Khám phá tiềm năng và thế mạnh, phát triển đặc sản của tỉnh Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn đang khuyến khích đẩy mạnh trồng các loại cây đặc sản, tạo vùng sản xuất hàng hóa quy mô hơn đối với các loại quả đã được cấp nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý như hồng không hạt, cam, quýt. Để các sản phẩm này phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị nông sản, cần thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh để mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt các cơ hội, mở rộng giao lưu, liên doanh, liên kết, quảng bá sản phẩm và khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Bắc Kạn với nhiều đặc sản đã được cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ.

Tính đến tháng 9/2018, tỉnh Bắc Kạn có 5 sản phẩm được cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 2 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và 3 sản phẩm được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh như quýt, hồng không hạt, miến dong, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, gạo Bao thai được cấp nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, dần trở thành hàng hóa và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm.

Bí xanh thơm cũng là một nông sản đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được trồng thâm canh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Riêng huyện Ba Bể năm 2018 trồng khoảng 60 ha bí xanh thơm, sản lượng ước đạt 2.464 tấn. Cũng như một số loại quả khác, diện tích và sản lượng tăng dẫn tới việc tiêu thụ khó khăn, đến thời điểm này lượng bí xanh còn tồn khá nhiều. Nhiều hộ dân trồng bí xanh thơm vẫn đang tìm cách tiêu thụ sản phẩm và cùng đó là nỗi lo được mùa mất giá.

Với diện tích trồng khoảng 2.832 ha, cây cam, quýt được coi là nông sản hàng hóa mũi nhọn của tỉnh. Có chỉ dẫn địa lý và quy hoạch vùng trồng cam quýt, song vấn đề tiêu thụ sản phẩm là nỗi lo không chỉ của người dân. Năm 2018 dự kiến diện tích cam, quýt cho thu hoạch toàn tỉnh là 2.100 ha, sản lượng ước đạt trên 16.800 tấn.

Tổng diện tích hồng không hạt trên toàn tỉnh đến nay là 689 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 495 ha, sản lượng ước đạt 2.123 tấn/năm; diện tích trồng lúa Bao thai là 10.500 ha, sản lượng ước đạt 46.000 tấn thóc, 32.000 tấn gạo. Diện tích và sản lượng tăng dần theo từng năm, nhưng hoạt động tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu do người dân thống nhất với thương nhân, chưa có đơn vị đăng ký thu mua với số lượng lớn, tiêu thụ kém ổn định. Do vậy, tỉnh đang có một số biện pháp để giải quyết tiêu thụ sản phẩm cam, quýt, hồng cho người dân.

Hồng không hạt

Hồng không hạt Bắc Kạn là cây bản địa, có nguồn gen quý hiếm, được trồng ở vùng đất đặc thù về địa lý, sinh thái, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn, cộng với kinh nghiệm canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số đã làm cho hồng không hạt có chất lượng ngon có tiếng, đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Cách gọi Hồng không hạt là nói tới điểm đặc biệt của loại quả này là không có hạt do nhân của hạt bị thoái hóa, trong như thạch, vì vậy, không như các giống hồng khác, khi ăn, hồng không hạt Bắc Kạn có độ giòn, vỏ màu vàng, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất bảo quản. Phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, hồng không hạt Bắc Kạn được coi là cây xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Hồng không hạt được trồng ở xã Quảng Khê đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong những năm gần đây. Nhận thấy cây hồng không hạt là loại cây đặc sản thế mạnh của địa phương, thực hiện chủ trương của huyện, xã đã khuyến khích bà con phát triển mở rộng diện tích, mỗi năm trồng mới trên 10 ha. Tính đến nay, xã Quảng Khê có 35,6 ha hồng không hạt, diện tích cho thu hoạch là 12 ha.

Tại huyện Ba Bể hiện nay có 262 ha hồng không hạt, trong đó diện tích cho thu hoạch là 205 ha, sản lượng ước đạt 820 tấn. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 phấn đấu đạt diện tích 500 ha, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa loại cây trồng thế mạnh này.

Chợ Đồn cũng là đất trồng hồng của tỉnh với diện tích 169 ha. Cây hồng đã mang lại thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng mỗi vụ cho hộ trồng hồng tại các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc. Nhiều hộ nông dân tại các địa phương này đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng hồng, phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, huyện Chợ Đồn định hướng phát triển sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích 20 ha, đồng thời tập trung cải tạo, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế diện tích hồng không hạt hiện có.

Hiện đã có hơn 3 ha hồng không hạt của HTX Tân Phong tại xã Quảng Bạch được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã này còn ươm giống, cung ứng dịch vụ, bao tiêu quả hồng cho bà con và dự kiến đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm từ hồng không hạt Bắc Kạn. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho cây hồng không hạt của địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 689 ha hồng không hạt, được trồng chủ yếu ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, diện tích cho thu hoạch khoảng 495 ha, sản lượng ước đạt 2.123 tấn.

