Nhiều địa phương đang tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trong bối cảnh sản xuất hữu cơ đang trở thành xu hướng chung của nông nghiệp trên toàn cầu, Việt Nam cũng đang từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và coi đây là hướng đi bền vững, góp phần đưa nông sản của Việt Nam tiếp cận những thị trường lớn, giàu tiềm năng. Việt Nam phấn đấu vào top 15 thế giới về nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030.

Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuy còn ở dạng mô hình nhưng đã hiện diện tại hầu hết các tỉnh thành và có danh mục sản phẩm khá đa dạng từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản. Chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn từ 1,15 đến 1,3 lần so với sản xuất truyền thống, tuy nhiên doanh thu lại cao hơn từ 1,5 đến 1,7 lần.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 40 tỉnh, thành phố với mô hình trồng trọt hữu cơ trên tổng diện tích khoảng 23.400 ha. Cùng với rau củ quả, chăn nuôi thủy sản, lợn, gà theo phương thức hữu cơ cũng đang được mở rộng. Cụ thể, cả nước có 12 tỉnh, thành phố chăn nuôi lợn hữu cơ với tổng đàn trên 64.200; 6 tỉnh chăn nuôi gà hữu cơ với khoảng 273.000 con; Nghệ An, Lâm Đồng chăn nuôi 3.500 con bò theo phương thức hữu cơ và 4 tỉnh nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích khoảng 134.800 ha.

Đến nay, nhiều nông sản Việt Nam đã gia nhập các thị trường khó tính cùng với tiêu chuẩn khắt khe. Trong nước, người tiêu dùng ngày càng ưa thích tiêu dùng nông sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn. Hàng năm, tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam vào khoảng 500 tỷ đồng, trong đó riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tiêu thụ khoảng 400 tỷ đồng nông sản hữu cơ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có gần 20 đơn vị xuất khẩu rau củ quả hữu cơ sang các thị trường như Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Mỹ. Tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm vào khoảng 260.000 tấn, trị giá hơn 15 triệu USD. Một số mặt hàng thủy sản hữu cơ đã tiếp cận nhiều quốc gia với mức giá cao hơn khoảng 30%, tổng giá trị ước đạt trên 10 triệu USD/năm. Các mặt hàng như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu hữu cơ cũng bắt đầu xuất khẩu thành công, mặc dù sản lượng còn khiêm tốn.

Hình ảnh minh họa: Thu hoạch rau quả hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

– Tuyên Quang:

Theo Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, tỉnh Tuyên Quang có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhờ vào mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhiều vùng chuyên canh đã hình thành, đặc biệt một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm cam sành Hàm Yên đã hai lần được vinh danh là Thương hiệu Vàng của nông nghiệp Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong danh sách Top 10 nhãn hiệu nổi tiếng do Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có hai mô hình cây ăn quả được chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, gồm cam sành Hàm Yên với hơn 30 ha và bưởi Yên Sơn với 50 ha.

Các sản phẩm nông nghiệp được canh tác hữu cơ đang phát triển đều, chất lượng quả thơm, ngọt và đậm đà hơn so với thông thường. Đặc biệt, từ mô hình cam sành Hàm Yên chuyển đổi năm 2018 và bưởi Yên Sơn chuyển đổi năm 2019 cho thấy cam hữu cơ có giá từ 20 – 25 nghìn đồng/kg; một quả bưởi hữu cơ cũng có giá từ 20 – 25 nghìn đồng, cao gần gấp đôi so với sản phẩm không sản xuất theo quy trình hữu cơ. Ngoài ra, canh tác theo phương thức hữu cơ sẽ không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cả nông dân. Ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đang hỗ trợ các địa phương dán tem truy xuất nguồn gốc và kết nối quảng bá, giới thiệu hai sản phẩm chất lượng cao đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh cam và bưởi, đầu năm 2019, huyện Sơn Dương – Tuyên Quang đã lựa chọn 3 ha chè có tuổi từ 5 đến 7 tuổi tại xã Trung Yên để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Sau 1 năm triển khai, mô hình đã được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Theo ghi nhận của người dân, chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ năng suất giảm 30% so với chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè hữu cơ thu được 20 kg chè khô, giá bán 500.000 – 600.000 đồng/kg, trong khi chè VietGAP chỉ bán với giá 250.000 đồng/kg. Ưu điểm của sản xuất chè theo quy trình hữu cơ là tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ hỗ trợ nông dân chuyển đổi quy trình canh tác sang sản xuất hữu cơ trên tất cả các loại cây trồng và vật nuôi, nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.

