Sự chuyển mình trong cách sản xuất nông nghiệp tại Cuba

Những cánh đồng đầu tiên của Cuba trồng giống lúa Việt Nam, trong điều kiện thổ nhưỡng khác, khí hậu khác nhưng đã đạt năng suất 7 – 10 tấn/ha.

Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng Cuba tự chủ sản xuất nông nghiệp

Hiệu quả hợp tác kỹ thuật sản xuất lúa gạo tại Cuba

Hợp tác doanh nghiệp-doanh nghiệp Việt Nam-Cuba, con đường giúp bạn tự chủ lương thực

Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ở Cuba. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bữa cơm đầy ý nghĩa

PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) – tổng đạo diễn bộ phim tài liệu “Hai trái tim chung nhịp đập” do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ các Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba phối hợp sản xuất kể: Người Việt sang Cuba, đi trên đường thường bất chợt được dân ở đây giơ tay và hô “viva Việt Nam” như một lời trân trọng cảm ơn. “Hai trái tim chung nhịp đập” là bộ phim tài liệu dài 5 tập, khi được trình chiếu đã nhận được sự quan tâm lớn của khán giả Việt Nam cũng như Cuba.

PGS.TS Bùi Chí Trung chủ trì nhóm chuyên gia bên ngoài Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ thực hiện bộ phim ấy. Đoàn đã trải qua nhiều chuyến công tác Cuba dài ngày, có lúc còn được Bộ các Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba bố trí máy bay để di chuyển cho kịp tiến độ. Đoàn đã gặp nhiều nhân chứng của cả hai bên, đến những địa danh mà hai nước từng hợp tác để từ đó khắc họa những vấn đề cốt lõi theo chiều dài năm tháng cũng như nhận diện những vấn đề gợi mở cho tương lai.

Quốc kỳ Việt Nam và Cuba tại pháo đài San Carlos. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Trong quá trình mấy năm làm người quan sát ấy, anh Trung đã chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của người dân Cuba.

Anh kể: “Cách đây 2 tháng tôi có dự một hội thảo rất lớn kỷ niệm 20 năm kênh truyền hình quốc tế của Cuba cũng như phong trào cách mạng của các nhà báo Mỹ La Tinh đấu tranh cho tự do, dân chủ, đặc biệt là trong không gian số. Sau sự kiện, đại sứ Việt Nam ở Cuba mời tôi đến tỉnh Pinar del Río, cách Thủ đô La Habana khoảng 100 km, nơi có dự án hợp tác trồng lúa nước giữa hai quốc gia. Đó cũng là buổi thu hoạch đầu tiên. 65 học sinh, sinh viên Cuba đã mang theo cờ Việt Nam ra đồng để cổ vũ, nơi mà trước đây trên mảnh đất tương đối cằn cỗi họ không biết trồng cây gì cho phù hợp.

Khi tôi và ông đại sứ vào nhà máy xay xát mang tên một anh hùng Cuba, cầm trong tay những hạt gạo Việt Nam mới được xát ra, lòng chợt dâng trào cảm xúc. Bữa cơm do cán bộ, nông dân của hai nước nấu trở nên đầy ý nghĩa vì là đó thành quả của sự hợp tác Việt Nam – Cuba.

Cú hích thay đổi phương pháp sản xuất

Trong chuyến thăm Cuba tháng 9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm muốn giúp bạn về an ninh lương thực. Có an ninh lương thực một quốc gia mới bền vững về kinh tế, chính trị, xã hội. Có an ninh lương thực một quốc gia mới đảm bảo về quốc phòng, an ninh. Việt Nam giúp Cuba trong thời điểm này thể hiện sự chung thủy với bạn.

Trường tiểu học Bác Hồ ở thủ đô Lahabana. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Bao vây, cấm vận đã tác động sâu sắc đến Cuba. Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như của các cơ quan, bộ ngành, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường là rất lớn, sẵn sàng đối mặt với những thử thách để giúp bạn. Không chỉ giúp về tiền mà giúp về phương pháp, về mô hình, từ thử nghiệm nhỏ đến nhân rộng ra đại trà để minh chứng cây đó, con đó là phù hợp.

PGS.TS Bùi Chí Trung chia sẻ: “Tôi đánh giá rất cao sự ‘ba cùng’ của những chuyên gia nông nghiệp Việt Nam khi ăn cùng, ở cùng, làm cùng với người dân Cuba, chia sẻ sự khó khăn như không có dầu gội đầu, xà phòng, không có điện, không có nước với họ. Ở miền núi Việt Nam cũng nhiều nơi khó khăn nhưng còn có sự kết nối với hậu phương là đồng bằng. Còn khó khăn ở Cuba giống như một ốc đảo về kinh tế, làm cái gì cũng khó. Có máy cày nhưng không có dầu, có máy xát gạo nhưng không có điện, có tiền mua vật tư nông nghiệp, thiết bị đã khó, vận chuyển chúng tới Cuba lại càng khó nữa.

