Sầu riêng Đắk Lắk sẵn sàng cho việc xuất khẩu chính ngạch.

Tại tỉnh Đắk Lắk, cây sầu riêng hiện là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc tăng diện tích quá nhanh, trong khi quy trình sản xuất theo hướng an toàn chưa được chú trọng, khiến cho giá trị loại trái cây này có nguy cơ sụt giảm.

Trong những năm gần đây, sầu riêng được đánh giá là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, do đó diện tích trồng liên tục được mở rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông. Những năm trước, sầu riêng chủ yếu được trồng xen, nhỏ lẻ, mỗi tỉnh chỉ có vài trăm ha, nhưng hiện nay diện tích loại cây này đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Cây sầu riêng bên cạnh việc được trồng xen trong vườn cà phê, cây ăn quả, gần đây nhiều nơi người dân cũng trồng thuần với diện tích lớn lên đến trên chục ha. Theo số liệu thống kê, hiện toàn vùng Tây Nguyên có gần 14.000 ha cây sầu riêng.

Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, cây sầu riêng hiện là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân tỉnh Đắk Lắk. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 6.000 ha sầu riêng; trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 3.500 ha, tăng khoảng 500 ha so với năm 2018 và tăng gần 1.000 ha nếu so với năm 2016, tập trung tại các huyện Krông Pắk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ. Trong đó, Krông Pắk là huyện có nhiều sầu riêng đang kinh doanh nhất tỉnh Đắk Lắk. Năm 2018, diện tích này khoảng 1.000 ha nhưng năm nay tăng thêm khoảng 500 ha, cho tổng sản lượng hơn 20.000 tấn. Để người trồng sầu riêng không bị ép giá, các xã có sầu riêng ở Krông Pắk đều có những tổ công tác liên ngành, trực suốt ngày đêm xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực.

Sầu riêng Đắk Lắk

Trong những năm qua, sầu riêng tại Đắk Lắk liên tục phá kỷ lục về giá bán. Trong đó, các giống cho năng suất cao và chất lượng tốt như Dona, Ri 6 có giá bán dao động hàng năm từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, thậm chí đạt đến hơn 90.000 đồng/kg vào cuối vụ năm ngoái, mang lại thu nhập cho người nông dân từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha sầu riêng.

Giá sầu riêng tại Đắk Lắk vụ thu hoạch năm 2019 giảm mạnh.

Tuy nhiên, việc tăng diện tích quá nhanh, trong khi quy trình sản xuất theo hướng an toàn chưa được chú trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, thiếu nhà máy chế biến đã khiến cho giá trị loại trái cây này có nguy cơ sụt giảm. Trong khi đó, sản phẩm sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, dẫn đến sự bấp bênh trong sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ giảm hiệu quả về kinh tế nếu không sớm có cách làm phù hợp để đón đầu thị trường.

Từ cuối tháng 8/2019, sầu riêng ở Đắk Lắk đã bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, giá sầu riêng vụ này thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng khoảng 60% trung bình vụ trước và bằng 40% giai đoạn cuối vụ, trong khi việc thu mua, tuyển lựa cũng rất khắt khe. Trong đó, loại sầu riêng da xanh có giá cao nhất trong năm nay chỉ đứng ở mức 42.000 – 45.000 đồng/kg. Sầu riêng loại da lút không phun thuốc có giá 39.000 đồng/kg và sầu riêng phun thuốc rất khó tiêu thụ.

Như vậy, vụ sầu riêng năm 2019 là lần đầu tiên trái sầu riêng giảm giá kể từ khi toàn tỉnh tăng mạnh diện tích trồng sầu riêng từ năm 2017 trở lại đây. Mặc dù mức giá hiện tại vẫn đảm bảo cho thu nhập và lợi nhuận tốt, nhưng vẫn cho thấy nguy cơ khủng hoảng thừa đang hiện hữu rõ nét.

Một trong những nguyên nhân chính khiến giá sầu riêng tại Đắk Lắk trong vụ thu hoạch năm 2019 sụt giảm là do từ trước đến nay sầu riêng Đắk Lắk đa số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch, dẫn đến biến động trên thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt hàng rào kỹ thuật, có những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc nông sản, dẫn đến bất ổn trên thị trường tiêu thụ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp thu mua và người trồng sầu riêng, đặc biệt khi diện tích sầu riêng được mở rộng và sản lượng tăng lên.

Hướng tới phát triển bền vững cây sầu riêng.

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường có sức tiêu thụ lớn, nếu xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm sầu riêng phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng phải được gắn mã truy xuất nguồn gốc. Do đó, người nông dân cần sớm thay đổi phương thức canh tác để thích nghi với yêu cầu của thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững. Nếu sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung bằng con đường chính ngạch, giá trị kinh tế sẽ tăng cao, đồng thời giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm khi sản lượng sầu riêng tăng cao trong những năm tới do diện tích sầu riêng đang mở rộng. Để triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao, người trồng sầu riêng cần được tập huấn bài bản về quy trình chăm sóc cây trồng đạt các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện nghiêm túc việc gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, điều này cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp.

Với mục tiêu chuẩn bị các điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch mặt hàng sầu riêng ra thị trường quốc tế, huyện Krông Pắk hiện đã có 310 hộ dân tham gia truy xuất nguồn gốc cho gần 27.000 cây sầu riêng, tương đương hơn 387 ha. Đồng thời, chính quyền huyện cũng hướng dẫn người dân canh tác để đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế chuẩn bị cho mặt hàng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng đã tăng cường các hoạt động hội chợ, hội thảo giới thiệu, quảng bá mặt hàng sầu riêng Đắk Lắk, để đẩy mạnh sức mua của thị trường trong nước, giảm áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài.

Sầu riêng Đắk Lắk sẵn sàng cho việc xuất khẩu chính ngạch.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động cho bà con nông dân và doanh nghiệp trồng sầu riêng thực hiện canh tác đúng quy trình, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhằm chuẩn bị các điều kiện cơ bản cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng ra thị trường nước ngoài.

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng đàm phán, hoàn thành các thủ tục xuất khẩu sản phẩm sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác để niên vụ tới sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk sẽ được xuất khẩu chính ngạch, giúp ổn định thị trường tiêu thụ và tăng giá trị kinh tế của sầu riêng.

Trong giai đoạn này, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan cần thúc đẩy thủ tục xuất khẩu sầu riêng ra thị trường quốc tế bằng con đường chính ngạch. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức canh tác, đáp ứng xu thế tất yếu của thị trường, hướng đến tăng giá trị kinh tế và phát triển bền vững của cây sầu riêng.

© Tuyên bố bản quyền