Ngành nông nghiệp Hà Bính đang từng bước chuyển mình.

Ngành nông nghiệp Hà Bính đang từng bước chuyển mình.

Cam Cao Phong – Hòa Bình đang từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu. Không chỉ được bảo hộ trên toàn lãnh thổ quốc gia, cam Cao Phong còn là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU. Trong niên vụ 2020/21, toàn huyện Cao Phong có trên 3.000 ha cam các loại, trong đó, diện tích thời kỳ kinh doanh khoảng 1.790 ha, diện tích cây thời kỳ kiến thiết cơ bản khoảng 1.209 ha. Sản lượng dự kiến đạt trên 38.000 tấn.

Nhờ diện tích đất tự nhiên lớn và nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, tỉnh Hòa Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã xác định các lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn. Tỉnh đã điều chỉnh và lập mới 9 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành 25 đề án phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, rau an toàn, mía ăn tươi. Đến nay, Hòa Bình đã hình thành và mở rộng vùng sản xuất tập trung cây có múi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng mía nguyên liệu ở Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch ở Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu. Năm 2020, diện tích cây có múi của tỉnh Hòa Bình đạt khoảng 11.500 ha (trong đó cam quýt 5.750 ha, bưởi 5.250 ha), tăng hơn 10 lần so với chỉ 1.005 ha của năm 2010. Diện tích kinh doanh khoảng 7.400 ha, sản lượng gần 160 nghìn tấn. Bộ giống cây có múi của tỉnh đa dạng với gần 20 giống cam, bưởi khác nhau. Toàn tỉnh có 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với 38 cơ sở được chứng nhận; có một chỉ dẫn địa lý, hai nhãn hiệu chứng nhận và bốn nhãn hiệu tập thể. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác cũng không ngừng tăng, năm 2010 giá trị thu nhập bình quân đạt 100 – 120 triệu đồng/ha, năm 2019 đạt 300 – 350 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2020 đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm. Nhìn chung cây có múi đã và đang là nhóm cây chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất cây có múi của tỉnh còn nhiều hạn chế như tình trạng buôn bán giống không rõ nguồn gốc, phát triển nóng diện tích ngoài quy hoạch, kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ, việc bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, khó khăn trong hoạt động bảo quản, sơ chế, chế biến.

Đáng chú ý, công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm ngày càng được quan tâm. Tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong và các nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản khác như: Mía tím Hòa Bình, hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cá, tôm sông Đà, mật ong Hòa Bình… Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 27 sản phẩm của 21 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trong tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao. Bước đầu đã hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu với một số doanh nghiệp, nhà hàng tại Hà Nội như chuỗi rau hữu cơ Lương Sơn với Công ty TNHH Tâm Đạt, Tràng An và VinaGAP; chuỗi su su Quyết Chiến với hệ thống các siêu thị Vinmart, BigGreen Việt Nam; chuỗi cá sông Đà của Công ty TNHH Cường Thịnh cung cấp cho Công ty An Việt.

Về định hướng sản xuất; trong giai đoạn năm 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để ngành nông nghiệp tỉnh tăng trưởng mạnh hơn, bám sát xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Xúc tiến tiêu thụ cam Cao Phong

Huyện Cao Phong – Hòa Bình không chỉ là một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc mà còn là địa phương điển hình về làm thương hiệu cho nông sản. Từng bị lép vế và nhầm lẫn với các loại cam khác trên thị trường, nhưng nay cam Cao Phong đang từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu. Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Chất lượng, uy tín sản phẩm cam Cao Phong tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Cam Cao Phong đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Metro, Intimex. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã từng chọn cam Cao Phong là món tráng miệng phục vụ hành khách hạng thương gia trên các đường bay nội địa và quốc tế.

Trong niên vụ 2020/21, toàn huyện Cao Phong có trên 3.000 ha cam các loại, trong đó, diện tích thời kỳ kinh doanh khoảng 1.790 ha, diện tích cây thời kỳ kiến thiết cơ bản khoảng 1.209 ha. Sản lượng dự kiến đạt trên 38.000 tấn. Để giữ gìn và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, cấp ủy, chính quyền và hộ trồng cam chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có 1.018,34 ha, với 759 hộ tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP; diện tích được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 1.147 ha. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã tổ chức, phối hợp tổ chức 5 lễ hội cam Cao Phong để quảng bá thương hiệu cam Cao Phong đến với du khách thập phương, cùng nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tại các địa phương trong nước.