Tất cả giống như một cuộn chỉ rối. Các chuyên gia Việt Nam phải nghĩ ra giải pháp thích hợp nhất, linh hoạt nhất cho những tình huống cụ thể. Có ba công thức mà Việt Nam có thể phối hợp với Cuba trong các dự án nông nghiệp gồm hỗ trợ bạn phương pháp, cùng làm với bạn và chúng ta tự làm. Vừa rồi tôi đã chứng kiến những cánh đồng đầu tiên của Cuba trồng giống lúa Việt Nam, trong điều kiện thổ nhưỡng khác, khí hậu khác nhưng đã đạt năng suất 7 – 10 tấn/ha. Đó có thể là cú hích để thay đổi phương pháp sản xuất ở Cuba theo hướng bền vững.

Đoàn làm phim tại chiến khu Sierra Maestra. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Trước đó, Việt Nam có dự án giúp Cuba trồng ngô. Có ngô là có nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Có thức ăn chăn nuôi là có sức kéo, có sữa, có thịt. Chúng ta không chỉ giúp bạn trồng lúa, trồng ngô mà còn cả nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm trên biển, giúp từ con giống đến cách ươm, cách nuôi trên diện rộng.

Nhiều trường hợp chuyên gia Việt Nam ở Cuba phải “tay không bắt giặc” bởi thiếu từ cái ống nghiệm, cái lưới, cái gáo, cái xô trở đi. Khắc phục khó khăn là tố chất của người Việt đã được thể hiện trong hoàn cảnh đó. Cái mà chúng ta đã có với Cuba trong quá khứ là lòng tin chiến lược thì giờ được khẳng định thêm một lần nữa.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel và những nhà lãnh đạo của hai bên mà gần đây nhất là Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng đều đến thăm mô hình trồng lúa ở tỉnh Pinar del Río. Đó là con đường phù hợp mà Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì giúp Cuba đảm bảo an ninh lương thực – thứ không thể có trong ngày một ngày hai mà là cả một hành trình dài.

Sự chuyển mình trong cách sản xuất nông nghiệp tại Cuba

Phần lớn những chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam sang giúp Cuba đều đã từng đi nhiều nước khác nhau, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để khi đến một nước mới, đối mặt với khó khăn mới thì giải quyết được rất nhanh. Tôi từng gặp người phụ nữ đã bỏ hai con nhỏ lại cho ông bà ở Việt Nam chăm để sang Cuba làm kế toán cho dự án trồng lúa. Nắng gió như thế, vất vả như thế, đến cả lọ dầu gội đầu còn thiếu nhưng chị vẫn chấp nhận. Vật chất đã vậy, tinh thần lại càng khó hơn khi internet, mạng điện thoại của Cuba hiếm khi liên lạc được về nhà nên chị đôi lúc rất cô đơn.

Chúng ta gần đây đã có những hành động để tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Xuất khẩu ô tô, xuất khẩu những sản phẩm chủ lực cũng là một cách rất quan trọng nhưng vẫn còn những cách khác nữa. Bây giờ, khi người bạn thân thiết của mình đang bị bao vây, cô lập, Việt Nam vẫn không bỏ Cuba mà giúp đỡ một cách chân tình. Đấy là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tính nhân văn của người Việt. Ngoài giúp bạn về an ninh lương thực, Việt Nam còn có nhiều dự án khác đang được triển khai ở Cuba như xây khu công nghiệp, nhà máy, điện mặt trời.

Nhiều người Việt trẻ bây giờ ngoài biết đến Cuba là bạn chí tình thời chiến tranh chống Mỹ, là nơi có loại xì gà nổi tiếng thì vẫn còn thiếu nhiều thông tin. Cuba có biết bao nhiêu cái đẹp, có biết bao sự gắn kết giữa hai nước, đặc biệt là về tư tưởng. Cơ hội kết nối giữa nhân dân hai nước cần phải phát triển hơn nữa như du lịch, như giáo dục – một nền giáo dục thuộc tốp đầu thế giới. Sự gắn kết giữa các địa phương của hai nước cần phải được củng cố, phát triển như trước đây ở Việt Nam có các làng Moncada, còn ở Cuba cũng có các làng Việt Nam.

(PGS.TS Bùi Chí Trung).

© Tuyên bố bản quyền