Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mùa Đông Xuân 2021-2022 tại Đồng Hằng và Tây Nguyên.
Tổ chức sản xuất trong điều kiện rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song sản xuất trồng trọt các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn gặt hái thắng lợi.
Lạc phát huy thế mạnh ở Duyên hải Nam Trung bộ
Giải pháp bớt tiêu tốn hàng trăm tỷ mỗi năm chống hạn cho lúa
Phát huy tiềm năng vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để xây dựng nông thôn mới
Ngày 25/10, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa năm 2021, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.”
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trung Quân.
Vụ hè thu, vụ mùa 2021 thắng lợi toàn diện
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ hè thu và vụ mùa 2021 ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra trong điều kiện bất lợi về thời tiết, nguồn nước, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao. Tuy nhiên, toàn vùng vẫn đạt được những kết quả rất khả quan.
Trong vụ hè thu, vụ mùa 2021, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên đã tiến hành sản xuất sớm, tập trung xuống giống nhanh, gọn, xây dựng lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng.
Những vùng đủ nước tăng cường đầu tư thâm canh, vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ đã chuyển đổi cây trồng khác sử dụng ít nước như ngô, lạc, vừng, rau, đậu. Tập trung sử dụng các loại giống ngắn ngày và cực ngắn ngày trong tình hình khô hạn thiếu nước đã mang lại hiệu quả cao, giúp giảm 2 lần nước tưới (10-12 ngày/vụ).
Tổng diện tích gieo trồng lúa toàn vùng DHNTB và Tây Nguyên năm 2021 ước đạt hơn 772.000 ha, tăng hơn 41.000 ha, năng suất ước đạt hơn 61 tạ/ha, tăng 1,37 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 4,7 triệu tấn, tăng 355.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa toàn vùng năm 2021 ước đạt hơn 21.900 ha (cây trồng hàng năm hơn 20.900 ha, cây trồng lâu năm 984 ha). Lượng giống gieo sạ có chiều hướng giảm ở mức trên 150 kg/ha, mức từ 100-150 kg/ha có xu hướng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn biến động rất lớn giữa các tỉnh và các vụ sản xuất.
Dù diễn ra trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, sản xuất lúa vụ hè thu, vụ mùa 2021 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ – Tây Nguyên vẫn thắng lợi. Ảnh: TL.
Đối với cây cà phê, diện tích liên tục tăng. Đến năm 2020, diện tích cà phê vùng Tây Nguyên hơn 639.000 ha, tăng hơn 132.000 ha so với năm 2010. Năng suất đạt 28 tạ/ha, tăng 5,7 tạ/ha so với năm 2010.
Thực hiện tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014 – 2020 đạt hơn 124.200 ha, đạt 103,6% kế hoạch. Nếu tính lũy kế, tổng diện tích tái canh và ghép cải tạo năm 2021 các tỉnh trong vùng đạt hơn 14.800 ha.
Đối với cây hồ tiêu, năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên ước đạt diện tích hơn 82.000 ha, giảm hơn 1.000 ha so với 2020, diện tích thu hoạch hơn 73.000 ha, năng suất đạt hơn 25 tạ/ha, thấp hơn 1 tạ/ha so với năm 2020, sản lượng đạt hơn 190.000 tấn, tăng hơn 13.000 tấn so với năm 2020; vùng DHNTB diện tích hơn 2.000 ha, năng suất 15 tạ/ha, sản lượng hơn 3.000 tấn.
Đối với cây điều, đến năm 2020, vùng DHNTB diện tích hơn 30.000 ha, sản lượng hơn 18.000 tấn. Vùng Tây Nguyên, diện tích hơn 87.000 ha, sản lượng hơn 74.000 tấn. Niên vụ điều 2021-2022 đang được nông dân chăm sóc để chuẩn bị cho vụ ra hoa mới.
Đối với cây cao su, tổng diện tích khu vực DHNTB và Tây Nguyên là hơn 284.000 ha, năng suất hơn 14 tạ/ha, sản lượng hơn 335.000 tấn.
Tập trung xuống giống vụ đông xuân trong tháng 12
Theo Cục trồng trọt, trong vụ đông xuân 2021-2022, về thời vụ sản xuất lúa ở các tỉnh DHNTB, những diện tích chủ động được nguồn nước sẽ bố trí thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 10 – 31/12, thu hoạch trước 30/04/2022.
Những diện tích không chủ động được nguồn nước, cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ, diện tích này chiếm 10-15% diện tích gieo trồng. Vùng trũng, thoát nước kém, tranh thủ nước rút đến đâu xuống giống đến đó, phấn đấu gieo sạ trước 10/01/2022.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, những vùng chủ động được nguồn nước tưới, tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10-31/12. Những vùng cân đối nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ, các địa phương phải tính toán, cân đối diện tích xuống giống phù hợp với lượng nước trong hồ đập.
Về cơ cấu giống, đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất cao, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt.
Đối với cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, khu vực DHNTB tập trung phát triển mở rộng sản xuất ngô, vừng, lạc vụ đông xuân trên đất phù sa ven sông, đất xám bạc màu. Khu vực Tây Nguyên, cần tập trung sản xuất cây rau màu ngắn ngày.
Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, các tỉnh tiếp tục rà soát, xác định các đối tượng cây ăn quả chủ lực, có lợi thế phát triển phù hợp với đất đai, điều kiện sinh thái, trên cơ sở đó đưa ra các chính sách, giải pháp phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Đối với vụ đông xuân 2021-2022 ở khu vực DHNTB và Tây Nguyên, cơ cấu thời vụ phải hết sức linh hoạt vì đây là khu vực có rất nhiều tiểu vùng với điều kiện khí hậu, nguồn nước khác nhau.
Vì vậy, các địa phương phải bám sát tình hình thời tiết, hết sức linh hoạt trong bố trí cơ cấu thời vụ cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho việc xuống giống.
Đối với cây hồ tiêu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý các địa phương hiện nay giá bán đang tốt, nhưng nếu không kiểm soát được diện tích, rất dễ lặp lại bài học “đua nhau tăng diện tích” sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn.
Đối với cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây cà phê, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ quan ngại và lưu ý các địa phương phải kiểm soát chặt việc trồng xen các cây trồng khác vào các diện tích cà phê.
“Đã có nhiều trường hợp trồng xen nhưng mật độ cây trồng lại như trồng chính, lượng giống, phân bón sử dụng quá nhiều, dẫn tới đất, nước, bộ rễ cây trồng chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.