Ninh Thuận bảo tồn và nâng cao giá trị cây dược liệu.
Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên và địa hình thích hợp với nhiều loài cây dược liệu. Việc sản xuất dược liệu quý thành sản phẩm hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục bảo tồn, nâng cao chất lượng và giá trị cây dược liệu, gắn với quảng bá và phát triển du lịch địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có những định hướng tích cực về thực hiện các mô hình liên doanh, liên kết để mở rộng diện tích và nâng cao công tác bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào Chăm qua việc triển khai các đề tài như: Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm quế linh chi; Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số nguồn gen cây thanh thiên quỳ, cây sa nhân tím có nguồn gốc từ vườn quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao nhận thức về bảo tồn và biết cách sản xuất dược liệu quý thành những sản phẩm hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng hàng trăm héc-ta các loại dược liệu. Hàng năm, tỉnh đã khai thác khoảng 3.000 tấn dược liệu quý, phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Từ nhiều nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, cộng đồng các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã khai thác, sử dụng và hình thành các làng nghề bốc thuốc Nam truyền thống với kinh nghiệm lâu năm như làng nghề bốc thuốc Nam của người Chăm ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, có khoảng 1.200 hộ gia đình hành nghề. Trong đó hơn 40% lương y thường đi chữa bệnh, bán thuốc từ Nam ra Bắc, sang cả các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia. Tỉnh cũng khai thác nguyên liệu từ nguồn dược liệu bản địa để sản xuất sản phẩm hàng hóa đặc thù như: Nước uống đóng chai, trà túi lọc, viên nén đinh lăng, trà khổ qua rừng, thạch nha đam…, cung cấp ra thị trường trung bình hơn 10 triệu sản phẩm/năm.
Hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh Ninh Thuận thời gian tới
Cùng với việc mở rộng nhiều nông trại của nông dân, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm 80.000 cây đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Kết quả bước đầu cho thấy, loài cây này thích ứng tốt với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:
– Một là, phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ, nâng cao hiệu quả diện tích hiện có, đồng thời gắn với việc bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Qua đó, phát huy ngành nghề truyền thống gắn với quảng bá và phát triển du lịch, lễ hội vùng miền và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
– Hai là, phát triển dược liệu ổn định, lâu dài, với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường.
– Ba là, Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa.
– Bốn là, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; Đồng thời, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, cho người tiêu dùng và đảm bảo môi trường sinh thái; Từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận; Phát triển các loại cây dược liệu trong định hướng gồm 25 loại như; bách bệnh, bách bộ, sả, sa nhân tím, sâm cau, địa liền, gấm núi, bòng bòng dẻo, dây đau xương, lô hội, hà thủ ô đỏ, đinh lăng, dây khai, sâm bố chính, linh chi tím, bạc hà, nghệ, dây thần thông…; Xây dựng hệ thống vườn ươm cây con giống ngay tại các vùng tập trung để đáp ứng nhanh nhu cầu sản xuất.
Để nâng cao nguồn nguyên liệu, tỉnh Ninh Thuận sẽ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản, nâng cao chất lượng chế biến theo các tiêu chuẩn đã được Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, xây dựng mô hình ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất; Tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người sản xuất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về canh tác, thu hái, bảo quản để duy trì và nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm; Bố trí hệ thống thu gom, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm dược liệu, quy mô tùy theo vùng sản xuất và thực hiện tiêu thụ sản phẩm; Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn dược liệu được nuôi trồng, sản xuất chế biến từ nguồn các loại cây dược liệu của tỉnh Ninh Thuận để góp phần quảng bá và nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.