Phát triển giá trị thương hiệu mỹ phẩm đan Xun Lai.

Hướng tới thị trường xuất khẩu là mục tiêu phát triển của mọi ngành nghề kinh tế, trong đó có ngành hàng mây tre đan. Nhiều năm trở lại đây, làng nghề mây tre đan Xuân Lai ngày càng khởi sắc hơn nhờ tập trung vào chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đổi mới quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm và đang tìm hướng đi mới trong việc tìm kiếm các thị trường tiềm năng.

Sản phẩm mây tre đan Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

Làng nghề mây tre Xuân Lai thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng với các sản phẩm nội thất mỹ nghệ từ tre, trúc, như nhà tre, tủ salon, giá sách, xích đu, bàn, mắc áo, lọ hoa.

Việc sử dụng nguyên liệu tre đã hun để tạo thành các vật dụng yêu cầu tính sáng tạo và sự khéo léo của người thợ Xuân Lai. Thôn Xuân Lai có khoảng 255 hộ làm nghề tre trúc, 45 hộ chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao. Trong quá trình phát triển, các hộ làng nghề từng bước mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, tạo được uy tín và khẳng định thương hiệu trên thị trường, chú trọng các điều kiện về vệ sinh môi trường.

Để có được những sản phẩm tre hun khói đẹp có màu nâu đen bóng, người thợ phải mất nhiều công sức. Đầu tiên phải chọn những cây tre, trúc tốt có dóng đều, thẳng, không sâu, mấu nhỏ. Tùy loại sản phẩm mà người thợ chọn loại cây to hay nhỏ, độ trưởng thành của cây để đảm bảo độ bền vững cho sản phẩm. Sau khi khai thác, tre trúc thường được ngâm dưới ao vài tháng để tránh mối mọt, đồng thời tăng độ dẻo dai. Trước khi được vớt lên, tre được nắn thẳng và xếp vào lò hun bằng rơm trộn đất sét. Lò chỉ có khói, không có lửa và được trát kín nhiều ngày đêm. Sản phẩm khi được dỡ ra trở nên nhẹ, dai và không phai màu, chống mối mọt và giữ được màu trong nhiều năm.

Đối với nguyên liệu là mây: Mây có đặc điểm là rất nhiều gai nhọn xung quanh, nên việc sơ chế mây cần hết sức cẩn thận. Lớp vỏ gai bên ngoài sẽ được róc bỏ, sau đó mây cũng được phơi, để chuyển sang giai đoạn xử lý bước đầu.

Tuỳ thuộc vào màu sắc yêu cầu, thời gian được điều chỉnh phù hợp: Nếu sản phẩm tre là màu nâu, thời gian sẽ ngắn hơn; màu đen bóng yêu cầu thời gian hun dài hơn và có thể phải hun nhiều lần hơn.

Đối với nguyên liệu là mây đòi hỏi khá nhiều công sức của những người thợ thủ công. Mây được phơi sấy khá cẩn thận, vừa để nguyên liệu khô, vừa để lấy màu. Khi sấy, nếu nhiều khói hay ít khói quá sẽ làm mây bị đỏ và trong quá trình phơi nếu gặp mưa thì sợi mây mất đi vẻ đẹp, nếu gặp nắng thì sợi mây mất vẻ tươi.

Vật liệu sau khi được xử lý hoàn tất, qua tay nghề người thợ của làng nghề Xuân Lai cùng với trang thiết bị nhà xưởng hiện đại, tạo nên sản phẩm có giá trị sử dụng và nghệ thuật cao như: Tranh tre, nội thất bằng tre và cả những công trình kiến trúc, khuôn viên thiết kế trang trí từ tre trúc hun khói hay vật liệu là mây.

Sản phẩm mây tre Xuân Lai có nhiều kiểu đan, tùy vào từng sản phẩm và từng tay nghề của người nghệ nhân để quyết định kiểu đan sao cho phù hợp nhất và đẹp nhất. Sản phẩm sẽ được đan trực tiếp hoặc đan dựa trên khung sắt thép có sẵn, đan theo kiểu dáng sáng tạo của các nghệ nhân hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Sau khi đan xong, sản phẩm có thể được nhúng keo, sơn màu, phủ bóng bề mặt, cắt tỉa lại cho hoàn chỉnh nhất, rồi tiến hành bảo quản hoặc đóng gói vận chuyển. Sản phẩm của làng Xuân Lai không những nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra thế giới.

