Nâng cao giá trị cho ngành chế biến Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhờ sự chuyển biến tích cực về giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngành chè Việt Nam đã tăng cả về lượng và chất. Nhờ vậy, ngành chè Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị phần tại nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới.
Từ lợi ích kinh tế mang lại, cây chè được coi là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và góp phần quan trọng để làm giàu cho địa phương trên cả nước. Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy diện tích trồng chè trên cả nước đạt khoảng 130 nghìn ha, với hơn 500 cơ sở chế biến, công suất đạt 500 nghìn tấn chè khô/năm. Các sản phẩm chè của Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược.
Chè của Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, chè được tiêu thụ khá ổn định do nhu cầu của người dân ở mức cao, đặc biệt vào các dịp lễ Tết hay các sự kiện quan trọng. Trong những năm gần đây, ngoài người trung niên và lớn tuổi, lượng tiêu thụ chè của giới trẻ cũng đang có xu hướng tăng.
Đối với thị trường xuất khẩu, hiện cả nước có 370 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, chè của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như: Pakistan, Đài Loan, Nga, Indonesia, Trung Quốc, chiếm gần 70% về lượng và trên 70% về trị giá xuất khẩu toàn ngành chè.
Nhờ sự chuyển biến tích cực về giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngành chè Việt Nam đã tăng cả về cả về lượng và chất. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhờ vậy, ngành chè đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và từng bước nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất và làm chủ được công nghệ trồng, canh tác, chế biến chè matcha, chè uống liền từ nguyên liệu chè trong nước.
Chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại thị trường quốc tế, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lớn nhất cả nước, đạt 22,7 nghìn ha, sản lượng đạt trên 244,5 nghìn tấn. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ trồng mới 1.100 ha chè, trồng thay thế 1.050 ha, đạt diện tích 23.500 ha, chiếm 85% là cơ cấu giống chè trồng mới, trồng thay thế gồm chè Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn, LDP1, TRI777. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng búp tươi đạt 273.000 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.
Mô hình sản xuất chè an toàn của tỉnh Thái Nguyên.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Những năm gần đây, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu giống, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh. Hầu hết diện tích chè trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế (như: tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, hữu cơ). Sản lượng chè chủ yếu là sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng chè, hiện nay 100% cơ sở chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ứng dụng cơ giới hóa các khâu sao, vò chè.
Song song với đó, các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương, thiết bị bảo quản lạnh), cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất sản phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên đã chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc). Việc chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại các thị trường quốc tế đã giúp doanh nghiệp chè thuận lợi hơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của tỉnh ra thị trường thế giới.
Về dài hạn, để xuất khẩu chè của tỉnh Thái Nguyên ra thị trường thế giới ổn định và phát triển bền vững, cần phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, kiểm soát quá trình canh tác và thu hái. Bên cạnh đó, từng bước thực hiện số hóa trong quản lý sản xuất và thực hiện cấp mã số vùng trồng để giám sát nghiêm ngặt quy trình sản xuất và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp chè luôn cải tiến, hoàn thiện nhà xưởng và công nghệ theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật, từng bước đầu tư, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại, tự động hóa để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chè.
Liên kết sản xuất chè an toàn tại Tuyên Quang, giúp ngành chè gia tăng giá trị xuất khẩu.
Diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt gần 8.800 ha, diện tích cho sản phẩm 7.832 ha, năng suất chè bình quân đạt 85,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 67 nghìn tấn.
Sản phẩm chè Tuyên Quang.
Để ngành chè Tuyên Quang gia tăng giá trị xuất khẩu và mở rộng thị trường, sản xuất chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhất định. Hiện có trên 850 ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia (RA, VietGAP) chiếm 9,5% diện tích chè toàn tỉnh và 24 ha chè được cấp chứng nhận đạt chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, Tuyên Quang có 02 chuỗi liên kết sản xuất chè chính với diện tích chè tham gia chuỗi liên kết trên 1.500 ha, đạt trên 18% diện tích chè toàn tỉnh.
Trong đó, chuỗi liên kết thứ nhất như sau: Các Công ty sản xuất với quy mô lớn gồm 03 Công ty Cổ phần chè là Tân Trào, Mỹ Lâm, Sông Lô cùng thực hiện liên kết sản xuất giữa Công ty với các hộ dân trồng chè trong vùng nguyên liệu, liên kết với các hộ dân có đất đầu tư trồng chè, tiêu thụ chè và xây dựng mô hình liên kết tại các đội sản xuất. Đồng thời, các công ty còn chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xây dựng được thị trường xuất khẩu ổn định.
Chuỗi liên kết thứ hai là: Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất chè đặc sản với quy nhỏ như Công ty chè Núi Kia tăng đầu tư tại xã Hồng Thái; Cơ sở sản xuất chè Luận Kỳ, Cơ sở sản xuất chè Tuyên Thái Liên, Hợp tác xã Trung Long, Hợp tác xã Vĩnh Tân thực hiện liên kết với các hộ trồng chè tại địa bàn để đảm bảo quản lý và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng ngay từ khâu sản xuất.
Như vậy, việc triển khai các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm chè giữa người trồng chè với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và kết quả thực hiện một số mô hình sản xuất thâm canh chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest Alliance đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng chè và doanh nghiệp.
Phát triển sản xuất chè an toàn tại tỉnh Phú Thọ.
Diện tích chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 16.000 ha, đứng thứ 4 về diện tích và thứ 3 về sản lượng chè toàn quốc. Diện tích trồng chè tập trung chủ yếu ở các địa phương: Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ. Năng suất chè toàn tỉnh đạt 118 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm.
Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày, hơn 1.280 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Trong đó, sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%.
Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ được xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh. Nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, ngành chè Phú Thọ đã trồng bổ sung, thay thế nhiều giống chè mới chất lượng ở các vùng quy hoạch của tỉnh để phục vụ cho phát triển chế biến chè xanh.
Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đã có nhiều chính sách của tỉnh hỗ trợ cho sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Phú Thọ. Cụ thể: hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sao, sấy, phân loại trong chế biến chè xanh và chè đen đồng bộ, hiện đại; 14 Hợp tác xã, 18 làng nghề, một trang trại sản xuất, chế biến chè và 897 cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ. Đáng chú ý, một số nhà máy chế biến đã liên kết sản xuất với các HTX, nhóm hộ trồng chè bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Sản phẩm tại các mô hình chè sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, được chứng nhận gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.
Nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào ngành chè, ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng. Nhờ làm tốt từ khâu sản xuất, chế biến, quảng bá thương hiệu, cây chè đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân tỉnh Phú Thọ có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.
Để nguồn cung chè ổn định và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2030, cả nước ổn định khoảng 140.000 ha chè. Theo đó, các địa phương tập trung đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng các vùng chè theo hướng hữu cơ, VietGAP. Các doanh nghiệp đầu tư sâu vào khâu chế biến để tăng giá trị, chất lượng cho sản phẩm chè của Việt Nam.