Thẻ vàng IUU – Chuẩn bị 24/24 trong 10 ngày chờ đón đoàn EC

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị địa phương và doanh nghiệp nêu cao tinh thần sẵn sàng trong tháng cao điểm chống IUU.

EC muốn bức tranh tổng thể quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản Việt Nam.

Sẽ hướng dẫn từng địa phương quy trình đón đoàn EC kiểm tra IUU.

Đa phần các cảng cá mới kiểm soát được 20 – 30% sản lượng khai thác.

Chạy nước rút gỡ ‘thẻ vàng’ IUU.

Lực lượng kiểm ngư cùng các đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ trong giai đoạn từ ngày 19-28/10.

Tham mưu tại buổi lên kế hoạch đón tiếp Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh vai trò của công tác phối hợp.

Theo ông Hùng, ngành hàng thủy sản được xây dựng theo chuỗi. Cá được bắt tại Kiên Giang nhưng có thể được chế biến tại hai nơi là Cà Mau và Bến Tre. Việc truy xuất nguồn gốc, vì thế, nhân đôi khó khăn và thời gian.

“Vài tháng qua, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố ven biển. Chúng tôi thấy nổi lên vấn đề truy xuất nguồn gốc, bởi quy trình này liên quan đến nhiều địa phương, thậm chí cần sự chung tay của cả doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Từ kinh nghiệm của những đợt đón EC trước, ông Hùng cho biết, các địa phương cần bố trí nguồn lực, giữ liên lạc thông suốt, tránh tình trạng để đoàn kiểm tra chờ đợi, nhất là vào lúc giao ban như chập tối hoặc đầu giờ sáng.

“Nếu cần thiết, 28 tỉnh, thành phố ven biển, các cảng cá và doanh nghiệp thủy sản cử đầu mối thông tin, túc trực 24/24 trong suốt 10 ngày đoàn EC kiểm tra, từ 19-28/10”, ông Hùng bày tỏ.

Thẻ vàng IUU - Chuẩn bị 24/24 trong 10 ngày chờ đón đoàn EC

Về phía Tổng cục Thủy sản, Phó Tổng cục trưởng cam kết sẽ cử cán bộ xuống tận địa phương, hỗ trợ mọi vấn đề liên quan tới kỹ thuật. Trong dài hạn, ông Hùng đề nghị địa phương thành lập các đoàn liên ngành xuống từng xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề vi phạm.

Tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chia sẻ khó khăn với ngành thủy sản, Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long hứa tăng cường và luân chuyển cán bộ, nhân viên tại các Chi cục Thú y vùng, nhằm hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời địa phương đón đoàn EC.

Ông Long cũng đề xuất triển khai tập huấn về kỹ năng thuyết trình trước đoàn EC cho một số địa phương ven biển, theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Sau đó, lấy kinh nghiệm lan tỏa sang các nơi khác.

Về lo ngại, rằng địa phương chưa xử lý nghiêm tình trạng vi phạm khi khai thác thủy sản, đại diện Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) nêu cách làm của Thái Lan. Đó là, ngay khi thủy sản được bốc dỡ lên cảng, đại diện cơ quan thú y sẽ kiểm tra rồi niêm phong cho tới khi vào nhà máy chế biến. Đơn vị quản lý chất lượng sẽ dựa vào thông tin trên niêm phong để chứng nhận và xử lý tiếp.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, ngoài các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU, đoàn EC sang Việt Nam cuối tháng 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc thực thi các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA.

Ngày 23/10/2017, EC rút “thẻ vàng” IUU với thủy sản Việt Nam. Trong 5 năm vừa qua, Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản có nhiều nỗ lực tháo gỡ. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý, hiện nước ta mới hoàn thành tương đối tốt các vấn đề liên quan đến pháp lý. 3 khuyến nghị khác của EC, là chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, quản lý đội tàu và truy xuất nguồn gốc thủy sản còn hạn chế.

© Tuyên bố bản quyền