Quả dại ngày xưa giá rẻ như cho, nay đã trở thành đặc sản.

Quả sông trông giống quả ổi, một thời là quả dại bán rẻ như cho nhưng nay nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng nên nhiều hộ trồng, cho thu nhập khá.

‘Vàng đen’ mất mùa chưa từng có

Trám đen xứ Nghệ mất mùa

Một xã ở Bắc Giang có hơn 4.000 cây trám, thu 5-6 tỷ đồng/năm

Dịp nắng nóng này, quả sông được giá, chạy hàng, các nhóm chuyên đi hái sông hái không kịp để bán. Từ loài cây mọc hoang, sông dần trở thành cây đặc sản, đem lại thu nhập cho nhiều người dân miền núi xứ Nghệ.

Cây mọc hoang thành đặc sản

Cây sông thuộc họ măng cụt có rải rác ở nhiều huyện trong tỉnh Nghệ An nhưng tập trung khá nhiều ở Thanh Chương, đặc biệt là các xã miền núi như Thanh Mỹ, Cát Văn, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Phong Thịnh. Đây là cây thân gỗ lâu năm, cao 15 – 16m, mọc tự nhiên trong rừng hay được người dân trồng trong vườn. Cây có lá to như bàn tay, dày, xanh tốt quanh năm, ra hoa vào mùa xuân và quả chín từ tháng 5 đến tháng 7.

Cây sông cao 15 – 16m, xanh tốt quanh năm, ra hoa vào mùa xuân, cho quả vào mùa hè.

Sông thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng miền núi, được người dân các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh trồng thuần hoặc trồng xen với cây trám đen, tạo thành những vườn sông – trám xanh tốt. Hộ ít trong vườn có 2 – 3 cây, hộ nhiều có hàng chục cây. Sông từ khi trồng cho tới lúc ra quả phải mất 7 – 9 năm.

Trước đây, sông là cây mọc hoang. Mùa quả chín rụng đầy gốc, người dân địa phương thường hái về phơi khô nấu canh chua, mang bán ở chợ thì “rẻ như cho”. Từ ngày thứ quả dại này được nhiều người biết đến và có giá trên thị trường, cây sông được nhiều hộ dân trồng.

Quả sông có hình dáng giống quả ổi, trọng lượng từ 0,3 kg đến 1,2 kg, khi non có màu xanh, chín ngả màu vàng. Cây trưởng thành thường cho 3 – 5 tạ quả, cây nhiều cho 6 – 7 tạ, thậm chí 1,4 tấn quả. Những cây sông trĩu quả có thể làm gãy cả cành. Theo bà con địa phương, năm nay sông được mùa, sai quả, quả to, ít bị sâu.

Thu hoạch quả sông chua khá vất vả vì cây cao, tán rộng, người hái quả phải dùng thang để trèo lên cây. Mùa sông đến, người dân tự hái bán hoặc “bán quạ” trên cây cho dân đi hái chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Liên (74 tuổi) ở xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương) cho biết, vườn nhà ông có 5 cây sông cho quả, mỗi vụ vừa bán quả tươi, vừa bán sông khô cho thu nhập 7 – 8 triệu đồng. Năm nay nhà ông bận việc không thu hái được nên phải “bán quạ” cả cây cho lái buôn được 4 triệu đồng.

Theo ông Liên, từ quả sông tươi muốn sơ chế thành sông khô khá đơn giản. Sau khi hái xuống, sông được thái thành miếng mỏng rồi đem phơi nắng. Dịp này, nhiều hộ dân trong vùng thái sông phơi khắp sân nhà, ngõ cổng, hai bên quốc lộ. “Nếu gặp nắng, chỉ phơi 2 – 3 hôm là những miếng sông sẽ ngả sang màu vàng cánh gián. Thái 10 kg quả tươi thì thu được khoảng 1 kg sông khô” – ông Liên chia sẻ.

Việc mua bán sông trên cây cũng giống như mua trám, đến mùa quả, khi quả còn nhỏ, những người hái sông đã đánh xe săn lùng khắp các địa phương có sông, xem quả, trả giá, đặt cọc. Tùy vào nhân lực mà các nhóm hái sông sẽ mua nhiều hay ít, xa hay gần. Những nhóm có phương tiện vận tải như xe ô tô sẽ thu hái xa hơn, nhiều hơn. Mỗi vụ sông họ mua từ 70 đến 100 cây. Những nhóm ít người, thường là vợ chồng trong gia đình thì chỉ mua vài chục cây. Những hộ có sông thường bán cho một số người mua nhất định vì họ đã quen khách.

Quả dại ngày xưa giá rẻ như cho, nay đã trở thành đặc sản.

