Sơn La: Mở rộng diện tích trồng cam Ninh Phụng đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Trong những năm gần đây, cam Nà Mòn thuộc huyện Sốp Cộp đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sơn La. Mục tiêu của địa phương là xây dựng bản Nà Mòn trở thành vùng trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, bền vững và chất lượng cao.
Giống cam Nà Mòn cho quả to, ít hạt, dễ bóc vỏ. Mỗi quả trung bình nặng từ 5 lạng trở lên, có những quả nặng đến 7 – 8 lạng, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, cam Nà Mòn mọng nước, có hương thơm và vị ngọt. Cam Nà Mòn rất ít sâu bệnh nên người trồng không phải tốn công chăm sóc cây nhiều. Ngoài việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại thì người trồng cần chú ý cắt tỉa cành, bỏ đi những phần sẹo xấu để đảm bảo chất dinh dưỡng cho quả, giúp thu được những quả to và chất lượng. Giống cam này có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người, chứa nhiều vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm đẹp da nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Trung bình mỗi cây cam Nà Mòn cho năng suất từ 1,5 – 2 tạ quả, mang lại hiệu quả cao cho người trồng, đời sống người dân được cải thiện nhiều hơn so với trước đây. Sau nhiều năm trồng và chăm bón cây cam, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã được thành lập, tập trung mở rộng diện tích trồng cam theo hướng nông nghiệp sạch, đạt chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật.
Tính đến nay, bản Nà Mòn đã có gần 90 hộ trồng cam, có hộ trồng đến 4 ha cam. Tổng diện tích cam trên cả bản là 30 ha, trong đó có 27 ha đã cho thu hoạch. HTX nông nghiệp Duy Lợi có 13 ha cam, trong đó có 7 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ảnh: Người dân thu hoạch cam Nà Mòn
Cam Nà Mòn không chỉ là một đặc sản của tỉnh Sơn La mà còn là cây trồng nhiều tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương cần chú trọng vào những giải pháp sau để tiếp tục phát triển cây trồng này hơn nữa:
Thứ nhất: Chính quyền địa phương chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ đến từng thôn bản và mở rộng diện tích cấp mã số vùng.
Thứ hai: Xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cam Nà Mòn để giúp địa phương giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng dễ dàng hơn. Khuyến khích bà con nông dân tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp để quảng bá sản phẩm.
Thứ ba: Mở rộng đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm. Tăng cường liên kết với các siêu thị, chợ dân sinh, trường học, bệnh viện hoặc các chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch để tăng đầu ra cho sản phẩm.
Thứ tư: Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho bà con nông dân về quy trình kỹ thuật, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cho bà con.
Khánh Huyền