Sóc Trăng: Phát triển vùng trồng nhân nhằm hướng tới xuất khẩu bền vững.
Trái nhãn tỉnh Sóc Trăng được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa. Để hướng đến xuất khẩu ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tổ chức lại sản xuất để hình thành vùng trồng nhãn đáp ứng tốt điều kiện xuất khẩu, nhằm khai thác tối đa giá trị kinh tế từ cây trồng này.
Nhãn là cây trồng kinh tế chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 3.130 ha, được phân bố đều ở các địa phương như: Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Nhãn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khá đa dạng, với các loại: nhãn da bò, nhãn xuồng, nhãn Idor, thanh nhãn, nhãn tím.
Hình ảnh vườn nhãn tại Sóc Trăng
Thị xã Vĩnh Châu chú trọng nâng cao chất lượng nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn.
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thị xã Vĩnh Châu phù hợp để phát triển giống nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn. Vụ mùa năm nay, chất lượng nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn của thị xã Vĩnh Châu khá tốt, mẫu mã đẹp, thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng tại thị xã là 292 ha, trung bình 1 ha cho sản lượng gần 10 tấn trái. Nhãn xuồng cơm vàng cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.
Cây thanh nhãn không phải là giống bản địa của vùng đất Vĩnh Châu, nhưng thích ứng tốt với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Nhờ hiệu quả kinh tế nên người dân trên địa bàn xã Vĩnh Châu đã đầu tư, chuyển đổi sang loại cây này. Do đó, diện tích trồng thanh nhãn trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu tăng khá nhanh, chủ yếu tập trung ở các vùng đất ven biển như phường Vĩnh Phước, phường 1, xã Vĩnh Tân, xã Lai Hòa và các địa phương lân cận. Thanh nhãn trên đất Vĩnh Châu cho trái to, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, có vị ngọt thanh và mang hương vị đặc trưng riêng.
Kết quả đạt được cho thấy, mô hình trồng thanh nhãn và nhãn xuồng cơm vàng thị xã Vĩnh Châu là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất kém hiệu quả. Theo đó, mô hình đã từng bước khẳng định về hiệu quả kinh tế, góp phần phát huy lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người nông dân, định hướng trở thành “thương hiệu” và cây trồng chủ lực của Thị xã Vĩnh Châu trong thời gian sắp tới.
Hiện nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Châu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Thời gian tới, người trồng nhãn xuồng cơm vàng thị xã Vĩnh Châu sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho thanh nhãn Vĩnh Châu để góp phần gia tăng thương hiệu tại địa phương.
Đa dạng các chủng loại nhãn trên địa bàn huyện Kế Sách.
Nhờ đặc tính dễ trồng, cho thu nhập cao nên thanh nhãn được trồng ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện Kế Sách. Thanh nhãn trồng trên đất Kế Sách cho trái to, cơm dày, vị ngọt thanh nên giá bán trên thị trường khá cao.
Hiện diện tích trồng thanh nhãn tại huyện Kế Sách là 81,6 ha. Người dân trồng thanh nhãn cũng đã được chuyển giao các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ để chất lượng trái luôn đạt tốt nhất.
Nhằm giúp đầu ra ổn định, thanh nhãn của huyện Kế Sách đã được liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ánh Dương Sao. Lô hàng thanh nhãn đầu tiên của huyện Kế Sách được xuất khẩu sang các thị trường Australia và Mỹ, sản lượng 1,2 tấn.
Long nhãn (nhãn trắng) được trồng chủ yếu tại các cù lao thuộc các xã An Lạc Tây, Phong Nẫm huyện Kế Sách. Long nhãn có mùi thơm rất đặc trưng khi chín. Nếu canh tác theo tự nhiên thì mỗi năm nhãn cho thu hoạch 1 vụ. Cây nhãn bắt đầu ra hoa từ sau tết Nguyên đán, đến khoảng tháng 5, tháng 6 (âm lịch) thì thu hoạch.
Nhãn da bò cho năng suất cao, cơm dầy và ráo nước hơn long nhãn, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn. Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhãn da bò Kế Sách được xuất khẩu sang Campuchia.
Nhãn xuồng cơm vàng, người dân trên địa bàn huyện Kế Sách đã sáng tạo bằng kỹ thuật ghép cành nhãn xuồng cơm vàng trên gốc long nhãn và nhãn da bò để nhanh cho thu hoạch. Nhãn xuồng cơm vàng khi chín trái to, cơm dầy, giòn, ráo nước và có vị ngọt thanh.
Nhãn Ido hay còn gọi là nhãn Thái (có nguồn gốc từ Thái Lan). Quả nhãn Ido nhỏ, cơm khô, giòn và rất dày, độ ngọt vừa phải, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán nhãn Ido tương đương nhãn xuồng cơm vàng, nhưng năng suất cao hơn rất nhiều lần.
Nhãn tím được mệnh danh là “vua nhãn tím miền Tây”. Đây là giống nhãn đột biến gen từ giống long nhãn của địa phương. Chất lượng của nhãn tím khá tốt, giá trị của trái nhãn này là ở màu sắc, được khách hàng rất ưa chuộng, giá bán cao nhất trong các loại nhãn. Nhãn tím được tiêu thụ chủ yếu cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhãn tím rất thích hợp trồng trên đất cồn bãi hoặc đất phù sa. Đặc biệt, sức đề kháng của cây nhãn rất cao. Loại trái cây này ra trái 2 vụ/năm, vụ chính vào tháng 6, vụ còn lại vào tháng 12.
Nhãn tím tại xã Phong Nẫm huyện Kế Sách
Thanh nhãn Bạc Liêu có nguồn gốc từ Bạc Liêu, nhưng lại phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Kế Sách. Giống nhãn này vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Trung bình một ký thanh nhãn có giá cao gấp 2 – 3 lần nhãn xuồng cơm vàng, nhờ chất lượng trái rất ngon. Quả thanh nhãn Bạc Liêu cho trái to, khô dày, giòn, có độ ngọt thanh. Đây là giống nhãn đang hứa hẹn sẽ giúp người nông dân Kế Sách nâng cao thu nhập trong sản xuất trong thời gian tới.
Nhìn chung, trái nhãn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mang lại lợi ích kinh tế khá cao. Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống (qua siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản), đồng thời xúc tiến tiêu thụ thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Qua đó, thúc đẩy tiêu thụ quả nhãn và các sản phẩm OCOP để giúp nông dân thu hoạch được mùa, được giá. Bên cạnh đó là tăng cường quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh thị trường, kết nối giao thương, phát triển chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn có chất lượng.
Về dài hạn, để nâng cao giá trị cho sản phẩm và giúp đầu ra ổn định, tỉnh Sóc Trăng hướng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, tỉnh khuyến khích người trồng nhân rộng các mô hình canh tác an toàn; đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng nhãn tại tỉnh.