Khởi động dự án thúc đẩy việc áp dụng giải pháp sinh học trong bảo vệ thực vật.
Việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên kiểm soát sinh vật gây hại là tiền đề quan trọng xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ruộng sạch, lúa khỏe nhờ thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Đào tạo kiến thức về thuốc BVTV sinh học cho 40.000 nông dân
Những vườn sầu riêng sạch bệnh bằng giải pháp sinh học
Thúc đẩy ứng dụng các giải pháp sinh học
Ngày 6/5, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức hội thảo khởi động dự án TCP/RAS/3907 nâng cao năng lực của Chính phủ và các bên liên quan nhằm tăng năng suất cây trồng, xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên ở Việt Nam.
Dự án được triển khai từ tháng 3 đến 31/12/2025 tại Hà Nội, TP.HCM, Bạc Liêu, Nam Định.
Mục tiêu của dự án là khai thác tiềm năng các giải pháp dựa vào tự nhiên, tạo cơ hội và giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những thách thức, khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra, bao gồm sự bùng phát của các loài sinh vật gây hại cây trồng và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Qua đó, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội thảo.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, đăng ký, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tác nhân kiểm soát sinh học và chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật góp phần giảm phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Bên cạnh đó, triển khai các mô hình canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp các giải pháp dựa vào tự nhiên tại vùng dự án nhằm nâng cao giá trị kinh tế và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc biệt là lúa gạo. Thúc đẩy áp dụng rộng rãi các biện pháp quản lý sinh vật gây hại cây trồng hiệu quả, an toàn, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người, hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, tập huấn, phổ biến kiến thức về vai trò, lợi ích của giải pháp dựa vào tự nhiên trong bảo vệ cây trồng và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các cơ quan quản lý, tổ chức liên quan, cộng đồng nông dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang hệ thống quản lý sinh vật gây hại bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Các giải pháp sinh học đang được nông dân tích cực áp dụng, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Dự án hướng tới 3 nhóm kết quả: Một là tăng cường năng lực đăng ký thuốc bảo vệ thực vật và thực thi các quy định liên quan với trọng tâm là các giải pháp dựa vào tự nhiên trong bảo vệ cây trồng. Hai là nâng cao năng lực quốc gia trong phòng, chống các loài sinh vật gây hại cây trồng xâm lấn chính trong bối cảnh biến đổi khí hậu thông qua việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên. Ba là nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng về việc giảm thiểu rủi ro từ thuốc bảo vệ thực vật; khuyến khích lựa chọn, sử dụng sản phẩm bảo vệ cây trồng an toàn, tăng cường khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Giảm thiểu rủi ro từ hóa chất bảo vệ thực vật
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý sâu bệnh gây hại vẫn chủ yếu dựa vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Việc lạm dụng các hóa chất độc hại không chỉ làm suy thoái môi trường, ô nhiễm đất, nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.
Mặc dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và các giải pháp thân thiện với môi trường, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm thời gian cách ly vẫn phổ biến, gây ra những hậu quả như ô nhiễm môi trường, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trừ sinh vật hại cây ăn quả.
Bên cạnh đó, việc sản xuất và ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế do nhiều rào cản như: Hạn chế trong nghiên cứu, sản xuất, đăng ký, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; thiếu cơ sở hạ tầng và năng lực kỹ thuật trong việc phát triển các tác nhân kiểm soát sinh học; thiếu đồng bộ trong hệ thống phòng thí nghiệm, cơ sở chẩn đoán, sản xuất chế phẩm sinh học ở quy mô lớn; đội ngũ cán bộ quản lý, nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để triển khai các giải pháp sinh học một cách hiệu quả. Ngoài ra, nhận thức về vai trò và lợi ích của các biện pháp dựa vào tự nhiên trong quản lý sinh vật gây hại và ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn hạn chế cả ở cấp cộng đồng lẫn nhà hoạch định chính sách.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần nâng cao nhận thức, thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững, xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các giải pháp thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Dự án sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những thách thức nêu trên và hướng tới tăng cường năng lực của Chính phủ, các bên liên quan trong việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên.
Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá, biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất, con người. Các dịch hại xuyên biên giới ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc lạm dụng các thuốc bảo vệ thực vật hóa học để ngăn chặn dịch hại đang gây ra những hệ lụy cho môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt tại các khu vực nông thôn – nơi nông dân còn hạn chế về nhận thức và thiếu lựa chọn thay thế an toàn.
Theo ông Nguyễn Song Hà, FAO sẽ tích cực hỗ trợ xây dựng, triển khai các giải pháp dựa vào tự nhiên trong quản lý sinh vật gây hại tại Việt Nam.
Vì vậy, trong khuôn khổ dự án lần này, FAO sẽ hỗ trợ cung cấp đội ngũ chuyên gia kỹ thuật có chuyên môn cao để hướng dẫn, tư vấn xây dựng, triển khai các giải pháp dựa vào tự nhiên trong quản lý sinh vật gây hại và sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Hỗ trợ này bao gồm tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, kỹ thuật viên và nông dân về các phương pháp tiếp cận sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp cũng như sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tác nhân kiểm soát sinh học và các chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật.
Đồng thời, FAO sẽ hỗ trợ rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định liên quan đến đăng ký, quản lý thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng khung pháp lý, chiến lược hành động phù hợp với bối cảnh và nhu cầu thực tế tại Việt Nam.
Thông qua dự án, nông dân sẽ nâng cao nhận thức và năng lực trong việc ứng dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để bảo vệ cây trồng, bao gồm cả việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bẫy pheromone, bả protein và các chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật khác. Những giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro từ hóa chất bảo vệ thực vật mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm.