Nâng cao giá trị cây bơ tại Đắk Nông

Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước. Cây bơ tại Đắk Nông được trồng chủ yếu ở các huyện Đăk Mil, Đăk R’lấp, Đăk Song, Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Nhiều cây được trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ bình quân trong những năm gần đây, mỗi hécta bơ cho thu hoạch từ 300 – 500 triệu đồng/năm.

Bơ booth trồng tại Đắk Nông

Với những thuận lợi về đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn cung bơ ở Đắk Nông đang ngày càng gia tăng, nhiều giống bơ cho trái gần như quanh năm (từ tháng 1 đến tháng 11) và có năng suất cao như bơ Cuba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp. Quả bơ Đắk Nông cho trái to, dẻo, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây bơ đã và đang đem lại nguồn thu lớn cho nông dân Đắk Nông, trồng đến năm thứ 5 có khả năng thu được 25-30 tấn quả/vụ/ha. Trước những tiềm năng và hiệu quả cây bơ mang lại, tỉnh Đắk Nông xác định đây là cây trồng điểm của tỉnh trong thời gian tới.

Diện tích trồng bơ tại Đắk Nông vượt so với quy hoạch.

Nâng cao giá trị cây bơ tại Đắk Nông

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, từ năm 2014 – 2018, diện tích cây bơ tăng đột biến từ 390ha lên đến 2.583ha. Trong đó, 700 ha trồng bơ chuyên canh, còn lại là trồng xen canh với năng suất bình quân 10-15 tấn/ha. Riêng trong năm 2018, sản lượng bơ toàn tỉnh Đắk Nông là 13.116 tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2017. Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo trong năm 2019, sản lượng bơ của tỉnh ước đạt khoảng 23.750 tấn.

Ngay từ năm 2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quy hoạch vùng cây ăn quả, trong đó có cây bơ. Theo đó, đến năm 2020 diện tích bơ trên địa bàn tỉnh là khoảng 5.200 ha, trong đó trồng chuyên canh là 1.200 ha, xen canh 4.000 ha. Quy hoạch này sẽ là căn cứ để tỉnh quản lý chặt chẽ diện tích bơ, tránh tình trạng trồng tràn lan, không kiểm soát được diện tích cũng như chất lượng bơ. Trong dài hạn, tỉnh cũng sẽ chỉ duy trì khoảng 243 hộ trồng chuyên canh, còn lại tập trung trồng xen canh với cây khác nhằm tạo ra vùng đa dạng về cây nông nghiệp. Vì vậy, với diện tích trồng hiện nay, diện tích trồng bơ toàn tỉnh đã vượt 1.390 ha so với quy hoạch.

Giá bơ giảm nhanh trong những năm gần đây.

Diện tích, sản lượng bơ tăng đột biến, song chất lượng không đồng đều, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Giá trị hàng hóa quả bơ còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông dân trồng không theo quy hoạch, quy trình sản xuất chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Do đó, cây bơ của Đắk Nông đang đứng trước rủi ro, thiếu tính bền vững.

Diện tích bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng nhanh cũng khiến thị trường tiêu thụ loại trái cây này gặp nhiều khó khăn, kéo theo giá bơ giảm mạnh. Nếu như trong 5 năm trước, giá bơ booth khoảng 90.000- 120.000 đồng/kg thì trong 2 năm gần đây, giá bơ đã giảm mạnh xuống chỉ còn 50.000- 60.000 đồng/kg. Hiện phần lớn bơ mới chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, mới có một số ít đơn hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan hay Australia.

Trước lo ngại về tình trạng cung vượt cầu, tỉnh Đắk Nông xác định sẽ tìm mọi giải pháp để hạn chế triệt để tình trạng này bằng cách xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ mang tính dài hạn.

Về sản xuất, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh sẽ tổ chức và hỗ trợ bà con nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGap vào trồng và chăm sóc bơ để đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt. Sau khi có sản phẩm và được chứng nhận, bơ sẽ được tiến hành đăng ký nhãn hiệu kèm theo chỉ dẫn địa lý để bảo hộ. Xây dựng chuỗi giá trị dựa trên các mối liên kết bền vững giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến nhằm bảo đảm đầu ra và đa dạng sản phẩm từ bơ.

Đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản tại tỉnh, bên cạnh những cơ chế chung như miễn giảm giá thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng không quá 3 tỷ đồng/dự án; đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn lao động không quá 1 tỷ đồng/dự án với điều kiện tuyển lao động địa phương, hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay từ 4-5 năm, hỗ trợ tiếp cận thị trường, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện thủ tục hành chính miễn phí cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án.

So với cây trồng khác, bơ vẫn là loại cây cho thu nhập cao. Tuy nhiên, xét về lâu dài, nếu không có thị trường tiêu thụ ổn định thì sẽ tiếp diễn tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt trong bối cảnh những năm tới đây diện tích trồng bơ cho thu hoạch tăng mạnh bởi những năm qua người dân đầu tư trồng nhiều loại cây này. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc nâng cao chất lượng cây bơ bằng các giải pháp kỹ thuật, áp dụng mô hình trồng hữu cơ, VietGAP, cải thiện khâu giống, để quả bơ có thể trở thành thế mạnh xuất khẩu và thâm nhập các thị trường khó tính, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng trồng, người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, Việt Nam cần tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng, năng suất cao, đặc biệt có chiến lược quảng bá tiếp thị hiệu quả.

© Tuyên bố bản quyền