Phát triển thương hiệu mật ong miền Tây Quảng Bình

Từ nhiều năm nay, hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa đã nổi tiếng với đặc sản mật ong. Với địa hình đồi núi, có độ che phủ rừng lớn, các loại hoa rừng phong phú nên chất lượng mật tốt, sản phẩm mật ong rất được ưa chuộng và cung ứng phần lớn thị trường trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, để tạo dựng nên một thương hiệu Mật ong “Miền Tây Quảng Bình” đủ sức vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu thì cũng còn nhiều thách thức.

Với phần lớn diện tích tự nhiên của hai huyện là rừng, huyện Minh Hóa hơn 100 nghìn ha (chiếm 75,7%) và Tuyên Hóa khoảng 80 nghìn ha (chiếm 72%). Trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên có độ che phủ cao với hệ thực vật đa dạng, nguồn hoa phong phú, đây là một tiềm năng rất lớn thuận lợi cho sự phát triển của nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên trước đây đa số người dân nuôi theo kiểu tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Năm 1997, được sự hỗ trợ từ dự án An toàn lương thực do Chính phủ Đức tài trợ, nhiều hộ gia đình nuôi ong chuyển sang phương pháp nuôi ong cải tiến, năng suất và chất lượng được nâng cao rõ rệt. Hội nuôi ong ở hai huyện cũng được thành lập, các thành viên trong hội giúp nhau truyền nghề, làm chủ kỹ thuật nuôi ong.

Hiện nay, cả hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa có hơn 1.000 hộ nuôi ong ổn định, năng suất hằng năm khoảng 60 tấn mật. Nhiều gia đình nhận thấy được tiềm năng từ nghề nuôi ong lấy mật đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua ong giống, lấy đây làm nghề thu nhập chính, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Mật ong Tuyên Hóa

Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình với diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 70%, môi trường tự nhiên phong phú. Tuyên Hóa đặc biệt nổi tiếng với sản phẩm mật ong rừng và có những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một khu rừng hùng vĩ, quanh năm hoa nở khoe sắc với nhiều loài thảo mộc quý hiếm như săng chè, sòi đất, hoa chạc chìu, cây trâm nên mật ong ở đây rất có công dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt có giá trị chữa bệnh cao.

Đồng thời, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành sinh kế bền vững mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bà con. Giờ đây, thay vì phương thức sản xuất thủ công truyền thống, người dân đã có sự liên kết, phối hợp với Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình cùng các dự án phát triển khác, để nâng tầm công nghệ kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi và nhất là xây dựng thành công thương hiệu “Mật ong Tuyên Hóa”, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Được thành lập từ năm 2014 và là một doanh nghiệp xã hội, với sản phẩm chính là thương hiệu “Mật ong Tuyên Hóa”, Công ty TNHH Sinh Thái Miền Tây Quảng Bình đã sớm có bước phát triển khá vững chắc. Thương hiệu “Mật ong Tuyên Hóa” của Công ty đã vững vàng, tự tin vượt ra khỏi các làng quê miền núi nghèo ở miền Tây Quảng Bình để bước ra cánh cửa lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2017 “Mật ong Tuyên Hóa” đã được chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình để trưng bày tại triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư “Việt Nam-Đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng” được tổ chức nhân dịp diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà “Mật ong Tuyên Hóa” được chứng nhận là sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu Việt Nam năm 2016.

Vì tất cả các sản phẩm của “Mật ong Tuyên Hóa” đều là sản phẩm hữu cơ sạch, 100% nguyên chất từ thiên nhiên, không chứa bất kỳ chất bảo quản, chất phụ gia và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nào.