Bà Trần Thị Tâm (69 tuổi) ở xã Thanh Mỹ cho biết nhà bà có sông nhiều nhất xã, cả vườn có khoảng 30 cây, trong đó 14 cây đã cho quả từ nhiều năm nay. “Ngày trước quả sông rẻ, chẳng ai mua, nay được giá, trồng sông cũng có thu nhập. Sông không kén đất, không phải đầu tư chăm sóc nhiều. Mùa quả, nhà tôi thường bán quạ. Năm nay đã bán cho lái buôn được gần chục triệu đồng”, bà Tâm nói.

Nhu cầu ngày càng cao

Những ngày này, đi trên đường Hồ Chí Minh qua các xã có nhiều cây sông ở Thanh Chương, hai bên đường người dân phơi sông khá nhiều, cảnh mua bán sông ở các điểm thu mua cũng diễn ra nhộn nhịp, nhất là buổi trưa và chiều. Các nhóm hái sông trên địa bàn hoạt động mạnh, họ thường đi theo nhóm từ 2 – 5 người.

Ông Dương Ngọc Thuỵ (57 tuổi) có thâm niên hàng chục năm trong nghề hái sông ở xã Thanh Mỹ chia sẻ; mùa sông, nhóm của ông thường đi khắp các xã Thanh Mỹ, Thanh Hương, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Minh Sơn để hái quả. Trung bình mỗi ngày nhóm hái được 9 tạ đến 1 tấn quả. Mỗi vụ sông, gia đình ông hái được khoảng 50 – 60 tấn. Từ ngày sắm được xe bán tải, công việc mua bán sông của gia đình ông có nhiều thuận lợi. Sông hái nhiều không phải chờ khách đến mua, bố con ông có thể đánh xe ô tô chở thẳng ra huyện Diễn Châu để nhập.

Dụng cụ hái sông là thang, bì, dây thừng và cây vợt có gắn cán dài. Sau khi trèo lên được cây sông, người hái quả sẽ leo từ cành nọ sang cành kia, dùng cây vợt để giật quả, hái được quả nào thì bỏ vào bì treo trên cành, lúc đầy bì thì dùng dây thừng hạ nhẹ nhàng cả bì xuống đất. Hái quả sông bằng vợt có ưu điểm nhanh, khỏe, không làm xây xát, dập, vỡ quả. Sau khi hái xuống, người thu gom sẽ phân loại quả, quả đẹp để bán tươi cho lái buôn, quả xấu (xây xát, bị sâu) dùng để thái lát, phơi nắng bán hàng khô.

Đang hái sông ở xóm Mỹ Lâm (xã Thanh Mỹ) ông Nguyễn Văn Dũng (62 tuổi) – thợ hái sông lâu năm trong xóm chia sẻ: Người biết trèo cây, gan dạ mới có thể làm được nghề hái sông. Họ có thể đã từng làm nghề trèo trám, trèo cau, “mùa nào áo nấy”. So với nghề trèo trám hay trèo cau thì nghề trèo sông không khó và nguy hiểm bằng. Sông quả to, dùng vợt hái khá dễ, không như quả trám nhỏ, cây cao rất khó hái.

Quả sông chứa nhiều axit hữu cơ, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm stress, chống lại các triệu chứng trầm cảm và cân bằng tâm trạng. Nó cũng có tác dụng trong việc giảm lượng cholesterol trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, điều tiết glucose, từ đó giúp hạn chế và phòng ngừa bệnh tiểu đường cũng như hỗ trợ quá trình giảm cân.

Ruột quả sông có vị chua ngọt, ăn ngon như quả măng cụt nhưng ăn nhiều dễ bị say. Thịt quả có vị chua có thể dùng làm gia vị để nấu canh chua, canh cá. Mùa hè nóng bức chỉ cần vài lát sông khô thả vào nồi nước rau muống luộc sẽ có ngay một món ngon đậm đà hương vị.

Sông có thể ngâm đường, mật mía, mật ong để làm nước giải khát. Ngoài ra thứ quả chua này còn được làm dược liệu để chữa bệnh. Nhờ có nhiều lợi ích nên quả sông được mọi người biết đến và sử dụng ngày càng nhiều trong các bếp ăn gia đình, nhà hàng.

Quả sông tươi trên địa bàn huyện Thanh Chương đang được lái buôn Diễn Châu, Đô Lương thu mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Sông khô có giá khoảng 50.000 đồng/kg. Sản phẩm sông khô thái lát ở Thanh Chương thường được vận chuyển đi Hà Nội, Hải Phòng để tiêu thụ. Dịp nắng nóng này sông được giá, chạy hàng, các nhóm chuyên đi hái sông hái không kịp để bán. Từ loài cây mọc hoang, sông dần trở thành cây đặc sản, đem lại thu nhập khá cho nhiều người dân địa phương.

© Tuyên bố bản quyền