82.700 ha, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên với 45.200 ha, chiếm 55,7% diện tích quế toàn tỉnh. Hiện Yên Bái đã xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên và phát triển được vùng nguyên liệu khoảng 100.000 ha quế.
Diện tích lớn là một lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế. Toàn tỉnh Yên Bái đã có đến 17 doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm chính từ quế và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới. Cây quế đã được thu mua, chế biến từ lá, cành, vỏ, gỗ, từ đó sản xuất ra các sản phẩm như vỏ vụn, gỗ ván, gỗ thanh, gỗ băm, viên nén, đến tinh dầu quế, quế ống, quế sáo và các sản phẩm mỹ nghệ từ quế. Do đó, quế là mặt hàng có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Yên Bái đẩy mạnh xuất khẩu, không chỉ sang các thị trường truyền thống, mà còn có thể khai thác sang các thị trường mới với nhiều tiêu chuẩn cao hơn.
Xuất khẩu quế của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường khi Việt Nam là một trong 5 nước trồng quế trên thế giới. Cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, quế là một trong những hàng hóa tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia để mở rộng thị phần xuất khẩu. Những tháng đầu năm 2024 là thời gian ngành hàng này có sự dịch chuyển lớn về mặt thị trường. Điểm tích cực, một số thương hiệu quế của Việt Nam đã hiện diện ở nhiều thị trường khó tính.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 79.516 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 220,5 triệu USD, tăng 6,4% về lượng và tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu quế năm nay tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy triển vọng xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, về mặt giá trị xuất khẩu cần tiếp tục cải thiện hơn khi mặt hàng này chủ yếu xuất thô. Do đó, trong tương lai, ngành quế Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng sau thu hoạch và chế biến để gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính châu Âu, Mỹ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu quế hàng đầu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 bao gồm: Prosi Thăng Long đứng thứ nhất, đạt 11.540 tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,51% tổng lượng quế xuất khẩu của cả nước. Đứng thứ hai là gia vị Sơn Hà đạt 4.950 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,23%. Đứng thứ ba là Rừng Xanh T&K đạt 4.732 tấn, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 5,95% tổng lượng quế xuất khẩu của cả nước trong 10 tháng năm 2024.
Trong 10 tháng năm 2024, quế của Việt Nam được xuất khẩu sang 104 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Mỹ, Bangladesh, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) là 5 thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 10/2024, có sự dịch chuyển lớn về thị trường xuất khẩu, trong khi xuất khẩu quế sang Ấn Độ giảm 16,5% và Trung Quốc giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023, thì mức tăng mạnh xuất khẩu lại được ghi nhận tới nhiều thị trường khác như thị trường Hồng Kông tăng tới 4.100%, UAE tăng 145,7%, Anh tăng 105,6%, Indonesia tăng 93,6%, Ai Cập tăng 46,8%, Mexico tăng 46%.
Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm cùng nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển. Thời gian tới, xuất khẩu quế của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, với 16 hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia, có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP đã giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước khác về thuế. Đây là điều kiện, thời cơ hết sức thuận lợi để các sản phẩm quế của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.