Nhiều điểm sáng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại tỉnh An Giang

Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh An Giang đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn từ năm 2017 – 2020, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái vượt chỉ tiêu đề ra. Ước tính tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh hơn 25.582 ha, đạt 101% so kế hoạch. Từ kết quả đó, trong 10 năm tới tỉnh đặt mục tiêu nâng tổng diện tích chuyển đổi lên gấp hơn 4 lần hiện nay, góp phần tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích.

Nhiều điểm sáng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại tỉnh An Giang

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh ước đạt 49 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha, tăng 63 triệu đồng so với năm 2015. Tính đến hết tháng 9/2020 toàn tỉnh có 16.730 ha cây ăn trái, tăng 1.305 ha so với cùng kỳ năm 2019. Một số loại có diện tích tăng cao như: Xoài 11.378 ha, tăng 5,97% (tương ứng tăng 641 ha), trong đó các giống xoài chất lượng (Đài Loan, cát Hòa Lộc) chiếm gần 82% tổng diện tích; sầu riêng 127 ha, tăng 32 ha; mãng cầu 272 ha, tăng 57 ha; mít 621 ha, tăng 361 ha; nhãn 386 ha, tăng 92 ha; các loại cây ăn trái có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 1.422 ha, tăng 46 ha.

Tổng sản lượng trái cây thu hoạch trong 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 168.000 tấn, tăng 14,25%; trong đó xoài đạt sản lượng 119.600 tấn, tăng 19.500 tấn.

Đáng chú ý, các mô hình chuyển đổi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình sản xuất lúa 3 vụ. Trong khi lợi nhuận từ sản xuất 3 vụ lúa mang lại thu nhập cho người nông dân bình quân từ 40 triệu – 45 triệu đồng/ha thì mô hình sản xuất các loại rau ăn lá cho lợi nhuận dao động từ 120 – 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình cây ăn trái sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu cũng đem lại lợi nhuận gấp 3-5 lần so với trồng lúa.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như: trái cây tại Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú; rau màu ở Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc; lúa nếp Phú Tân, Châu Phú gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

Sản xuất và tiêu thụ đạt kết quả khả quan, các mô hình liên kết mang lại hiệu quả nhất định.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh An Giang vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,27%, cao hơn mức tăng 2,11% của cùng kỳ năm 2019. Những tháng cuối năm 2020, nông nghiệp vẫn được xem là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội An Giang phát triển.

Dịch Covid-19 đã khiến những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của An Giang như: Cá tra, xoài, chuối cấy mô gặp nhiều khó khăn, đình trệ, giá nguyên liệu rơi xuống thấp trong những tháng đầu năm 2020. Riêng đối với lúa, gạo, ngành hàng vẫn có giá xuất khẩu cao do nhu cầu lương thực thế giới tăng, công tác bảo vệ sản xuất được tăng cường nhằm tận dụng cơ hội bán lúa được giá cao, tăng thu nhập cho nông dân và bù đắp tăng trưởng của các lĩnh vực nông nghiệp khác.

Ngành nông nghiệp An Giang đã chủ động phối hợp với ngành Công Thương và các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết bài toán đầu ra nông sản, liên kết doanh nghiệp thu mua để chuyển hướng tiêu thụ nội địa.

Từ những nỗ lực đó, sau thời gian rớt giá mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá nhiều loại cây ăn trái tại An Giang trong đầu tháng 10/2020 đã tăng trở lại, đặc biệt là xoài – loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh.

Cụ thể, tại vùng cù lao Giêng (Chợ Mới), nhờ đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, giá bán xoài trong tỉnh trong thời gian gần đây có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Theo đó, giá xoài Đài Loan trong tháng 10/2020 dao động từ 16.000-17.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc bình quân 40.000 đồng/kg; xoài Keo, xoài cát Chu cũng tăng lên 19.000-20.000 đồng/kg.

Tình hình tiêu thụ rau màu cũng tương đối ổn định, giá bán có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, ớt có giá 37.000 đồng/kg, tăng 22.000 đồng/kg so tháng trước và tương đương so cùng kỳ năm 2019; nấm rơm ổn định giá 50.000-60.000 đồng/kg.

Hình minh họa: Trái xoài

Nhằm liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay tỉnh An Giang đã đẩy mạnh hợp tác với các Tập đoàn, công ty từ đó đảm bảo sản xuất và đầu ra cho người nông dân.

Cụ thể, trong tháng 7/2020, UBND tỉnh An Giang đã ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Nafoods Group về tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ một số mặt hàng cây ăn trái hiện đang là thế mạnh của An Giang. Đây là đơn vị đi đầu trong phát triển thành công chuỗi giá trị nông nghiệp, là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau củ quả đông lạnh, trái cây sấy và hoa quả.

Cũng trong tháng 7/2020, UBND tỉnh An Giang và Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Đề án Xây dựng thương hiệu gạo An Giang, Chương trình phát triển Hợp tác xã kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, lúa nếp, rau màu và cây ăn quả, cung ứng dịch vụ Nông nghiệp và thực hiện các Dự án phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh An Giang. Quá trình hợp tác bước đầu mang lại hiệu quả khi ngày 22/9/2020, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ công bố xuất khẩu sang Châu Âu theo Hiệp định EVFTA lô hàng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18kg/gói.

Việc xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực đánh dấu một bước tiến quan trọng cho ngành lúa gạo tỉnh An Giang. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận trong việc thực hiện tốt chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ để tạo ra được sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu. Theo Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Gần đây nhất vào ngày 30/10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tập đoàn Nam Việt tổ chức Lễ công bố lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường EU, Nam Mỹ, ASEAN, Trung Quốc và Trung Đông.

Tại An Giang, Tập đoàn Nam Việt có vùng nuôi cá tra áp dụng công nghệ hiện đại với đầy đủ các chứng chỉ GlobalGAP, ASC, VietGAP đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh và đảm bảo cung cấp nguyên liệu với chất lượng cao, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Nam Việt có nhà máy chế biến thức ăn đủ điều kiện sản xuất với các chứng nhận GlobalGAP, hợp chuẩn TCVN 10300 đáp ứng được 100% nhu cầu các vùng nuôi và còn được bán ra ngoài thị trường. Tập đoàn cũng có các nhà máy chế biến sản phẩm với đầy đủ các tiêu chuẩn HACCP, IES, BRC, ISO đáp ứng được đủ điều kiện xuất khẩu đến các thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Định hướng trong thời gian tới

Thời gian tới, An Giang định hướng đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa ở những vùng canh tác không hiệu quả; tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như: lúa, cá, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi.

Đồng thời, tỉnh An Giang sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.

Tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực, tập trung vào 3 nhóm sản phẩm là gạo – nếp, thủy sản và cây ăn quả, gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tăng cường năng lực dự báo, xúc tiến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản nông sản của địa phương.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã tạo ra kênh tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng bằng cách phát triển các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm nông sản của tỉnh nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất – phân phối các sản phẩm nông sản để các sản phẩm chế biến từ nông sản của tỉnh đảm bảo được các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì nhãn mác, giấy chứng nhận và chất lượng, từ đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối.

An Giang đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xây dựng 19 cửa hàng nông sản để phục vụ nhu cầu người dân, tạo thuận lợi đưa các sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng, an toàn đến với người tiêu dùng trong cả nước và hướng tới xuất khẩu.

© Tuyên bố bản quyền