Mật ong bạc H – Đặc sản độc đáo của tỉnh Hà Giang

Mật ong hoa bạc hà Mèo Vạc là đặc sản quý hiếm chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có loài hoa bạc hà tím biếc tỏa hương thơm dịu nhẹ. Từ lâu, mật ong bạc hà Mèo Vạc đã được nhiều người biết đến bởi những dược tính đặc biệt của nó. Đó là khả năng bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đau dạ dày, làm đẹp da.

Hà Giang là tỉnh có khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nguồn mật bạc hà dại, bao gồm các xã trong khu vực gắn liền với cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều núi đá vôi. Địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đá, thung lũng sông suối. Độ cao trung bình của khu vực này từ 1.000m đến 1.600m, về thổ nhưỡng, khu vực này có loại đất núi đá, tầng mặt có kết cấu tơi xốp và thoát nước tốt, đất nghèo chất hữu cơ và ẩm, phù hợp với đặc điểm sinh vật học của cây nguồn mật bạc hà. Về khí hậu, nơi đây có lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 10 từ 1.200mm đến 1.600mm thích hợp với thời gian sinh trưởng của cây nguồn mật bạc hà mọc từ tháng Bảy và bắt đầu ra hoa từ tháng 10.

Những điều kiện tự nhiên nói trên đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nguồn mật bạc hà là yếu tố tiên quyết để có được sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc. Ngoài ra, do tính chất đặc thù của nghề nuôi ong tại cao nguyên đá Đồng Văn có tính chất thời vụ, do đó quy trình kỹ thuật nuôi ong lấy mật được xây dựng dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa các kiến thức bản địa và các kỹ thuật nuôi ong tiên tiến đang áp dụng tại Việt Nam cũng góp phần đảm bảo duy trì tính ổn định về chất lượng của sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc.

Quy trình này có các quy định chính, khác với các quy trình nuôi ong khác như: Chỉ sử dụng giống ong nội hay còn gọi là ong châu Á; các biện pháp phòng chống bệnh cho ong tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh và để đảm bảo tỷ lệ thủy phần đã được quy định, việc quay mật không dựa trên tần suất quay thông thường mà phải căn cứ vào độ vít nắp của cầu mật (từ 95%). Với tính chất quý hiếm và đặc trưng nói trên cùng với việc gắn liền với vùng đất cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng, có thể nói mật ong bạc hà Mèo Vạc không chỉ là niềm tự hào của riêng tỉnh Hà Giang mà còn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Mật ong bạc hà Mèo Vạc có vị thơm đặc biệt, ngọt khé, có màu sắc từ vàng đỏ đến vàng chanh, không bị biến đổi màu theo thời gian. Sản phẩm tồn tại dưới dạng lỏng hoặc kết tinh nếu bảo quản lâu ngày.

Tác dụng tuyệt vời của mật ong bạc hà

Mật ong bạc hà là loại đặc sản quý, món quà tự nhiên ban tặng cho vùng đất Mèo Vạc – Hà Giang, mang trong mình hương vị của cao nguyên đá, tinh túy thảo dược vùng cao. Bản thân là mật ong, mật ong bạc hà đã có nhiều công hiệu, nhưng còn nhiều tác dụng chữa bệnh hơn nữa khi chiết suất từ hoa bạc hà:

– Bồi bổ sức khỏe cho người già, trẻ em, người bệnh, người mới ốm dậy, phụ nữ có thai và sau khi sinh nở, giữ cho thân hình khỏe mạnh tăng cường sinh lực, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh viêm họng, hô hấp, ho lao, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, viêm loét dạ dày, đại tràng, suy nhược cơ thể.

– Dùng hàng ngày giúp tăng sức đề kháng, chống nhiễm lạnh vào mùa đông. Đặc biệt hiệu quả trong việc chữa ho, viêm họng cho trẻ em.

– Dùng trước bữa ăn cho người muốn giảm cân.

– Mật ong bạc hà dùng để làm đẹp mang lại hiệu quả tốt. Đặc biệt mặt nạ được làm từ mật ong bạc hà giúp cấp ẩm, dưỡng da.

Tình hình nuôi ong mật tại Hà Giang

Trên địa bàn Hà Giang, nghề nuôi ong khai thác mật được phát triển ở hầu hết các huyện, thành phố. Riêng mật ong bạc hà chỉ phát triển duy nhất tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn, vì cây hoa bạc hà chỉ phát triển duy nhất tại vùng này.

Xác định được thế mạnh từ nghề nuôi ong lấy mật hoa cây bạc hà, tỉnh đã ưu tiên tập trung phát triển đàn ong giai đoạn 2016 – 2020. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Hà Giang đã xác định: Tập trung phát triển cây trồng mũi nhọn như: cam, chè, cây dược liệu và đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò và phát triển đàn ong theo hướng hàng hóa.

Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2017, tại 4 huyện vùng cao nguyên đá đã có 33.251 đàn ong với 2.522 tổ chức, cá nhân phát triển nuôi ong mật bạc hà, tổng sản lượng mật đạt 194.473 lít. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và cấp 115.500 tem thông minh truy xuất nguồn gốc cho 3 đơn vị thuộc Hội sản xuất và kinh doanh mật ong bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực triển khai thực hiện quảng bá sản phẩm mật ong bạc hà. Vì vậy, sản phẩm mật ong bạc hà của Hà Giang đã được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng.

Áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất

Với sự chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học, mật ong Bạc Hà của vùng cao nguyên đá Hà Giang đã và đang nâng cao chất lượng, đạt được những chỉ tiêu về chất lượng theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là chỉ tiêu về hàm lượng nước.

Mật ong Bạc Hà vùng cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong số 20 loại mật đa hoa chính của Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy một số tiêu chuẩn cơ bản của mật ong đều đáp ứng các tiêu chuẩn của mật ong quốc tế.

Điều đáng tiếc là cách thức lấy mật, sản xuất, bảo quản truyền thống đã bộc lộ nhiều nhược điểm khiến cho chất lượng và giá trị mật ong chưa được đảm bảo. Ví dụ, sản phẩm mật ong Bạc Hà sau khi vắt từ tổ được đóng gói và sử dụng luôn, trong sản phẩm còn lẫn nhiều tạp chất lơ lửng như sáp ong. Mặt khác, hàm lượng nước trong mật ong còn khá cao, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Một số mẫu mật ong bị lên men do các yếu tố nội sinh và ngoại lai, gây giảm chất lượng mật ong. Đây là nguy cơ rất lớn, có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Mật ong Bạc Hà.

Đứng trước những vấn đề đó, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ và thiết kế chế tạo thiết bị hạ thủy phần, giúp nâng cao chất lượng, giá trị mật ong bạc hà Cao nguyên đá Hà Giang.

Một số khó khăn tác động đến nghề nuôi ong

Hà Giang đã xác định phát triển đàn ong nội, lấy mật tự nhiên và cây hoa Bạc hà trở thành nguồn nguyên liệu chính cung cấp mật cho đàn ong. Thời gian khai thác mật ong Bạc hà chính vụ ở các huyện Cao nguyên đá từ tháng 11 – 12 hàng năm, thời điểm này thường xảy ra rét đậm, dẫn đến số lượng mật thu được không nhiều, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Hơn nữa, sản phẩm này đang phải cạnh tranh với các dòng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng trên thị trường.

Mật ong bạc H – Đặc sản độc đáo của tỉnh Hà Giang

Thương hiệu mật ong Bạc hà khá nổi tiếng trên thị trường nên nhiều hộ vì lợi nhuận trước mắt không thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất mật ong Bạc hà. Điều này dẫn đến chất lượng mật kém và hiện tượng trà trộn mật còn xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mật ong Bạc hà.

Hơn nữa, quá trình xâm nhập của các đàn ong ngoại cũng gây khó khăn cho người nuôi ong địa phương.

Đặc biệt, Bạc hà rất khó mở rộng diện tích do cây mọc tự nhiên, phân bố hẹp và phụ thuộc lớn vào khí hậu, thời tiết. Chính yếu tố khí hậu, thời tiết và dịch bệnh hàng năm diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu tư, phát triển bền vững nghề nuôi ong.

Giải pháp bảo tồn và đẩy mạnh nghề nuôi ong tại Mèo Vạc – Hà Giang

Trong những năm qua việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được tỉnh Hà Giang triển khai quyết liệt. Việc được chứng nhận chỉ dẫn địa lý sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho người sản xuất mật ong bạc hà Mèo Vạc đẩy mạnh chất lượng và đưa sản phẩm tới thị trường.

Chỉ dẫn địa lý giúp mật ong bạc hà Mèo Vạc được bảo hộ và thẩm định theo quy trình từ sản xuất thu hoạch, đóng chai và lưu thông đảm bảo khoa học. Nhờ vậy, sản phẩm luôn giữ được chất lượng và có điều kiện để phát triển.

Để gìn giữ thương hiệu và phát triển sản xuất mật ong Bạc Hà, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để người nuôi ong, doanh nghiệp nuôi ong được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Từ hình thức nuôi quảng canh, tự phát, người dân đã dần có ý thức nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài việc khuyến khích phát triển, các ngành chức năng còn tổ chức cho cán bộ khuyến nông đến tận thôn bản phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho người dân, hướng dẫn họ chuyển đổi kỹ thuật.

Hiện nay, huyện Mèo Vạc còn tiếp tục xây dựng dự án chế biến mật ong thành sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu mật ong bạc hà vùng cao, huyện Mèo Vạc đã thực hiện nghiêm kế hoạch bảo tồn và phát triển đàn ong nội.

Theo đó, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo Chi hội nuôi ong của huyện nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo tồn và phát triển đàn ong nội. Các hội viên nuôi ong đã đồng ý đóng góp kinh phí để thuê toàn bộ diện tích đất có cây hoa bạc hà cho vụ sản xuất mật ong. Dự kiến niên vụ nuôi ong tiếp theo sẽ phát triển 12 nghìn đàn ong, tăng 1.000 đàn so với niên vụ trước.

Huyện Mèo Vạc cũng tiến hành thành lập và vận động 100% số hộ nuôi ong tham gia hợp tác xã.

Trong khi đó, tỉnh Hà Giang chỉ đạo các xã, thôn bản tiến hành họp dân ký cam kết không cho các đơn vị, cá nhân đưa ong ngoại vào nuôi trên địa bàn.

Sở NN&PTNT Hà Giang ban hành ngay hướng dẫn, quy trình kỹ thuật cho các hộ nuôi ong nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm mật ong đồng nhất.

© Tuyên bố bản quyền