Sơn La ghi nhận thành công vượt bậc trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Năm 2019, trị giá nông sản tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La ước đạt 140,16 triệu USD, tăng 23,45% so với năm 2018. Mục tiêu đặt ra cho năm 2020 là đưa trị giá xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt trên 151 triệu USD. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, phát triển và duy trì hiệu quả 124 chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn có mã số vùng trồng (tăng 68 chuỗi so với năm 2018).Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 18 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và có 01 sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người dân chuyển hướng từ cây nông nghiệp đơn thuần giá trị thấp sang các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 70.240 ha cây ăn quả, một số loại cây có diện tích và sản lượng lớn như: Xoài, nhãn, chanh leo, bơ, na, chuối, hồng giòn, cam, bưởi, mận, sơn tra… trồng tập trung tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên, Mường La… sản lượng năm 2019 đạt 250 nghìn tấn quả. Dự kiến, năm 2020, có trên 80.500 ha cây ăn quả.
Đến nay, tỉnh đã có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, phát triển và duy trì hiệu quả 124 chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn có mã số vùng trồng (tăng 68 chuỗi so với năm 2018).Đặc biệt, tỉnh hiện có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và có 01 sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài là chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017, đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh đăng ký thành công tại thị trường nước ngoài.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu nông sản, tỉnh Sơn La cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp. Năm 2019, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh Sơn La đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4 nhà máy chế biến nông sản. Trong đó đã đưa vào hoạt động 3 nhà máy: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty Nafood Tây Bắc tại huyện Mộc Châu; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 nhà máy: Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao – Tập đoàn TH (Vân Hồ); nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty SI Vân Hồ (Vân Hồ).
Đồng thời, UBND tỉnh Sơn La cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.277 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đánh giá vùng nguyên liệu, sơ chế, bảo quản, xuất khẩu các nông sản của tỉnh.
Trị giá xuất khẩu nông sản tăng 23,45% trong năm 2019.
Trong năm 2019, sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La được triển khai tốt trên cả 3 thị trường (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Sản lượng trái cây tăng so với năm 2018, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang các nước Campuchia, Australia…, giá cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cơ bản hợp lý. Thu nhập bình quân đạt từ 150 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao mức sống của người dân và mở rộng phát triển sản xuất.
Theo ước tính của tỉnh Sơn La, tổng trị giá hàng hoá tham gia xuất khẩu năm 2019 của tỉnh đạt khoảng 150,24 triệu USD. Trong đó, tính riêng nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt trị giá 140,16 triệu USD, chiếm 93,29% trị giá hàng hóa tham gia xuất khẩu, tăng 23,45% so với năm 2018 và đạt 98,77% so với kế hoạch. Mục tiêu đặt ra cho năm 2020 là đưa xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt trên 151 triệu USD.
Cụ thể, sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu năm 2019 ước đạt trên 20.795 tấn, trị giá 17,94 triệu USD tấn, tăng 18,82% về lượng và tăng 28,72% về trị giá so với năm 2018, đạt 99,74% so với kế hoạch xuất khẩu năm 2019. Một số mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ yếu như: Xoài đạt 6.091 tấn, giá trị 4,45 triệu USD, thị trường xuất khẩu chính là Australia, Trung Quốc, Anh…; Xuất khẩu nhãn ước đạt 7.400 tấn, trị giá 9,26 triệu USD, thị trường xuất khẩu chính: Trung Quốc; Chanh leo xuất khẩu khoảng 2.000 tấn, trị giá 2,45 triệu USD, thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, các nước EU (Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan…); Chuối xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 4.377 tấn, trị giá 1,1 triệu USD; Mận Hậu xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia đạt 918 tấn, trị giá xuất khẩu ước đạt 0,66 triệu USD; Thanh long ruột đỏ ước đạt 9,5 tấn, trị giá 11,44 nghìn USD; thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc.
