Ninh Thuận nâng tầm nghề sản xuất nước mắm truyền thống lên một tầm cao mới.
Nằm giữa vùng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, làng nghề nước mắm cá cơm Cà Ná đã có tuổi đời gần trăm năm. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho những yếu tố hoàn hảo để sản xuất ra loại mắm ngon đặc biệt. Hiện nay, bình quân mỗi năm ngư dân địa phương đánh bắt được hơn 36.000 tấn hải sản, trong đó, 31.000 tấn cá cơm cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho 70 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm ở xã Cà Ná và Phước Diêm (huyện Thuận Nam) với tổng sản lượng thành phẩm 10,25 triệu lít/năm.
Khi nhắc đến nước mắm truyền thống, mọi người thường nhớ ngay đến 3 nhãn hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng. Đó là nước mắm truyền thống Phú Quốc, Phan Thiết và Nha Trang. Bên cạnh đó, còn một loại nước mắm khác cũng được đánh giá ngon không kém là nước mắm cá cơm Cà Ná – Ninh Thuận.
Nằm giữa vùng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, làng nghề nước mắm cá cơm Cà Ná đã có tuổi đời gần trăm năm. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho những yếu tố hoàn hảo để sản xuất ra loại mắm ngon đặc biệt:
Vùng biển dồi dào tôm cá, đặc biệt là loại cá cơm thang, thịt chắc và giàu dinh dưỡng, mỗi năm, ngư dân Cà Ná đánh bắt hơn 36.000 tấn hải sản, trong đó có hơn 31.000 tấn cá cơm.
Ngoài ra, Cà Ná còn có những đồng muối bạt ngàn với nồng độ muối nguyên chất lên đến 95%, rất thuận lợi cho chế biến nước mắm.
Khí hậu nóng quanh năm, độ ẩm thấp phù hợp cho quá trình lên men của chượp. Nước mắm cá cơm Cà Ná được chế biến theo phương pháp ủ chượp gài nén, thời gian kéo dài từ 12 tháng trở lên. Nước mắm truyền thống Cà Ná có độ đạm từ 25 đến 30 độ, màu vàng rơm đến nâu đỏ, sắc trong, thơm nồng và có vị ngọt của đạm cá tự nhiên.
Sản xuất nước mắm ở xã Cà Ná và Phước Diêm được xác định là nghề lợi thế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đảm bảo cuộc sống ổn định cho cư dân vùng biển. Để tạo dựng uy tín thương hiệu nước mắm Cà Ná, ngày 15/9/2016, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ huyện Thuận Nam đã đăng ký xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná nhằm chứng minh các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa. Ngày 26/7/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu cho sản phẩm nước mắm Cà Ná, góp phần thúc đẩy nghề làm nước mắm truyền thống ở địa phương phát triển bền vững.
Ninh Thuận xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề sản xuất nước mắm theo hướng bền vững.
Nước mắm Cà Ná được UBND tỉnh lựa chọn sản phẩm làng nghề đặc thù có nhiều nét riêng biệt của vùng đất nắng gió Ninh Thuận để tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, tăng thu nhập cho hộ làm nghề.
Với quyết tâm nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc thù nước mắm Cà Ná, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo ngành chức năng, huyện Thuận Nam xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề theo hướng bền vững, mở rộng quy mô sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi ngành nghề khai thác hải sản đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở sản xuất nước mắm hoạt động hết công suất. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm Nước mắm Cà Ná ở khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Nam có hơn 70 cơ sở chuyên sản xuất, chế biến nước mắm có uy tín với tổng sản lượng nước mắm thành phẩm hơn 10,25 triệu lít/năm. Sản phẩm nước mắm cung ứng cho thị trường trong tỉnh và một số thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Đồng Nai. Doanh thu từ sản xuất nước mắm ước đạt từ 180 triệu đến 200 triệu đồng/năm/hộ.
