Long An tăng cường xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương.

Tỉnh Long An đã và đang hình thành nhiều khu, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, tỉnh đã liên kết, hợp tác, trao đổi, kết nối tiêu thụ nông sản. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong đó lúa là cây chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng hơn 500.000 ha, sản lượng 2,7-2,8 triệu tấn/năm; thanh long với diện tích 11.700 ha, sản lượng gần 310.000 tấn; chanh không hạt với diện tích trồng gần 10.000 ha, sản lượng trên 156.000 tấn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 1.320 ha áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất lúa, rau, quả và chăn nuôi thủy sản.

Một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Long An.

Gạo Nàng Thơm Chợ Đào.

Gạo Nàng Thơm Chợ Đào là thương hiệu gạo nổi tiếng ở Chợ Đào, thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Lệ được độc quyền nhãn hiệu này.

Thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền nhãn hiệu hàng hóa tháng 10/2005. Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào” với thời hạn 10 năm vào tháng 4/2014.

Long An tăng cường xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương.

Gạo Nàng Thơm Chợ Đào.

Diện tích trồng lúa Nàng Thơm khoảng 600 ha, được trồng nhiều ở khu vực ấp Cầu Chùa, Vạn Phước, Cầu Làng, Rạch Đào, Chợ Mỹ, xã Mỹ Lệ, nhưng tập trung nhiều nhất tại ấp Cầu Chùa với diện tích khoảng 200 ha và được xem là Nàng Thơm loại 1.

Lúa Nàng Thơm Chợ Đào gieo vào tháng 6, tháng 7 hàng năm, đến khoảng 21 – 22 tháng Chạp âm lịch thì trổ bông. Loại lúa này có chiều cao gấp đôi cây lúa bình thường với chu kỳ sinh trưởng 170 – 185 ngày. Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa Nàng Thơm Chợ Đào theo hướng liên kết 4 nhà được đông đảo nông dân hưởng ứng và tham gia. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp các ngành chức năng mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân. Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng trồng lúa, đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, chuyển giao kỹ thuật, liên kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện để khôi phục chất lượng và thương hiệu lúa Nàng Thơm Chợ Đào, hướng đến xây dựng vùng lúa Nàng Thơm Chợ Đào đặc sản.

Chanh không hạt Bến Lức.

Bến Lức có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển cây chanh không hạt. Cây chanh không hạt, có tên gọi là chanh giấy hay chanh gai, được trồng tập trung ở các xã Thạch Hòa, Thạch Lợi, Hưng Hòa.

Xác định cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các xã vùng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế, các ngành chuyên môn ở huyện Bến Lức đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, chủ trương hướng người dân vào sản xuất kinh tế hợp tác. Năm 2011, huyện Bến Lức đã xây dựng thương hiệu độc quyền chanh Bến Lức. Chính quyền địa phương và các cấp, các ngành trong huyện cũng đã xúc tiến tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cây chanh, mở rộng các mối quan hệ hợp tác đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đến đặt các cơ sở thu mua, chế biến trái chanh trên địa bàn huyện.

Tháng 10/2013, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể chanh Bến Lức Long An cho tổ hợp tác sản xuất chanh Thạnh Hòa.

Năm 2014, huyện Bến Lức đã chính thức thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa, mở hướng đi mới cho cây chanh Bến Lức, phát triển quy mô diện tích chanh không hạt, xây dựng vùng chuyên canh, định hướng phát triển mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Thị trường tiêu thụ trái chanh trên địa bàn huyện khá phong phú như tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, các nước Trung Đông và các quốc gia trong khu vực.

Tỉnh Long An đề ra mục tiêu phát triển diện tích cây chanh đến năm 2020 là khoảng 10.000 ha, trong đó, huyện Bến Lức xác định mở rộng diện tích cây chanh lên 5.000 ha, chủ yếu là chanh không hạt, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng kinh tế tập thể, giúp nông dân có đầu ra ổn định, đưa sản phẩm chanh Bến Lức đến với thị trường thế giới. Đồng thời, huyện Bến Lức cũng sẽ nỗ lực tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Mục tiêu là hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, mô hình chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm chanh an toàn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện bền vững.

Rượu đế Gò Đen Long An.

Rượu đế Gò Đen, thường được gọi tắt là Đế Gò Đen, là một loại rượu được nấu từ gạo nếp mỡ hoặc nếp than, theo phương pháp cổ truyền, sản xuất ở địa danh Gò Đen, Bến Lức, tỉnh Long An. Rượu đế Gò Đen ngày nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và được người dân khắp nơi trong cả nước lựa chọn.

Điểm nổi bật của rượu đế Gò Đen là rượu được làm 100% từ nếp và men gia truyền, đảm bảo độ nguyên chất tuyệt đối với người sử dụng, không cồn, uống thơm, ngon, không đau đầu. Rượu để càng lâu càng trong và uống càng ngon. Trong quy trình nấu rượu của người dân Gò Đen, chọn nếp là bước quan trọng đầu tiên. Muốn được rượu trong thì nếp phải rặt, tuyệt đối không được lẫn lộn hạt gạo nào. Người dân Gò Đen nấu rượu thường chọn những loại nếp hạt tròn, mẩy, có mùi thơm, trắng đục đều. Loại nếp được chọn thường là nếp mỡ, nếp mù u hay nếp than đen được trồng tại địa phương. Sau khi chọn nếp ngon nấu thành cơm, để nguội thì rắc men vào ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc như quế khấu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương.

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Rượu đế Gò Đen Long An cho Hội sản xuất rượu đế Gò Đen tỉnh Long An.

Nguồn: VITIC tổng hợp.

© Tuyên bố bản quyền