Mở rộng tầm ảnh hưởng của sản phẩm tôm Kh Rạch Gốc (Cà Mau)
Ngọc Hiển là huyện có nhiều cơ sở sản xuất tôm khô nhất của tỉnh Cà Mau, với 25 cơ sở quy mô lớn, nhỏ, cung cấp ra thị trường từ 20 – 30 tấn tôm khô mỗi tháng. Với thương hiệu tôm khô Rạch Gốc đã được công nhận, thời gian qua, nhiều HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã đầu tư máy móc nhằm nâng cao chất lượng tôm khô cũng như đa dạng hóa các sản phẩm tôm, thực hiện liên kết trong sản xuất nhằm đưa sản phẩm tôm khô Rạch Gốc vươn xa.
Tôm khô Rạch Gốc – đặc sản của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Năm 2011, tôm khô Rạch Gốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đó đến nay, nghề làm tôm khô Rạch Gốc ngày càng phát triển, người dân đã bắt đầu đa dạng các loại sản phẩm từ con tôm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm khô Rạch Gốc.
Việc xây dựng thương hiệu tôm khô ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay người dân đã biết cải tiến quy trình sản xuất, quy mô sản xuất cũng như mở rộng thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất ở Rạch Gốc đã đầu tư máy sấy, máy bóc vỏ, máy phân cỡ… để sản xuất tôm khô. Tôm khô hiện tại có nhiều loại và giá dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg tùy theo kích thước tôm.
Huyện Ngọc Hiển có khoảng 25 cơ sở sản xuất tôm khô, mỗi tháng sản xuất từ 20 – 30 tấn tôm khô, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm khô Rạch Gốc phần lớn là thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, ngoài ra sản phẩm tôm khô Rạch Gốc còn có mặt trong mạng lưới các siêu thị trên toàn quốc. Trong đó, có 6 cơ sở và 01 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc.
Để khuyến khích mở rộng ngành nghề sản xuất tôm khô, giải quyết nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, tỉnh Cà Mau đang có chủ trương phát triển nghề làm tôm khô thành nghề truyền thống và có thương hiệu, trong đó dự kiến mỗi năm cung cấp cho thị trường ít nhất 50 tấn sản phẩm.
Các cơ sở sản xuất điển hình đưa thương hiệu tôm khô Rạch Gốc vươn xa.
Thương hiệu tôm khô Rạch Gốc đang ngày càng được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng nhờ chất lượng tốt, đa dạng chủng loại. Chính sự độc đáo của con tôm khô Rạch Gốc đã tạo động lực cho các cơ sở sản xuất tôm khô trên địa bàn huyện Ngọc Hiển không ngừng nâng cao chất lượng, tạo ra thương hiệu, phát huy sáng kiến trong bảo quản, chế biến sản phẩm từ tôm, trong đó nổi bật là Hợp tác xã sản xuất tôm khô Tân Lợi Phát và cơ sở tôm khô Chí Tâm.
Đối với Hợp tác xã (HTX) sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi, xuất phát từ những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm tôm khô sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX tập trung đầu tư mua máy móc, thiết bị sản xuất, đổi mới công nghệ, cùng với đó là đầu tư xây dựng nhiều cửa hàng bách hóa trên địa bàn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Sản phẩm tôm khô của HTX tôm khô Tân Phát Lợi đã có mặt trên hệ thống siêu thị, chợ đầu mối và các điểm bán trong và ngoài tỉnh như: Saigon Co.op, Oramica, Công ty Thực phẩm 3 miền, Công ty Hải sản Kim Huệ, chợ đầu mối Bình Điền và nhiều điểm bán hàng khác. Hiện trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng 300 kg tôm khô thành phẩm, dịp Tết khoảng 500 kg/ngày.
Đối với cơ sở tôm khô Chí Tâm, để xây dựng thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, cơ sở đã đăng ký bảo hộ sản phẩm để nâng cao giá trị tôm khô biển và cho ra đời thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, nhãn hiệu cơ sở Chí Tâm.
Theo đó, cơ sở tôm khô Chí Tâm đã đầu tư đổi mới, cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất như: Máy rửa tôm tự động, máy sấy tôm, máy sàng thổi phân cỡ, máy đập, máy ép chân không, máy phơi tôm bằng năng lượng mặt trời và hệ thống luộc tôm bằng nồi áp suất, công suất 2,5 tấn tôm/giờ… Nhờ đó, mỗi năm cơ sở tôm khô Chí Tâm cung cấp ra thị trường vài chục tấn tôm khô biển, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Trong thời gian tới, cơ sở tôm khô Chí Tâm sẽ đầu tư hệ thống sản xuất với quy trình khép kín nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đưa sản phẩm tôm khô của cơ sở đạt chuẩn trong Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở thu mua nguyên liệu tươi, công ty kinh doanh, xuất khẩu thủy sản nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị tôm khô Rạch Gốc.