Thương hiệu “Cà phê bổi U Minh” vẫn chưa phát huy hiệu quả một cách thực sự.
Cá bổi là loài cá nước ngọt, có vị thịt thơm, dai, lại ít xương, thường sống trong các cánh đồng cạn hay vùng đầm lầy. Đây là đặc sản của miền Tây nhưng loài cá này tập trung nhiều nhất ở vùng U Minh của bán đảo Cà Mau và vùng ngập lũ của sông Cửu Long. Trong đó, miệt rừng tràm U Minh hạ, gồm các huyện U Minh và Trần Văn Thời có điều kiện tự nhiên tốt để cá bổi phát triển. Cá khô bổi của huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” vào năm 2011.
Sản phẩm cá bổi U Minh
So với U Minh, nghề nuôi và làm khô cá bổi tập trung nhiều hơn ở huyện Trần Văn Thời, phổ biến ở các xã như: Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời. Với khoảng 8 kg cá tươi sau khi phơi sẽ cho ra 1 kg cá khô bổi thành phẩm, giá bán dao động từ 150 – 450 nghìn đồng/kg tùy loại.
Để chủ động nguồn cá nguyên liệu, nhà nông đã dần chuyển sang nuôi cá bổi công nghiệp. Sau khi tát đìa, chụp đìa, cá bổi được cơ sở thu gom về, sơ chế sạch, ngâm vừa đủ muối, sau đó phơi khoảng ba nắng là xuất bán được cho người tiêu dùng. Tùy theo đơn hàng mà cơ sở làm khô gia giảm lượng muối sao cho phù hợp khẩu vị thích cá mặn, cá lạt, cá vừa ăn của người tiêu dùng.
Làng cá khô bổi Trần Văn Thời bước vào vụ Tết Kỷ Hợi.
Thị trường mặt hàng cá khô bổi tại Cà Mau chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán có nhiều biến động tích cực hơn so với năm trước. Điều này, đã tạo động lực cho nông dân vùng chuyên canh cá sặc bổi vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời tất bật thu hoạch, làm khô để bán ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Năm nay, khô cá sặc bổi giá tương đối ổn định so với mọi năm. Việc giá cả ổn định là cơ hội và cũng là động lực để nông dân địa phương an tâm sản xuất mặt hàng này.
Làng nghề làm khô cá sặc bổi ở ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây được xem là làng nghề truyền thống chuyên cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh các mặt hàng khô cá sặc bổi từ nhiều năm nay. Nơi đây hiện có khoảng 21 hộ chuyên sản xuất khô cá sặc bổi – mặt hàng đặc sản của vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời. Đây cũng là nơi, thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 100 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân đầu người 200.000 đồng/ngày.
Nhãn hiệu “Cá khô bổi U Minh” vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, do chưa được sự quan tâm của người dân nên đến nay nhãn hiệu này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, những năm gần đây, do làm lúa hai vụ trong năm nên cá bổi tự nhiên không đủ độ lớn và diện tích nuôi cá bổi tự nhiên ngày càng thu hẹp. Tại huyện Trần Văn Thời, diện tích nuôi cá bổi không ngừng giảm. Năm 2013, toàn huyện có hơn 280 ha ao đầm nuôi cá bổi công nghiệp, sản lượng ước đạt hơn 4.000 tấn. Đến năm 2017, diện tích nuôi cá bổi toàn huyện chỉ còn 214 ha và theo số liệu của Phòng Nông Nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời cho thấy, đến năm 2018 diện tích nuôi cá bổi toàn huyện giảm mạnh còn 74 ha, giảm hơn 140 ha so với năm trước. Trong đó, số lượng sản phẩm được người dân đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” còn rất thấp.