Trong khi đó, các sản phẩm nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La năm 2019 ước đạt trên 118.513 tấn, trị giá 122,21 triệu USD, so với năm 2018 trị giá tăng 22,71% và đạt 96,73% so với kế hoạch xuất khẩu năm 2019. Kết quả xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu như: sản phẩm chè xuất khẩu ước đạt 8.621 tấn, trị giá đạt 17,24 triệu USD; thị trường xuất khẩu chính là: Đài Loan, Pakistan, Afganistan, Nhật Bản, Trung Quốc…; Cà phê xuất khẩu ước đạt 30.000 tấn, trị giá 63 triệu USD, thị trường xuất khẩu chính: EU, Mỹ, UAE, Ấn Độ…; Tinh bột sắn xuất khẩu ước đạt 60.000 tấn, trị giá khoảng 27 triệu USD sang thị trường Trung Quốc…; Đường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 15.000 tấn, trị giá khoảng 7 triệu USD; sản phẩm tơ tằm xuất khẩu 12 tấn, trị giá 620,7 nghìn USD sang thị trường Ấn Độ.
Kết quả đạt được của tỉnh Sơn La trong thời gian qua được đánh giá cao bởi công tác quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm thông qua các hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu nông sản an toàn hoặc kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Sơn La đã tổ chức 75 hội chợ, quy mô khoảng 7.500 gian hàng.
Triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới sản xuất nông nghiệp.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã kéo theo những tác động tiêu cực đến các hoạt động giao dịch nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, trong đó xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La cũng có sự ảnh hưởng nhất định.
Tỉnh Sơn La hiện có 10 mặt hàng nông sản chính tham gia xuất khẩu. Thời điểm này, có 5 sản phẩm đang xuất khẩu gồm: Đường, tinh bột sắn, chè, cà phê và quả chuối. Trong đó, có 2 mặt hàng chính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là tinh bột sắn và chuối. Năm nay, sản lượng chuối toàn tỉnh Sơn La vào khoảng 54.700 tấn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuối hầu như chưa xuất khẩu được mà chủ yếu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Đối với sản phẩm tinh bột sắn, năm 2019, các nhà máy tinh bột sắn của tỉnh sản xuất khoảng 60.000 tấn, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Sơn La có 2 doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn với trên 10.000 tấn tinh bột sắn đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ. Cà phê và đường là 2 sản phẩm nông sản của Sơn La ít chịu tác động của dịch Covid-19. Đây là 2 mặt hàng tham gia xuất khẩu không lớn mà chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, các sản phẩm nông sản của tỉnh đang chuẩn bị đến vụ thu hoạch, gồm 47.300 tấn xoài, trong đó, số lượng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên 7.000 tấn; gần 85.300 tấn nhãn, trong đó xuất khẩu khoảng 7.900 tấn; trên 1.000 tấn thanh long; 21.600 tấn chanh leo, trong đó 2.300 tấn phục vụ xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc); gần 67.000 tấn mận, mơ, trong đó xuất khẩu khoảng 19.000 tấn sang thị trường Trung Quốc và Campuchia.
Để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã đề ra nhiều giải pháp như: Ðề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát lại toàn bộ diện tích, sản lượng, vùng trồng, các hợp tác xã tham gia xuất khẩu để có cơ sở kết nối tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục chỉ đạo duy trì sản xuất theo hướng bền vững, an toàn thực phẩm để giữ uy tín, thương hiệu cho nông sản Sơn La. Ðối với thị trường Trung Quốc, nắm bắt sát diễn biến của dịch và công tác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, liên lạc chặt chẽ với các đối tác tại Trung Quốc để chủ động thực hiện các biên bản ghi nhớ, cam kết thương mại. Theo thời vụ còn khoảng ba đến năm tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch xoài, nhãn, thanh long, mận… nhưng ngay từ bây giờ Sơn La đã chủ động đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Vừa qua, khi các cửa khẩu hạn chế giao dịch, hơn 3.000 tấn chuối đã được kết nối tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối ở Thanh Hóa, Nghệ An.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nông sản Sơn La đã và đang được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Tỉnh đã tích cực phối hợp các tỉnh, thành phố có tiềm năng tiêu thụ hàng nông sản như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An để đưa nông sản tiêu thụ tại các chợ lớn, khu công nghiệp, siêu thị, nhà hàng.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản quan trọng là đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy chế biến vào hoạt động. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty SI Vân Hồ đẩy nhanh tiến độ và vừa đi vào hoạt động. Tỉnh Sơn La cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để Tập đoàn TH sớm đưa nhà máy chế biến rau quả, đồ uống công nghệ cao đi vào hoạt động với công suất 18 đến 20 nghìn chai/giờ, sẽ giúp tiêu thụ lượng lớn hoa quả cho nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.