Tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào đạt 801 triệu USD; trong đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 342 triệu USD và xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 459 triệu USD.

Tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thuỷ sản, giầy da, may mặc và một số vật tư, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, than đá, xăng dầu các loại, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc. Với cơ cấu mặt hàng nhập khẩu qua biên giới của Việt Nam từ thị trường Lào tập trung chủ yếu vào những nhóm mặt hàng chính là: gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường, quặng, nguyên phụ liệu thuốc lá.

Đại diện thương vụ Việt Nam tại Lào cũng chia sẻ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Đến nay, vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt khoảng 5,1 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào.

Riêng năm 2016 đã có thêm một số dự án lớn được đưa vào vận hành khai thác, nổi bật là thủy điện Xê-ka-mản 1 đã hoàn thành và phát điện. Khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn cũng kịp thời hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ khách Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016.

Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở, thành lập được 9 khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn đã cho biết những hạn chế, bất cập dẫn đến quan hệ thương mại kém hiệu quả như: quy định vẫn còn chồng chéo, phát sinh nhiều thủ tục hành chính chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động thương mại biên giới. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bất cập trong tổ chức bộ máy quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động, hạ tầng thương mại biên giới.

Tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Bên cạnh đó, hai bên vẫn chưa xây dựng, ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới. Điều này gây ảnh hưởng tới sự thống nhất đồng thuận, giải quyết một số vấn đề trong hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Hơn nữa, dù kim ngạch trao đổi hàng hoá liên tục tăng qua các năm nhưng chưa tăng mạnh và đồng đều trên cả tuyến biên giới, một số tỉnh có tiềm năng như Điện Biên, Sơn La, Kon Tum… nhưng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thương mại, giao thông chưa được đầu tư tương xứng.

Điều đáng lưu ý là việc phối hợp trong chống buôn lậu và gian lận thương mại còn nhiều hạn chế. Sở dĩ vậy bởi do địa hình, phân bố dân cư kèm theo những khó khăn về kinh tế của vùng biên giới. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác nữa là sự chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy định của pháp luật và sự khác biệt trong chính sách quản lý của mỗi nước.

Để đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam-Lào, theo các chuyên gia thương mại hai bên cần đơn giản thủ tục quản lý biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến thương mại. Ngoài ra, Việt Nam- Lào phải xây dựng cơ chế phối hợp để việc trao đổi thông tin gắn với việc quản lý công tác thương mại biên giới được diễn ra nhanh chóng giúp giải quyết kịp thời các vấn đề tồn đọng.

Đặc biệt là thúc đẩy các thành phần kinh doanh tham gia vào việc phát triển thương mại biên giới và xây dựng chợ biên giới, nhất là chợ vùng biên, nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt – Lào 2020.

Bộ Công Thương đã thống nhất việc tiếp tục phối tổ chức thực hiện dự án “Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020” trên cơ sở Quy hoạch đã được mỗi Bên phê duyệt. Đồng thời, phối hợp nghiên cứu lập Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới chung giữa hai nước Việt Nam – Lào giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đặc biệt, hai bên sẽ nghiên cứu đề xuất lên Chính phủ mỗi nước về khả năng thành lập cũng như hỗ trợ đầu tư nâng cấp các cặp cửa khẩu, Khu hợp tác kinh tế dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, hai bên sẽ triển khai đồng bộ có hiệu quả Hiệp định thương mại mới và Hiệp định thương mại biên giới. Bên cạnh đó, phối hợp nghiên cứu và xây dựng Đề án Tổng thể phát triển Thương mại Việt Nam-Lào giai đoạn 10 năm (2017-2026).

Không chỉ vậy, hai bên còn tìm kiếm giải pháp cần thiết thúc đẩy tăng trưởng đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tăng 10% so với năm 2016.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại tại các tỉnh biên giới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường trao đổi các đoàn tiếp xúc, quan hệ cùng hợp tác đầu tư giữa các doanh nhân Việt Nam và Lào.