Triển vọng xuất khẩu hạt tiêu của các địa phương thuộc vùng miền núi, vùng đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo.
Trong nhiều năm qua, ngành hạt tiêu đã có những đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cải thiện sinh kế cho nông hộ ở nhiều địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới với nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh và tiêu trắng.
Hình ảnh cây hạt tiêu trồng tại Đắk Lắk được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực về kim ngạch, mặc dù lượng xuất khẩu có phần giảm, nhờ vào xu hướng tăng giá hạt tiêu trên thị trường quốc tế. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt 28,1 nghìn tấn, trị giá 142,1 triệu USD, tăng 6,6% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với tháng 5/2024; tăng 32,5% về lượng và tăng 85,0% về trị giá so với tháng 6/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 141,4 nghìn tấn, trị giá 629,9 triệu USD, giảm 7,4% về lượng nhưng tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan với mức tăng 43,8% về lượng và 65,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 26,3% tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu trên thế giới đang có xu hướng tăng. Thương mại điện tử cũng tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng mua hạt tiêu cùng với các gia vị khác từ khắp nơi trên thế giới. Điều này mở rộng quy mô của ngành công nghiệp hạt tiêu và gia tăng nhu cầu.
Theo thông tin từ thị trường toàn cầu, quy mô thị trường hạt tiêu đạt giá trị 5,43 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 2,3% trong giai đoạn 2024 – 2032.
Để các sản phẩm hạt tiêu của Việt Nam khẳng định vị thế bền vững trên thị trường quốc tế, ngành hạt tiêu Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, và phải tập trung vào sản xuất phát triển bền vững. Ngành này không chỉ chạy theo sản lượng mà cần nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để kết nối giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng cần ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kết nối với khách hàng.
Cần thiết lập bộ dữ liệu lịch sử về giá, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong những năm qua để có cơ sở dự đoán và dự báo tình hình tiêu thụ, sản xuất trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng chiến lược cụ thể và hiệu quả để phát triển sản phẩm mới tại các thị trường cao cấp, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một số thị trường. Cần thúc đẩy xúc tiến thương mại, điều chỉnh lại chiến lược xây dựng hình ảnh và tăng cường sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm.
Thông tin chi tiết xem file đính kèm.