Phát triển thương hiệu mật ong miền Tây Quảng Bình

Mật ong Minh Hóa

Minh Hóa là huyện miền núi, có 89 km đường biên giới giáp Lào. Toàn huyện có diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên gần 117.000 ha, trên 126.788 ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Đã bao đời nay, người dân trong huyện luôn sống gần rừng để tiện việc phát triển kinh tế. Từ lợi thế đó, nhất là nguồn hoa dồi dào từ rừng tự nhiên đã tạo điều kiện cho người dân trong huyện phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Theo lẽ tự nhiên, loài ong chỉ làm mật vào một khoảng thời gian nhất định trong năm, tùy vào địa bàn sống của chúng, thông thường là vào mùa xuân và mùa hè, thời điểm trăm hoa đua nở, có nhiều nguồn mật, phấn hoa. Nhưng những người thợ nuôi ong lâu năm ở Minh Hóa đã sáng tạo ra cách để đàn ong làm mật quanh năm từ nguồn hoa rừng nở vào mùa đông.

Sản lượng mật ong khai thác ở Minh Hóa là rất lớn. Tuy nhiên, người nuôi ong rất khó khăn khi tốn nhiều thời gian và công sức cho việc tiêu thụ. Bởi mật ong trên địa bàn chủ yếu là bán lẻ, chỉ được vài hộ nuôi lớn được một công ty có thương hiệu ở huyện Tuyên Hóa về thu mua. Xét về mặt chất lượng, sản phẩm mật ong Minh Hóa không hề thua kém những địa phương khác. Bởi mật ong vùng này đã tạo được thương hiệu, độ tin cậy trong lòng của người dân và khách du lịch.

So với mật ong nuôi ở các tỉnh phía Nam hoặc phía Bắc thì chất lượng mật ở Minh Hóa không hề thua kém, mang hương vị đặc trưng rất riêng biệt, được nhiều người ưa thích. Nhiều khách du lịch cũng thường tìm mua làm quà biếu cho người thân và họ đánh giá rất cao.

Mật ong rừng Minh Hóa như là một đặc sản mà thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho con người ở vùng núi non này. Nhưng để có những giọt mật vàng ươm, thơm ngon là cả một quá trình dài kiên trì trèo đèo, lội suối, thử thách tính chịu khó của người dân làm nghề kiếm mật ong rừng nơi đây. Cũng từ những tổ mật ong rừng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo.

“Mật ong Minh Hóa” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” cho Hội nuôi ong huyện Minh Hóa. Những năm qua, người có tâm huyết với nghề nuôi ong ở Minh Hóa cũng đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng thương hiệu “Mật ong Minh Hóa”.

Ngoài Hội nuôi ong có 120 thành viên, nhiều người nuôi ong ở Minh Hóa đã liên kết lại, thành lập các hợp tác xã (HTX) nuôi ong để giúp nhau tư vấn kỹ thuật nuôi ong và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mật ong, phấn ong, sáp ong và giống ong.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà mật ong và các sản phẩm từ ong nuôi ở Tuyên Hóa và Minh Hóa vẫn chưa được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ vẫn bó hẹp trong huyện và chủ yếu là khách hàng đến tận nơi đây để mua.

Thương hiệu đã có, sản phẩm chất lượng cao đang duy trì, nhưng khó khăn lớn nhất để tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng chính là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn không ít hạn chế. Người tiêu dùng trong cả nước vẫn xa lạ với thương hiệu, trong khi nguồn vốn quay vòng trong tiêu thụ sản phẩm khá eo hẹp, doanh nghiệp mới thành lập, còn non trẻ và hạn chế kinh nghiệm trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, để khẳng định được một thương hiệu cần thời gian, bởi vậy khâu quảng bá, tuyên truyền rất quan trọng nhưng cũng rất dài hơi, tốn kém dễ khiến người nuôi gặp khó khăn. Trong khi đó, tâm lý e ngại của một đại bộ phận người tiêu dùng về chất lượng mật ong sợ bị pha chế, có dư lượng kháng sinh cao.