Để xúc tiến tiêu thụ cam đang vào vụ thu hoạch và các nông sản chủ lực của tỉnh, từ ngày 6/11 đến 11/11/2020, tại Trung tâm văn hóa huyện Cao Phong – Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp UBND huyện Cao Phong tổ chức “Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du miền núi phía bắc – Tuần lễ cam Cao Phong năm 2020”. Hội chợ năm 2020 có khoảng 200 gian hàng các mặt hàng nông sản đặc sản chủ lực, sản phẩm thuộc chương trình OCOP của các địa phương trong tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc được trưng bày, giới thiệu và bán tại Hội chợ.

Hội chợ được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung, cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình nói riêng, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài; hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình phát triển sản xuất sản phẩm cây có múi, chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030 cho các địa phương khu vực phía bắc.

Đồng thời tạo cơ hội giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cho các sản phẩm, dự án nông nghiệp, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng cho các địa phương cùng đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển chung của ngành nông nghiệp; các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất, thương mại khu vực phía bắc được mua bán, trao đổi, giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông lâm thủy sản trong cả nước; quảng bá, thu hút sự quan tâm của các địa phương, đơn vị sản xuất và các tổ chức kinh tế đầu tư, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

(Hình minh họa: Bưởi đỏ Tân Lạc và cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình)

– Giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,3%

Với lưu vực rộng lớn, môi trường nước trong sạch, nguồn lợi phong phú và giàu dinh dưỡng, mặt hồ Hòa Bình thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng với các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, các hộ dân còn kết hợp phát triển nghề nuôi cá lồng với du lịch trải nghiệm, ẩm thực và nghỉ dưỡng trên hồ Hòa Bình, mang đến thu nhập ổn định, đời sống bà con thay đổi theo hướng tích cực.

Theo số liệu thống kê, năm 2020 toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.700 ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản; phát triển được 4.700 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình. Sản lượng cá ước đạt 7,7 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác 1,4 nghìn tấn, nuôi trồng đạt 6,3 nghìn tấn. Hiện tại, toàn tỉnh có 33 trang trại và hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trong đó 10 cơ sở chuyên nuôi thủy sản, 23 cơ sở hoạt động nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản. Với kết quả đạt được, giá trị sản xuất ngành thủy sản trong 9 tháng năm 2020 (theo giá so sánh) ước đạt 214 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 79,36% kế hoạch năm.

– Tạo thuận lợi tiêu thụ mía tím

Năm 2020, diện tích trồng mía tím của tỉnh Hòa Bình đạt trên 2.000 ha, giảm gần 40% so với 2019, vụ thu hoạch đã bắt đầu từ tháng 10/2020 và tiêu thụ khá thuận lợi. Tuy nhiên, dự báo niên vụ thu hoạch 2020/21 sẽ đối mặt với những khó khăn như không khí lạnh đến sớm, mùa đông nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều đợt rét đậm, rét hại sẽ là yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tiến độ tiêu thụ mía ăn tươi. Mặt khác, với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó tiêu thụ sản phẩm. Do đó, cơ quan chức năng của tỉnh khuyến cáo người dân nên tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhu cầu thị trường cao chủ động bán khi giá cả phù hợp để giải phóng đất làm vụ mới, không nên găm hàng vì dễ gặp rủi ro do ứ đọng sản phẩm vào cuối vụ.

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh việc quảng bá mía tím Hòa Bình thông qua các phóng sự, hội nghị, hội thảo, các lễ hội, hội chợ; hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn lớn, đa dạng các hình thức tiêu thụ mía tím đến tận tay người tiêu dùng (mía hấp nóng, mía ướp lạnh, mía cắt khúc hút chân không). Tạo điều kiện để hệ thống thu mua mía thông qua thương lái tiếp cận các vùng trồng mía, các vườn mía đến kỳ thu hoạch và tổ chức tốt hoạt động của các chợ mía, chợ đầu mối tiêu thụ mía, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông thương mặt hàng này.

© Tuyên bố bản quyền