Theo nhiều người nuôi cá bổi địa phương, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cá thương phẩm giảm là do cung vượt cầu. Vài năm qua, cùng với sự phát triển tại Cà Mau, mô hình nuôi cá sặc bổi tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cũng phát triển. Đặc biệt, năng suất cá bổi nuôi tại các tỉnh này cao hơn và chi phí thấp hơn nên khi đưa về Cà Mau tiêu thụ có giá thành thấp. Dẫn đến, con cá bổi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực tại đây khó cạnh tranh, người nuôi ngày càng khó khăn.
Bên cạnh đó, theo Ban quản lý nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh”, thời gian qua Ban quản lý đã rất nỗ lực giúp người dân làm thủ tục đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể và hỗ trợ kỹ thuật, máy móc để các cơ sở sản xuất thực hiện đúng các quy trình, kỹ thuật. Tuy nhiên, do nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu tập thể này nên chưa tham gia đăng ký. Chính từ sự thiếu quan tâm của bà con đã làm cho nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” chưa được người tiêu dùng ngoài tỉnh biết đến và chưa quảng bá được thương hiệu.
Mặt khác, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” nên nhập cá bổi tươi từ các nơi khác về để làm khô, không bảo đảm chất lượng. Theo quy định, một sản phẩm muốn được công nhận nhãn hiệu thì phải đáp ứng 3 yếu tố sau: chỉ dẫn địa lý (nguồn gốc xuất xứ), số lượng, là sản phẩm đặc thù.
Đối với nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” thì nguồn gốc xuất xứ phải là của huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. Vì vậy, nếu người dân nhập cá bổi tươi từ nơi khác về để làm khô là không đúng nguồn gốc xuất xứ, đó là chưa kể đến chất lượng sản phẩm không bảo đảm.
Hiện nay, một bộ phận người dân làm mặt hàng khô bổi không tận dụng nguồn cá chất lượng tại địa phương mà mua từ nơi khác rẻ hơn dẫn đến giá cá ngày càng giảm mạnh. Hàng hóa lưu thông trên thị trường là tự do, không thể can thiệp nhưng việc này vô tình làm ảnh hưởng đến thương hiệu con cá bổi của địa phương.
Cá bổi là một trong những sản phẩm chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của một số địa phương của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, với những thăng trầm của con cá bổi thì người dân đang gặp nhiều khó khăn. Nếu thời gian tới, giá cá bổi không được cải thiện, nguy cơ sẽ có nhiều người nuôi sẽ tiếp tục bỏ nghề.
Nhằm giúp người dân duy trì mô hình nuôi cá bổi, đầu năm 2018, Phòng Nông Nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn đã triển khai “Dự án cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi cá bổi thâm canh”. Dự án có tổng nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng. Tham gia dự án, bà con được hỗ trợ tiền con giống, thức ăn, thuốc và được tập huấn kỹ thuật. Tuy nhiên, sự nỗ lực của các ngành liên quan cũng chưa giúp người dân tháo gỡ được khó khăn. UBND huyện Trần Văn Thời cũng cho biết, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục quan tâm bảo vệ thương hiệu; đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá đồng; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, kết hợp nuôi, chế biến, ép cá giống cung cấp cho thị trường để nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, các sở, ngành có liên quan cần sớm hỗ trợ địa phương trong việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi thương hiệu đặc sản cá bổi U Minh đến các tỉnh trong cả nước. Đặc biệt là vấn đề tìm đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm cá bổi U Minh, đưa sản phẩm này vào các siêu thị lớn để tiêu thụ cũng như quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng.
Cá khô bổi của huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung từ lâu được người tiêu dùng rất ưa thích, vì vừa hợp khẩu vị, vừa mang tính đặc trưng của vùng đất rừng U Minh Hạ. Việc người dân chưa quan tâm sản xuất theo nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” không chỉ chưa phát huy hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất mà còn vô tình tự đánh mất thương hiệu do mình làm ra.
Vì thế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật để nông dân tham gia ngày càng đông, đăng ký và phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” là vấn đề cần làm ngay của các cơ quan chức năng.