Phát triển thương hiệu trà Gỏi Lôi – đặc sản nổi tiếng Bình Định

Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định được biết đến với đặc sản trà Gò Loi nổi tiếng. Trà Gò Loi là một sản phẩm vừa có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa là một đặc sản có giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền. Thương hiệu trà Gò Loi đang trong quá trình phát triển, mở rộng trong cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và người nông dân chịu khó tìm tòi, áp dụng cách canh tác khoa học, nhiều năm qua, trà Gò Loi của huyện Hoài Ân đã được khách hàng trong và ngoài địa phương ưa chuộng.

Theo các hộ sản xuất trà Gò Loi tại huyện Hoài Ân, tiêu chuẩn quan trọng để làm nên loại trà Gò Loi ngon là búp trà phải đạt 1 tôm 2 lá non. Chọn búp đinh (ngọn trên cùng của búp) ngắn, mập, chắc để khi sao xong sẽ cho đinh trà chắc, không bị vụn. Người trồng nên hái trà vào buổi sáng sớm khi vừa tan sương nhưng chưa có nắng để trà có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.

Trà Gò Loi khi chế ra có màu vàng hơi đậm, vị chát tương đối dịu. Trà Gò Loi có hương thơm ngào ngạt, khi thưởng thức người dùng sẽ cảm nhận vị ngọt thanh, ngon đậm đà.

Trà Gò Loi được cấp chứng nhận nhãn hiệu.

Theo thống kê, diện tích cây trà hiện có trên 16,4 ha, diện tích cho thu hoạch trên 5,2 ha; năng suất bình quân ước đạt 72,4 tạ/ha. Mỗi năm, người trồng trà Gò Loi ở huyện Hoài Ân đưa ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm trà khô với giá từ 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/kg.

Trà Gò Loi đang được các hộ ở huyện Hoài Ân chế biến bằng phương pháp thủ công và bằng máy. Trà Gò Loi là một sản phẩm vừa có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa là một đặc sản có giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền. Nếu có điều kiện phát triển, trà Gò Loi sẽ góp phần làm tăng giá trị bản sắc của Bình Định.

Hiện tại, trà Gò Loi được sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ. Đa số các hộ dân tự làm, phân tán, thiếu mô hình lớn tập trung và mô hình khép kín theo chuỗi dẫn đến chất lượng sản phẩm khác nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu. Vì thế, cần áp dụng thực hiện mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, thu mua nguyên liệu về chế biến, nhằm đảm bảo được kỹ thuật, quy trình sản xuất từ những công đoạn khai thác, chế biến nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng là hoàn chỉnh sản phẩm để bán ra thị trường cho người tiêu dùng.

Phát triển thương hiệu trà Gỏi Lôi - đặc sản nổi tiếng Bình Định

Để tiếp tục phát triển sâu rộng, việc tổ chức đăng ký quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp nhãn hiệu chứng nhận cho trà Gò Loi là hết sức cần thiết. Vào giữa tháng 9/2019, “Trà Gò Loi” đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu, đây là bước đi cần thiết để đưa sản phẩm đặc trưng của huyện Hoài Ân phát triển nhanh hơn.

Định hướng phát triển thị trường.

UBND huyện Hoài Ân đã lập kế hoạch hỗ trợ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng, hiệu quả kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. UBND huyện xác định trà Gò Loi là một trong nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đưa vào danh sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Sản phẩm này phải đáp ứng các tiêu chí về quy mô sản xuất, sản lượng, thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế.

Sau khi trà Gò Loi được công nhận nhãn hiệu tập thể, UBND huyện đã xây dựng quy trình trồng trà đủ tiêu chuẩn, hỗ trợ người dân kỹ thuật để nâng cao chất lượng sao trà. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng mô hình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, gắn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào hoạt động phát triển thương hiệu, tạo chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của huyện, chú trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân về kiến thức sở hữu trí tuệ, việc giữ gìn uy tín cho sản phẩm với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước khi cung cấp cho thị trường.

Trà Gò Loi là một trong những sản phẩm ưu tiên của huyện Hoài Ân trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp cho các nông sản đặc trưng. Theo đó, sẽ thực hiện hỗ trợ 100% về giống, 20% hệ thống tưới tiêu, điện nước và kỹ thuật cho các hộ dân. Vùng trồng trà nguyên liệu cũng không chỉ dừng ở xã Ân Tường Tây mà còn mở rộng ra nhiều xã. Do đó, dự án đầu tư cho vùng trồng nguyên liệu trà Gò Loi đã được thực hiện.

Hiện nay, UBND huyện Hoài Ân xếp cây trà đứng đầu bảng trong 7 loại cây trồng thuộc cơ cấu phát triển thành hàng hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương này.

Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh việc mở rộng diện tích quy hoạch phát triển vùng trồng cho sản phẩm trà Gò Loi. Đến năm 2020 sẽ xây dựng các vùng sản xuất trà theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 20 ha tại xã Ân Tường Tây; giai đoạn 2021 – 2030 duy trì và mở rộng vùng sản xuất lên 42,5 ha.

Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu trà Gò Loi trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây trà, gắn với việc thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho nông dân sản xuất, chú trọng công tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện cũng vận động các hộ sản xuất kinh doanh, người nông dân thực hiện đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng dẫn của ngành chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng theo hướng bền vững.

© Tuyên bố bản quyền