Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho mật ong Việt Nam.
Mật ong là một loại nông sản đặc trưng miền núi. Việt Nam có điều kiện khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho hệ sinh thái thực vật và sự phát triển của ngành chăn nuôi ong lấy mật. Vùng sản xuất mật ong của nước ta tập trung ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Cây nguồn mật chính là cao su, tràm, cà phê, điều, vải, nhãn, keo, bạch đàn, bạc hà. Theo ước tính của Hội Nuôi ong Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng gần 1.200 nghìn đàn ong với gần 40 nghìn hộ dân tham gia nuôi ong, trong đó có khoảng 6.000 hộ nuôi ong chuyên nghiệp.
Hiện nay, nghề chăn nuôi ong tại hầu hết các tỉnh đang dần chuyển từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung với số lượng lớn. Số lượng đàn ong được nuôi tại một hộ đạt từ 50 – 100 đàn, thậm chí lên tới 500 – 600 đàn như ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Đắc Lắc, Đồng Nai, Vũng Tàu. Tại nhiều địa phương đã hình thành các mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã hoạt động rất có hiệu quả. Thông qua mô hình, người nuôi ong có sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để giúp nhau nhân rộng đàn ong. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm tạo ra từ ong mật như mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, phấn hoa được nâng lên. Một số tỉnh đã quan tâm xây dựng được thương hiệu đối với sản phẩm ong trên địa bàn và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Mật ong xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh được công nhận đạt OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.
Mật ong của Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm dao động từ 70 – 100 triệu USD, sản lượng bình quân đạt 57 nghìn tấn/năm. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong trong năm 2022 đạt 61,064 triệu USD, với ba chủng loại là mật ong tự nhiên, sữa ong chúa và bột dinh dưỡng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mật ong tự nhiên có giá trị lớn nhất, đạt 58,084 triệu USD, chiếm tỷ trọng 95,12%. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu mật ong lớn nhất trong năm 2022, với kim ngạch đạt 32,042 triệu USD, chiếm tỷ trọng 52,47%. Nhìn chung, mật ong của Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ – một thị trường tiêu thụ mật ong rất quan trọng trong nhiều năm qua.
Mỹ là thị trường có nhu cầu nhập khẩu mật ong hàng đầu thế giới. Theo số liệu từ ITC, trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu mật ong của Mỹ đạt 140,10 triệu USD, tăng 1,37% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ mật ong tại thị trường Mỹ tăng do người tiêu dùng tại nước này đang có xu hướng sử dụng mật ong như là một nguyên liệu lành mạnh để thay thế đường, giàu khả năng chống oxy hóa góp phần giảm lượng cholesterol xấu và huyết áp. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm mật ong ngày càng tăng nhờ nhu cầu từ ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân nước này.
Tuy nhiên, về lâu dài, ngành mật ong Việt Nam cần có những giải pháp để sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường xuất khẩu. Với các hộ nuôi ong, cần chăm sóc kỹ đàn ong, chuyển sang chế độ nuôi hiện đại để tạo sản phẩm chất lượng, bảo đảm yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.