Nâng tầm thương hiệu miến dong Nguyễn Bính – Cao Bằng trên thị trường
Miến dong Nguyên Bình là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Huyện Nguyên Bình đang nỗ lực từng ngày để khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường nội địa và có kế hoạch xuất khẩu miến dong đến một số thị trường lớn như Nga, Hàn Quốc, EU.
Miến dong Nguyên Bình là sản phẩm truyền thống lâu đời của tỉnh Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên sợi miến dong là bột dong riềng đỏ được trồng tại địa phương, chủ yếu tập trung ở xã Tĩnh Túc, Yên Lạc, Vũ Nông, Thành Công, Phan Thanh. Quy trình làm nên sợi miến dong Nguyên Bình rất công phu và tỉ mỉ. Dong được chọn là loại củ to, đều và già. Theo những người làm miến dong kinh nghiệm, để có được sợi miến chuẩn thương hiệu Nguyên Bình thì bước pha chế tỷ lệ nước khi đun bột chính là bí quyết. Nước phải được pha với tỷ lệ 90 – 93% là nước sôi và 7 – 10% là nước lã, sau đó khoắng bột cho đến khi chín, sánh và đưa vào khung ép thành sợi miến, cuối cùng là dàn miến ra phên để phơi cho ráo nước.
Miến dong Nguyên Bình có sợi to, không bóng như các loại miến khác, không dùng chất tạo màu hay bột nở nên khi nấu lên sợi miến mềm, trong, thơm, dai và có vị ngon mát, chuẩn miến nguyên chất. Miến dong cũng có nhiều công dụng nên được các bà nội trợ rất ưa chuộng, có thể kể đến như tốt cho người mắc chứng tiểu đường, giúp giảm cân vì nguyên liệu chính là củ dong riềng có tính mát, nhiều chất xơ và không chứa chất béo. Giá bán miến dong trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 80.000 – 100.000 VNĐ/kg.
Hình ảnh người dân phơi miến
Hướng phát triển của miến dong Nguyên Bình trong thời gian tới
Miến dong Nguyên Bình là loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ bởi độ ngon mà đây còn là món ăn đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền của mỗi gia đình người Việt. Trong thời gian tới, huyện Nguyên Bình tập trung triển khai các nhóm giải pháp sau để tiếp tục phát triển sản phẩm miến dong trên thị trường:
– Một là, tập trung phát triển giống dong đỏ trên địa bàn vì đây là nguyên liệu chính làm nên sợi miến dong Nguyên Bình;
– Hai là, chú trọng vào khâu kết nối và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa người dân với các Hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn để mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm. Các Hợp tác xã tự chủ được vùng trồng nguyên liệu sẽ có hợp đồng thu gom giống với các hộ trồng và kế hoạch bảo quản giống cho các vụ mùa tiếp theo;
– Ba là, tiếp tục tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất, canh tác, bảo quản giống dong riềng và sản phẩm miến cho người dân trên địa bàn. Từ đó, nâng cao ý thức cho người dân trong việc đảm bảo chất lượng và giá trị của đặc sản;
– Bốn là, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm tiến gần hơn tới xuất khẩu, đến một số thị trường như Nga, Australia, Hàn Quốc, EU. Để làm được điều đó, các HTX và các hộ làm miến trên địa bàn huyện sẽ có chiến lược đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, cụ thể là các loại máy móc công suất lớn để sản xuất miến dong theo hướng chuyên nghiệp, đạt năng suất cao hơn.
Khánh Huyền