Giải pháp đẩy mạnh nghề nuôi ong Tuyên Hóa và Minh Hóa

Nhận thấy được tiềm năng và hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề nuôi ong lấy mật, chính quyền huyện Tuyên Hóa đã đưa vấn đề phát triển thương hiệu mật ong vào nghị quyết trong kỳ họp thứ 9 năm 2013 của Hội Đồng Nhân Dân huyện. Vấn đề này được lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân huyện rất quan tâm và quyết tâm thực hiện, xem nghề nuôi ong cũng như sản phẩm mật ong là một loại đặc sản cũng như một nét văn hoá truyền thống của huyện nhà. Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) đã phối hợp với Hội Nuôi ong của hai huyện xây dựng thương hiệu mật ong “Miền Tây Quảng Bình”.

Theo thống kê, cả nước ta mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn mật ong ra thị trường nước ngoài chủ yếu là châu Mỹ và châu Âu, chiếm 85% tổng lượng sản xuất. Nhưng yêu cầu của các đối tượng khách hàng này rất khắt khe. Và để thỏa mãn được thị trường này cần phải đầu tư máy móc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, khép kín từ khâu: nuôi dưỡng, khai thác đến vận chuyển, sơ chế, bảo quản, xuất khẩu. Trong đó bao gồm những giải pháp công nghệ như: tạo chúa chia đàn, đến quy trình phòng, trị bệnh và ngăn ngừa dư lượng thuốc trong các sản phẩm của mật, công nghệ tinh lọc, giảm thủy phần, đóng gói, bảo quản mật trong xuất khẩu. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với người nuôi ong. Việc đăng kí công nhận thương hiệu “Miền Tây Quảng Bình” sẽ tạo động lực lớn cho người dân mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật.

Trong tương lai, dự kiến nhiều sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng sẽ được ra mắt, như: mật ong ngâm quất, mật ong chanh đào, mật ong và bột nghệ đen, mật ong và bột quế. Với mẫu mã phong phú, đa dạng, hiện đại, phù hợp với nhu cầu sử dụng, từ chai cho đến hũ, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng đang không ngừng được mở rộng.

Bên cạnh các địa chỉ bán lẻ, siêu thị nhỏ, mật ong Tuyên Hóa đã vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, như: siêu thị Thái Hậu, siêu thị Co.opmart Quảng Bình. Điều đặc biệt, khách hàng ưu chuộng sản phẩm không chỉ ở người cao tuổi, trung niên, mà còn các bạn trẻ, các bà nội trợ.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình khẳng định, ba mục tiêu mà công ty đang hướng đến, đó là thương hiệu sản phẩm mật ong Quảng Bình được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng, góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển, tạo thu nhập tăng thêm 30-50% cho người dân tham gia chuỗi; có được các vùng tổ chức sản xuất mật ong bảo đảm chất lượng cao theo quy trình sản xuất, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm và nỗ lực để doanh số bán hàng tăng bình quân hàng năm từ 30-40%.

Mục tiêu là hỗ trợ người nuôi ong ở các xã miền Tây Quảng Bình xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong hướng tới thị trường sản phẩm chất lượng cao trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Công ty còn có nhiệm vụ quan trọng là tư vấn, hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, kỹ năng cho các hộ nuôi ong; cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật bảo đảm cho các hộ nuôi ong tự sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Với mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo và cận nghèo, từ ngày thành lập đến nay, Công ty đã tích cực phối hợp với các dự án khác tăng cường thực hiện nhiều mô hình trình diễn, từ đó giúp người nuôi ong nâng cao kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Để hoàn thành các mục tiêu này, công ty sẽ từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm và công đoạn đóng gói bao bì nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm và kích thích nhu cầu sử dụng. Đồng thời, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sẽ được đầu tư chú trọng mạnh mẽ hơn nữa. Các hoạt động khuyến mãi, đặc biệt là chương trình chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ mật ong, sẽ được sử dụng nhằm tăng doanh số bán hàng.

© Tuyên bố bản quyền