Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Yên.

Từ một tỉnh thuần nông, Phú Yên đã có bước đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiến hành cơ cấu lại theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát huy tiềm năng lợi thế của ngành, từ đó tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay, sản phẩm hàng hóa muốn cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường thì đòi hỏi phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực luôn được các cấp chính quyền tỉnh Phú Yên cũng như doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa không chỉ là yếu tố xác định và phân biệt sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, mà còn thực sự trở thành nguồn vốn, tài sản có giá trị cho phát triển bền vững, giúp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, tỉnh Phú Yên đã bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý sò huyết Ô Loan, tôm hùm bông và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông; cùng các chứng nhận nhãn hiệu như: muối Tuyết Diêm, cá ngừ đại dương Phú Yên, hồ tiêu Sơn Thành, bò một nắng, bánh tráng, nước mắm gành đò. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên đã ban hành 9 danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gồm: cá ngừ, tôm hùm, sắn, mía, gạo, hạt điều, bò và các phẩm từ bò, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tôm hùm và tôm thẻ. Hiện các sản phẩm này đang có tiềm năng phát triển lớn, có thể nâng cao giá trị kinh tế cho tỉnh và có nhiều lợi thế khi tham gia xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Phú Yên có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian tới, Phú Yên sẽ tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập. Cơ cấu lại nông nghiệp, với mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu theo 02 nhóm sản phẩm gồm: đẩy mạnh phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, từng bước tham gia vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.

Thu hoạch Sò huyết tại đầm Ô Loan

Với những sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn, các địa phương cần tăng cường liên kết để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ gắn với cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến nông sản; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Yên.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP, trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc. Hỗ trợ phát triển các làng nghề, ngành nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình OCOP.

© Tuyên bố bản quyền