– Bắc Giang:

Năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đưa vào sản xuất quả vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha. Chất lượng quả vải được canh tác hữu cơ ngon hơn, ngọt và thơm hơn, giá quả vải thiều hữu cơ cao hơn từ 5 – 10% so với các loại vải bình thường khác. Đối với loại vải thiều hữu cơ được lựa chọn phục vụ thị trường cao cấp, giá sẽ cao hơn nhiều.

Cụ thể, trong vụ 2019, giá vải thiều hữu cơ của tỉnh Bắc Giang bán ra trên thị trường đạt tới 200.000 đồng/hộp (12 quả/hộp), tương đương 600.000 đồng/kg. Sản phẩm vải thiều hữu cơ được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho quả vải của Bắc Giang tiếp cận người tiêu dùng tại những thị trường khó tính và cao cấp.

Đây là mô hình liên kết giữa nông dân trồng vải Lục Ngạn và doanh nghiệp tiêu thụ. Người dân được tập huấn về quy trình chăm sóc vải hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học. Việc tiêu thụ vải hữu cơ được một đơn vị bao tiêu sản phẩm thỏa thuận giá mua hợp đồng với người dân trước. Quy trình chăm sóc đến khi thu hoạch đều là sự đồng hành giữa người dân và doanh nghiệp. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ có gắn camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử. Vải thiều hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội, được thiết kế mẫu mã bao bì hợp lý.

– Lâm Đồng:

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương có lợi thế về trình độ canh tác nông nghiệp và điều kiện tự nhiên. Các cấp chính quyền cũng khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi truyền thống sang hữu cơ để nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, việc sở hữu diện tích nhà kính công nghệ cao rất lớn cũng là lợi thế để Lâm Đồng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích rau hữu cơ đã được chứng nhận trên toàn tỉnh đạt 32 ha và sản lượng 318 tấn mỗi năm. Tỉnh cũng hình thành nhiều trang trại trồng rau củ quả hữu cơ và đạt kết quả tốt. Đặc biệt, tỉnh cũng ghi nhận nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đạt thành tựu cao, tiêu biểu là sữa hữu cơ tại trang trại Vinamilk Đà Lạt.

Những khó khăn tồn tại đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam dù đã có một số thành công ban đầu nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn như:

+ Hiện tại, các mặt hàng nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số sản phẩm chất lượng cao, nên giá thành cao gấp 2 – 4 lần so với sản phẩm thông thường, và thậm chí có sản phẩm cao gấp 12 – 13 lần như vải thiều hữu cơ tỉnh Bắc Giang. Điều này đã tạo động lực hơn để người nông dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn hạn chế khi đa phần người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều về nông nghiệp hữu cơ, dẫn đến việc chưa hình thành thói quen tiêu dùng. Riêng tại phân khúc thị trường cao cấp, nhóm người có điều kiện kinh tế lại chủ yếu sử dụng các mặt hàng hữu cơ nhập khẩu từ nước ngoài.

+ Một trong những khó khăn hiện tại trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, chủ yếu dựa vào hỗ trợ, chưa có định hướng chiến lược cho sản xuất và tiêu thụ; sản phẩm chưa đa dạng và chất lượng chưa đồng đều. Ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, phần lớn nông dân thiếu thông tin về quản lý quy trình sản xuất, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nên gặp khó khăn trong sản xuất.

Giải pháp phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

+ Trong thời gian tới cần phát triển lợi thế của từng vùng và tìm ra sản phẩm trọng điểm.

+ Để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển thì các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm hữu cơ chuyên biệt, hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn và quy chuẩn. Cần hướng dẫn các doanh nghiệp và người sản xuất tuân thủ đúng quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất và chế biến, đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhiều địa phương đang tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

+ Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có thể hợp tác với các doanh nghiệp có mô hình thành công để giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới cũng như các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

© Tuyên bố bản quyền