Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Thuận.

Tiềm năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bình Thuận nguồn tài nguyên tương đối phong phú và đa dạng để phát triển ngành kinh tế biển, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác và đặc biệt là dịch vụ du lịch. Nông – lâm nghiệp Bình Thuận phát triển đa dạng, toàn tỉnh có hơn 200 ngàn ha đất nông nghiệp, với các loại cây trồng chính là lương thực, điều, cao su, thanh long, trong đó thanh long là sản phẩm nổi tiếng nhất của Bình Thuận.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận cũng đã chú trọng phát triển các lợi thế của các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn. Việc triển khai thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn Bình Thuận.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Chương trình tập trung thực hiện trên phạm vi 3 huyện Tuy Phong, Hàm Tân, Phú Quý trong thời gian từ năm 2021-2025, với những nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ, doanh nghiệp, thương nhân làm công tác phát triển thương mại; Thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bên cạnh đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng đã góp phần nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bình Thuận. Đến nay, nhiều sản phẩm mang đậm đặc trưng của Bình Thuận như nước mắm, thanh long tươi, sản phẩm chế biến từ thanh long (rượu vang thanh long, rượu đế thanh long, thanh long sấy dẻo, kem thanh long, nước ép thanh long); sản phẩm chế biến từ hải sản; sản phẩm gạo; rong nho; tinh nghệ; sản phẩm chế biến từ ớt; hạt điều rang muối, kẹo hạt điều… nhiều sản phẩm OCOP của Bình Thuận ngày càng vươn xa, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm thanh long VietGAP Bình Thuận được trưng bày, quảng bá

Từ thế mạnh, Bình Thuận thực hiện các giải pháp khẳng định chất lượng, thương hiệu đi đôi với mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc thù, trong đó có các sản phẩm đã được gắn sao từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Năm 2023, tỉnh Bình Thuận phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng; đồng thời hỗ trợ ít nhất 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

© Tuyên bố bản quyền