Cuộc chiến tranh hiện đại ngày càng sử dụng vũ khí tự động điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI), đại diện các quốc gia đã họp tại Liên Hợp Quốc vào ngày 12 để khởi động lại việc quản lý các loại vũ khí này. Các chuyên gia cảnh báo, thời điểm để quản lý những công nghệ chết người mới đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo tin từ Reuters, hệ thống vũ khí tự động và hệ thống vũ khí hỗ trợ AI đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraine và cuộc chiến tại Gaza. Nhiều quốc gia trên thế giới đã dần tăng chi tiêu quốc phòng, điều này cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của quân sự AI. Tuy nhiên, việc thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho sự phát triển và ứng dụng của công nghệ này lại không theo kịp. Các tiêu chuẩn có hiệu lực quốc tế vẫn chưa được thiết lập.
Kể từ năm 2014, các quốc gia tham gia Công ước về Vũ khí Truyền thống Cụ thể (CCW) đã họp tại Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận về việc có nên cấm các hệ thống vũ khí hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần sự kiểm soát thực chất của con người hay không, và để quản lý các vũ khí tự động khác.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đặt ra thời hạn năm 2026 để các quốc gia xây dựng các quy định rõ ràng về việc sử dụng vũ khí AI. Nhưng các tổ chức nhân quyền cảnh báo, các chính phủ thiếu sự đồng thuận. Alexander Kmentt, người đứng đầu bộ phận kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Áo, cho biết cần phải sớm thay đổi tình trạng này.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Thời gian thực sự không còn nhiều, cần thiết lập các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp để ngăn chặn ác mộng mà các chuyên gia hàng đầu đã cảnh báo trở thành hiện thực.”
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York là cuộc họp đầu tiên của Liên Hợp Quốc về các vũ khí tự động. Mặc dù cuộc thảo luận không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, các nhà ngoại giao vẫn hy vọng sẽ gây áp lực mạnh mẽ hơn lên các cường quốc quân sự đang ngần ngại quản lý vì lo sợ bị mất ưu thế trên chiến trường.
Các tổ chức vận động hy vọng rằng cuộc họp này sẽ thúc đẩy các nước đạt được tài liệu chính thức có giá trị pháp lý. Cuộc họp cũng sẽ thảo luận về những vấn đề then chốt không được đề cập trong Công ước về Vũ khí Truyền thống Cụ thể, chẳng hạn như các lo ngại về đạo đức và nhân quyền, cũng như vấn đề sử dụng vũ khí tự động bởi các thực thể phi nhà nước. Các tổ chức coi cuộc họp này là một phép thử quan trọng để xem các nước có thể giải quyết bất đồng trước vòng đàm phán tiếp theo về Công ước vào tháng 9 hay không.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, nhiều quốc gia ủng hộ một khuôn khổ toàn cầu có tính ràng buộc, nhưng Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ lại thích việc áp dụng các hướng dẫn ở cấp quốc gia hoặc quy định pháp luật quốc tế hiện có về vũ khí tự động. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters: “Chúng tôi không nghĩ rằng luật hiện tại là không đủ”, vũ khí tự động có thể ít rủi ro đối với dân thường hơn so với vũ khí truyền thống.
Chính phủ Ấn Độ, Nga và Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Thông tin mở rộng:
Tăng cường hiệu quả chiến đấu, quân đội Mỹ đào tạo AI điều khiển vũ khí laser chống lại máy bay không người lái. Quy định quốc tế chưa có sự đồng thuận, quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng AI để thực hiện không kích. Các bộ phim khoa học viễn tưởng dần trở thành hiện thực, cuộc chiến Nga-Ukraine làm các quốc gia ngày càng lo ngại về vũ khí AI.