Nghề sản xuất nước mắm ở huyện Thuận Nam đang không ngừng phát triển, ngoài các cơ sở nổi tiếng như Hai Non, Minh Quang, Hồng Hương, Bà Bầu, Trần Văn Hưởng, hiện nay trên địa bàn đang hình thành Nhà máy chế biến nước mắm Cana do Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung – Ninh Thuận làm chủ đầu tư, quy mô công suất lên tới 3,8 triệu lít/năm. Nhà máy nước mắm Cana được xây dựng ở xã Phước Minh (Thuận Nam) trên tổng diện tích gần 40.000 m2; trong đó, khu vực sản xuất chượp, xử lý nguyên liệu, chế biến và kho bãi hơn 17.000 m2. Đây là dự án chế biến thủy sản có quy mô đăng ký lớn nhất kể từ trước đến nay tại Ninh Thuận, với năng lực sản xuất 3,8 triệu lít/năm, vốn đầu tư 10 triệu USD; trong đó, giai đoạn đầu 4,5 triệu USD. Nhà máy nước mắm Cana đi vào hoạt động dự kiến sẽ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nước mắm truyền thống đúng chất, đem thương hiệu truyền thống chinh phục chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường Mỹ, Nhật và cộng đồng châu Âu. Theo Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, sau khi hoàn thiện xây dựng các nhà máy chế biến vệ tinh, kết hợp với các cơ sở sản xuất địa phương, quy mô Nhà máy sản xuất nước mắm Cana sẽ mở rộng năng lực sản xuất lên tới 25 triệu lít/năm. Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước mắm với các thiết bị dây chuyền sản xuất công nghệ cao, kết hợp kỹ thuật truyền thống sẽ cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng trong cả nước, hướng tới xuất khẩu, góp phần quảng bá và phát triển thương hiệu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho ngư dân địa phương, phát huy hiệu quả lợi thế sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Phát huy hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná.
Để phát huy hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná, ngay sau khi sản phẩm nước mắm Cà Ná được bảo hộ, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch quản lý, phát huy hiệu quả giá trị Nhãn hiệu bằng các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường. Các hộ sản xuất nước mắm cũng được cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, thiết lập các kênh tiếp thị phân phối rộng khắp trên toàn quốc.
Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, để người tiêu dùng dễ nhận diện, tin cậy chất lượng sản phẩm “nước mắm Cá Ná”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thí điểm dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho sản phẩm nước mắm tại cơ sở nước mắm Hai Non ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam với 2.000 sản phẩm. Theo chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hai Non, từ khi đưa tem điện tử truy xuất nguồn gốc vào sử dụng, lượng sản phẩm tiêu thụ của cơ sở đã tăng lên đáng kể vì người tiêu dùng đã cảm thấy yên tâm hơn khi họ có thể dễ dàng truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại thông minh. Chủ cơ sở này hy vọng thời gian tới sẽ triển khai cho tất cả các sản phẩm.
Việc dán tem nhằm mục đích giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm chất lượng, ngăn ngừa tình trạng gian lận về thương mại. So với các loại tem thông thường, tem điện tử có ưu điểm vượt trội là không thể tẩy, xóa, bóc tách, thay đổi thông tin. Để kiểm tra chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng tải ứng dụng, check mã lên điện thoại di động là biết được nguồn gốc xuất xứ, các chỉ số tiêu chuẩn của sản phẩm. Tác dụng của dán tem điện tử tạo sự minh bạch về chất lượng, nên sản lượng tiêu thụ tăng lên 10% so với trước khi chưa dán nhãn. Để tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận một cách toàn diện, UBND huyện Thuận Nam đang đẩy mạnh vận động các hộ sản xuất nước mắm trên địa bàn đăng ký dán nhãn hiệu điện tử lên sản phẩm; đồng thời, tăng cường hỗ trợ quảng bá để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Huyện cũng đã đề nghị ngành chức năng hỗ trợ quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với lợi thế về du lịch, tỉnh Ninh Thuận cũng đang tập trung xây dựng và phát triển làng nghề nước mắm truyền thống Cà Ná gắn với các hoạt động du lịch tại địa phương để tạo kênh phân phối sản phẩm; tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm trên địa bàn tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ những hoạt động thiết thực của ngành chức năng và chính quyền địa phương, đã nâng cao ý thức của các hộ sản xuất nước mắm xác định được việc khai thác sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận là chiến lược để duy trì, phát triển làng nghề. Các cơ sở chế biến nước mắm tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được độ tin cậy đối với người tiêu dùng. Như vậy, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc phát huy có hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận sẽ đưa nghề sản xuất nước mắm truyền thống phát triển lên tầm cao mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.