Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lào Cai.
Với điều kiện đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, đặc biệt là các tiểu vùng khí hậu độc đáo, Lào Cai có điều kiện để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản. Đây là cơ sở để Lào Cai thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm – chương trình OCOP, một chương trình lớn đang được các địa phương trong cả nước thực hiện.
Năm 2019, tỉnh Lào Cai đã ban hành nguyên tắc xác định và danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2020. Theo đó, 08 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Lào Cai gồm: Chè, quế, gạo chất lượng cao (Séng Cù, nếp Thẩm Dương), dược liệu (đương quy, xuyên khung, cát cánh, đan sâm, đẳng sâm, tam thất, ý dĩ), rau trái vụ (bắp cải, su hào, cà chua, su su), quả ôn đới (lê VH6, đào, mận), gia súc bản địa (bò của người HMông, trâu Bảo Yên, lợn đen bản địa), gia cầm bản địa (gà của người HMông, vịt Nghĩa Đô, vịt Sín Chéng), cá tầm, cá hồi.
Đến nay, nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Sản phẩm chè
Chè là một trong 5 mặt hàng chủ lực được tỉnh Lào Cai tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa.
Tỉnh Lào Cai hiện có 7.346 ha chè trồng tập trung, trong đó, có 4.868ha chè kinh doanh, 2.478 ha chè kiến thiết cơ bản. Người trồng chè ở Lào Cai trồng một số giống chè chủ yếu như: chè Shan, chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Ô Long, Thúy Ngọc…), chè lai, chè trung du. Năng suất chè búp tươi năm 2022 đạt 76,3 tạ/ha. Năm 2022, sản lượng chè búp tươi đạt 39.155 tấn; giá trị sản xuất từ cây chè đạt 274 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỉnh Lào Cai hiện có trên 827 ha chè sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, trong đó, 100 ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap; trên 727 ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ của Lào Cai đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, một số thị trường Trung Đông và thị trường Đài Loan (sản phẩm chè Ô Long).
Tỉnh Lào Cai đã đề ra kế hoạch năm 2023 trồng mới 1.055 ha chè, mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt 8.420 ha và tập trung đầu tư thâm canh trên 5.000 ha chè kinh doanh theo hướng sản xuất an toàn; nâng cao năng suất, chất lượng chè ổn định trên 10 tấn/ha/năm. Đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh chè, nâng cao chất lượng chè búp tươi, chế biến chè chất lượng, giá trị cao. Đầu tư nâng cấp các nhà máy, mở rộng công suất xưởng chế biến đến năm 2025 đạt 250 tấn chè búp tươi/ngày; chế biến sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường: chè xanh duỗi, chè Ô Long, chè trắng, hồng trà, bạch trà, trà matcha, trà túi lọc.
Sản phẩm quế
Quế là cây trồng được các hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đem vào trồng từ lâu. Đến nay, cây quế đã khẳng định được vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.
Từ năm 2012 trở lại đây, diện tích trồng quế tăng rất nhanh, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Lào Cai có trên 57.000 ha quế gấp gần 8 lần so với năm 2012, là vùng nguyên liệu đứng thứ 2 toàn quốc, sau tỉnh Yên Bái, là một trong những vùng nguyên liệu lớn trên thế giới.
Hiện nay Lào Cai đã có trên 3.600 ha quế được chứng nhận hữu cơ và diện tích quế hữu cơ đang tiếp tục mở rộng.
Theo dự báo, diện tích vùng nguyên liệu quế của Lào Cai sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới; cùng với đó toàn bộ diện tích quế của tỉnh được chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, phấn đấu trên 30% diện tích trồng quế được cấp chứng nhận hữu cơ. Dự kiến từ năm 2024 đến năm 2030, mỗi năm Lào Cai có trên 4.000 ha quế đến tuổi được khai thác trắng và khoảng 10.000 ha quế trong giai đoạn tỉa thưa. Sản lượng khai thác dự kiến mỗi năm sẽ trên 40.000 tấn vỏ khô, 350.000 tấn cành lá và khoảng trên 210.000 m3 gỗ; ước sản lượng tinh dầu quế sẽ đạt từ 1.600 đến 2.000 tấn/năm.
Gạo chất lượng cao
Gạo chất lượng cao là một trong những mặt hàng chủ lực được tỉnh Lào Cai đưa vào Nghị quyết 10 trong việc phát triển các cây trồng chủ lực.
Từ năm 2010, tỉnh đã triển khai đề án “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015”, trong đó mục tiêu chủ yếu là xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng bền vững để nâng cao giá trị thu nhập bình quân đạt từ 50 – 65 triệu đồng/ha/vụ, tăng thêm từ 20 – 30 triệu đồng/ha/vụ so với cấy lúa lai. Đến nay, nhiều sản phẩm lúa gạo của tỉnh đã cho thấy giá trị kinh tế cao, được đông đảo người tiêu dùng biết đến như gạo Séng Cù.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa đạt 7.500 ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy lúa nước toàn tỉnh, sản lượng khoảng 51.000 tấn.
Gạo Séng Cù Mường Khương thơm ngon nức tiếng
Cây dược liệu
Lào Cai là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam theo Quy hoạch tổng thể phát triển Dược liệu đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 850 loài cây thuốc, trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, Lào Cai có nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược như sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng.
Các mô hình sản xuất dược liệu kết hợp du lịch tại Lào Cai ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các mô hình du lịch dịch vụ tắm thuốc, ngâm chân, xông hơi và các sản phẩm từ dược liệu làm quà tặng như cao Atiso, trà thảo dược, tam thất, các loại mỹ phẩm từ dược liệu.
Tính đến nay, Lào Cai đã có 163 sản phẩm dược liệu được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm là thảo dược như Cao mềm Atiso Sa Pa; Viên nang Đông trùng Hạ thảo; Trà phun sương Atiso Sa Pa; Cao phun sương Atiso Sa Pa; Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà túi lọc Giảo cổ lam Sa Pa; Trà túi lọc Linh chi; Trà Tam thất Simacai. Các sản phẩm này đã và đang hấp dẫn du khách, làm món quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng có của Lào Cai.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha. Tỉnh phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu; xây dựng thương hiệu từ 2-3 sản phẩm dược liệu và có thêm từ 3-5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.