Với chủ trương mở cửa và hội nhập hiện nay, thị trường xuất khẩu được xem là mục tiêu phát triển của mọi ngành nghề kinh tế trong đó có ngành hàng thủ công mỹ nghệ. Châu Âu, Châu Á là những thị trường xuất khẩu lớn mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Tuy nhiên, lượng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ mới đáp ứng được một phần khá nhỏ so với nhu cầu của thị trường này. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong đó có mây tre đan Xuân Lai.

Làng nghề Xuân Lai đã có những dấu hiệu khởi sắc khi các hộ gia đình trong xã đã đổi mới quy trình kỹ thuật sản xuất, tập trung vào chất lượng và mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với sự kết hợp tinh tế giữa vật liệu thiên nhiên truyền thống là sản phẩm mây tre đan và kiểu dáng mẫu mã hiện đại, sản phẩm mây tre Xuân Lai đang thu hút được sự quan tâm, ưa thích của rất nhiều người và trở thành xu hướng không bao giờ lỗi mốt.

Năm 2014, UBND tỉnh ra quyết định chính thức công nhận Xuân Lai là làng nghề truyền thống của địa phương. Cuối năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố nghề thủ công tre, trúc của xã Xuân Lai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực lớn để địa phương tiếp tục phát triển nghề, đưa thương hiệu tre, trúc Xuân Lai vươn xa hơn.

Tạo sức bật cho nghề mây tre đan cần chiến lược rõ ràng

Xuất khẩu mây tre đan Việt Nam hiện đang chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường thế giới với khoảng 4%. Trong đó, thị trường chủ đạo nhập khẩu mây tre đan của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản.

Nhìn chung, cơ hội phát triển cho ngành hàng mây tre đan của Việt Nam còn khá rộng mở, khả năng nâng thị phần trên thị trường thế giới lên khoảng 8-10% trong tương lai là hoàn toàn có cơ sở khi một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Nga, Australia, Tây Ban Nha đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng mạnh hàng năm.

Phát triển giá trị thương hiệu mỹ phẩm đan Xun Lai.

Dựa trên cơ sở này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tăng được giá trị cần phải có những giải pháp đầu tư cho chất lượng sản phẩm mây tre, từ khâu xử lý nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng của thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư cho việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, vừa tạo ra những sản phẩm khác biệt, mang đậm tính truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh một số hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc để giới thiệu sản phẩm mây tre đan rộng rãi đến người tiêu dùng trên các thị trường này.

Để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành nghề mây tre, tạo sức bật cho nghề mây tre đan Xuân Lai, tỉnh cũng như địa phương đã có những chủ trương nhằm tạo bước đi vững cho nghề như khuyến khích các hộ sản xuất đăng kí hoạt động kinh doanh dưới các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, xây dựng những điểm dừng chân cho khách, giới thiệu khách du lịch tham gia vào các bước sản xuất sản phẩm.

Mây tre đan Xuân Lai đang dần khẳng định thương hiệu, chỗ đứng của mình trên thị trường trong nước và quốc tế với những lợi thế có được từ trong quá trình gây dựng nên thương hiệu, kết hợp với điều kiện giao thông thuận lợi, thích hợp cho việc giao thương. Tuy nhiên, để mây tre đan Xuân Lai ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa, cần xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng cho ngành này. Trên cơ sở đó, làng nghề mây tre Xuân Lai, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra các giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng trung tâm xử lý, bảo quản nguyên liệu và đổi mới mẫu mã sản phẩm. Về phía doanh nghiệp, tự xây dựng chiến lược mở rộng thị trường, kiếm tìm thị trường mới thay các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu từng thị trường kỹ hơn để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các hàng rào phi thuế quan sẽ tăng lên, ngành hàng mây tre đan muốn phát triển tốt còn phải đặc biệt lưu tâm tới nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật chất lượng của các nước.

© Tuyên bố bản quyền