Tiền Giang thực hiện thành công các biện pháp tiêu thụ nông sản.

Tỉnh Tiền Giang nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ngoài lúa gạo, trái cây đặc sản là một trong những mũi nhọn kinh tế địa phương, nguồn nông sản xuất khẩu mang lại giá trị lớn. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thành công các biện pháp tiêu thụ sản phẩm, đưa nhiều loại trái cây xuất khẩu mang lại giá trị lớn.

Trong thời gian qua, Tiền Giang đã đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ vùng chuyên canh, đẩy mạnh sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nâng chất lượng nông sản hàng hóa, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Tỉnh Tiền Giang có diện tích khoảng 70.000 ha vườn cây ăn trái, hàng năm cho sản lượng trên 1 triệu tấn, với các loại trái cây nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, bưởi Lông Cổ Cò. Trong đó, thanh long Chợ Gạo và khóm Tân Phước có vùng chuyên canh với diện tích và sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu.

Để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa và phát triển bền vững các vùng chuyên canh trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, coi trọng cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Tỉnh cũng mời gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của địa phương. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, chú trọng chế biến sâu sẽ giúp tránh được những rủi ro cho các sản phẩm có hạn bảo quản ngắn, nông sản sẽ được nâng tầm giá trị.

Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, tỉnh đã thu hút đầu tư các dự án như Nhà máy sản xuất mứt, bảo quản và chế biến trái cây, rau, củ, quả Andros Asia của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất trái cây Hùng Phát tại thị xã Gò Công với vốn đầu tư 470 tỷ đồng; Dự án phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang tại huyện Tân Phước; Nhà máy chế biến trái cây của Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang tại huyện Chợ Gạo, với vốn đầu tư là 450 tỷ đồng; Nhà máy chế biến thủy sản Gò Đàng tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, thành phố Mỹ Tho. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hơn 150 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây với quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là các cơ sở thu mua, sơ chế phục vụ nhu cầu ăn tươi.

Tỉnh thường xuyên thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu đến các kênh phân phối lớn như các trung tâm thương mại, siêu thị. Thông qua các hoạt động này, nhiều sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang đã thường xuyên có mặt tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối ở các thành phố lớn trong cả nước.

Đối với thị trường nước ngoài, tỉnh thực hiện các ấn phẩm xúc tiến thương mại, như thông tin trái cây đặc sản Tiền Giang; danh bạ doanh nghiệp Tiền Giang bằng tiếng Việt, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua đó hỗ trợ hiệu quả việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đến các đối tác nước ngoài.

Tiền Giang thực hiện thành công các biện pháp tiêu thụ nông sản.

Thời gian qua, sản phẩm trái vú sữa Lò Rèn của Tiền Giang đã vào được thị trường Hoa Kỳ. Trái xoài cát Hòa Lộc được sử dụng trong cung ứng thực phẩm trên các chuyến bay và đã mở ra những cơ hội lớn cho việc quảng bá sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang đến khách hàng trong và ngoài nước.

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim

Tiền Giang cũng quan tâm hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành và các hoạt động kết nối giao thương ở nước ngoài theo chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã xây dựng và phát hành các tài liệu xúc tiến đầu tư cung cấp kịp thời cho các nhà đầu tư có nhu cầu, nâng chất lượng công tác hỗ trợ nhà đầu tư, lập dự án đầu tư, thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường để sớm triển khai dự án sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm được tỉnh Tiền Giang chú trọng thực hiện. Tỉnh còn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo đột phá thu hút đầu tư vào tỉnh. Cùng với việc thu hút đầu tư, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh còn đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư công góp phần tạo tổng lực cho những bứt phá trong thời gian tới.

© Tuyên bố bản quyền