Ngăn chặn hiệu quả việc khai thác trái phép thông qua tổ đồng quản lý nghề cá
Hà Tĩnh không chỉ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ còn phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ tàu cá khai thác bất hợp pháp.
Xử lý nghiêm hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp
Cần kiểm soát chặt chẽ tàu khai thác thủy sản trên địa bàn
Chuyển biến rõ trong ngăn chặn khai thác thuỷ sản trái phép ở Tiền Giang
Chủ tàu cá và ngư dân ra khơi cần ghi nhớ những gì?
Trao quyền bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân
Những năm qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ luôn được chính quyền các cấp, ngành chuyên môn ở tỉnh Hà Tĩnh dành sự quan tâm đặc biệt. Để phát huy vai trò quản lý cộng đồng này, tỉnh Hà Tĩnh đã trao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân thông qua tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ.
Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang hoạt động rất hiệu quả.
Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 – xã Xuân Yên và Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 – xã Xuân Liên thuộc huyện Nghi Xuân được thành lập từ năm 2016. Thời gian đầu mới thành lập, các tổ đồng quản lý này chủ yếu tương trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển, khi gặp mưa dông, gió bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước khi vào bờ.
Đến năm 2020, sau một thời gian hoạt động hiệu quả, Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 được giao quyền quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Khi được trao quyền, các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ hoạt động năng nổ hơn, bài bản hơn và đã phối hợp rất hiệu quả với các lực lượng chức năng như biên phòng, kiểm ngư trong phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp trên khu vực biển được giao quyền quản lý.
Ông Nguyễn Văn Bê, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 – Xuân Liên nói: “Quá trình hoạt động của Tổ, đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân. Bây giờ bà con đã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng mìn khai thác thuỷ sản.”
“Ngoài ra, khi hoạt động trên biển, nếu phát hiện tàu nước ngoài, tàu dã cào, tàu cá sử dụng ngư cụ cấm để khai thác, chúng tôi kịp thời báo cáo cơ quan chức năng, phối hợp bắt giữ, xử lý vi phạm.”
Việc chấm dứt dùng mìn, lưới mắt nhỏ khai thác hải sản đã góp phần gia tăng nguồn lợi thuỷ sản cho vùng lộng.
Lâu nay, tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ hoạt động rất hiệu quả nhưng cơ chế, chính sách hỗ trợ duy trì các tổ đang rất hạn chế.
Thiết nghĩ, hàng năm tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền cấp huyện cần dành một phần ngân sách hỗ trợ các tổ đồng quản lý, có thể chi phí cho việc tập huấn, mua dầu tuần tra trên biển nhằm khuyến khích, động viên các tổ đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục.
Phấn đấu xây dựng 10 – 12 tổ đồng quản lý
Gia đình ông Nguyễn Văn Thú là một trong những thành viên hoạt động năng nổ nhất trong Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 – xã Xuân Yên. Trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022, ông cùng các thuyền viên khác trong Tổ đã phát hiện hơn 25 trường hợp tàu cá vi phạm.
Ông Thú có 3 chiếc tàu cá cùng công suất 24 CV. Một tàu do ông cầm lái, 2 tàu khác ông thuê 4 thuyền viên vươn khơi khai thác.
Những ngày gần đây, vùng biển ven bờ Nghi Xuân lặng sóng, tàu cá do ông Thú cầm lái mỗi ngày đem về khoảng 5 triệu đồng tiền bán ghẹ. Với nguồn thu này, ông không chỉ nuôi sống được gia đình mà còn có của ăn của để.
“Trước chưa tham gia Tổ đồng quản lý, do đánh bắt kiểu huỷ diệt nên nguồn lợi thuỷ sản khan hiếm, khai thác không hiệu quả. Sau khi Tổ đồng quản lý đi vào hoạt động, hầu như chuyến nào đi chúng tôi cũng thu về 3 – 5 triệu đồng,” ông Nguyễn Văn Thú nói.
Hiện nay, tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ vừa khai thác vừa tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Bên cạnh việc tăng hiệu quả khai thác thuỷ sản, việc tham gia tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã thay đổi nhận thức của ngư dân trong việc ngăn chặn sử dụng tàu dã cào, lưới mắt nhỏ hay kích điện trong quá trình khai thác.
Tổ đồng quản lý cũng được quyền tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý.
Trung bình mỗi tháng, các tổ viên trong Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, số 3 huyện Nghi Xuân cung cấp 3 đến 4 thông tin về các hoạt động vi phạm, cho các lực lượng biên phòng, kiểm ngư để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong hơn 7 năm qua, 2 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 huyện Nghi Xuân với 418 thành viên đã hoạt động rất hiệu quả, là điểm sáng trong việc phát huy vai trò cộng đồng trong hành trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Mỗi năm, ngư dân phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hàng chục tàu cá khai thác thuỷ sản bất hợp pháp.
“Tổ đồng quản lý như cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước, họ đã hỗ trợ rất nhiều trong việc quản lý khai thác thuỷ sản như: Làm giấy phép khai thác thuỷ sản; thống kê số lượng tàu cá; phối hợp phát hiện, bắt giữ tàu cá khai thác bất hợp pháp,” ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, đến thời điểm này, 7 tổ đồng quản lý đã được hình thành tại các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Qua đó, đã hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ rất tốt.
Về lâu dài, định hướng của Hà Tĩnh là tiếp tục nhân rộng mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ này, phấn đấu từ nay đến năm 2025 phát triển được từ 10 đến 12 tổ.
Cơ bản hoàn thành đánh dấu, kẻ sơn màu tàu cá
Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản suốt chiều dài bờ biển 137 km, những năm gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện kẻ sơn màu, đánh dấu tàu cá.
Đến nay, cơ bản gần 2.900/2.950 tàu cá đã thực hiện kẻ sơn màu theo đúng quy định, chủ yếu ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh. Màu sơn xanh cho tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m; màu sơn vàng cho tàu từ 12m đến dưới 15m và màu ghi sáng cho tàu có chiều dài lớn nhất 15m trở lên. Trường hợp tàu không có cabin thì sơn màu theo quy định toàn bộ phần mạn khô của tàu.