Năm 2018 tỉnh Bắc Kạn trồng mới 100 ha hồng không hạt tại Chợ Đồn và Ba Bể (mỗi huyện 50 ha) và thực hiện cải tạo, thâm canh, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận VietGAP 50 ha tại các huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn và Ba Bể.

Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh trồng hồng không hạt, tạo vùng sản xuất hàng hóa quy mô hơn, tăng cường quảng bá thương hiệu, giúp người dân làm giàu từ loại nông sản đặc trưng này.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều biện pháp tích cực đối với phát triển hồng không hạt như quy hoạch không gian bảo tồn và phát triển, ban hành chính sách khuyến khích nông dân phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng. Tỉnh Bắc Kạn đang khuyến khích người dân ở vùng quy hoạch trồng hồng là Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn trồng hồng với chính sách cụ thể nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn hơn, đồng thời tăng cường quảng bá nông sản này, làm cho người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.

Thành lập mới các chi hội ở các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn nhằm tập hợp những người có nhiều diện tích, có kinh nghiệm và ưa thích trồng hồng. Từ đó, sẽ khai thác tốt hơn lợi thế về khí hậu, chất đất đặc thù, mang lại thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, tiến tới làm giàu cho nông dân trồng hồng không hạt.

Để bảo tồn nguồn gen quý cây hồng không hạt, cần tuyển chọn những cây hồng đầu dòng, cây ưu tú ở các địa phương, những cây sinh trưởng khỏe, không sâu bệnh, chất lượng đặc trưng, để lấy mắt ghép sẽ cho năng suất cao, ổn định.

Quýt Bắc Kạn

Trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, nhân dân xã Quang Thuận (Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã bắt đầu vào vụ thu hoạch quýt.

Xã Quang Thuận hiện có trên 550 ha cam, quýt; trong đó khoảng 500 ha cho thu hoạch. Theo đánh giá, vụ quýt năm nay chất lượng quả khá đồng đều, sản lượng thấp hơn so với năm 2017. Giá thu mua hiện đạt từ 8.000 – 13.000 đồng/kg, cao hơn so với năm 2017, nhưng so với những năm trước thì vẫn thấp hơn.

Quýt Bắc Kạn có quả to, vỏ mỏng, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, không nát, nhiều nước, khi chín vị chua dịu, mùi hương rất thơm. Trong quá trình sản xuất bà con nông dân không dùng chất kích thích và hóa chất bảo quản sau thu hoạch, nên là loại sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trước đây, việc trồng và chăm sóc cây quýt ở Bắc Kạn chỉ dừng lại ở việc tự phát, do đó dù là loại cây quý của vùng song hiệu quả thu được không cao. Tuy nhiên từ khi áp dụng khoa học công nghệ trong gieo trồng, nhân giống, diện tích quýt Bắc Kạn đã tăng gấp 200 lần chỉ trong vòng hơn 10 năm qua. Hiện nay, quýt Bắc Kạn đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cây quýt cũng nằm trong dự án quy hoạch cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn từ năm 2015 đến năm 2020.

Quang Thuận là một trong những địa phương trồng quýt lớn nhất tỉnh, nhờ cây quýt, thời gian qua trên địa bàn xã đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, có đời sống ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã qua các năm. Bởi vậy, cây quýt được xác định là cây trồng xóa đói giảm nghèo và làm giàu của địa phương.

Việc quýt Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là cơ hội lớn cho tỉnh Bắc Kạn trong việc phát triển cây trồng đặc sản của địa phương, đồng thời cũng đặt ra thách thức đối với tỉnh Bắc Kạn trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn. Do đó, đòi hỏi tỉnh Bắc Kạn cần phát triển, xây dựng thị trường tiêu thụ, xây dựng chuỗi sản phẩm giá trị, kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với đời sống kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn, nhân giống và phát triển các sản phẩm quýt đảm bảo chất lượng.

Cạnh tranh giá trị hàng hóa bằng hướng sản xuất VietGAP.

Bắc Kạn có nhiều nông sản đặc trưng, tuy nhiên giá trị kinh tế và sức chiếm lĩnh thị trường chưa cao. Vấn đề đặt ra cho tỉnh hiện nay là cần phát huy được lợi thế, tạo đột phá trong sản xuất nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản. Tuy nhiên trong quá trình này tỉnh gặp phải một số vướng mắc.

Thứ nhất là các nông hộ chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất theo hàng hóa, số lượng sản phẩm nông nghiệp ít nên chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn nếu có.

Thứ hai là năng lực hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chưa cao, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, thiếu vốn để phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Thứ ba là các sản phẩm đã bảo hộ nhãn hiệu tập thể hay chỉ dẫn địa lý và những nông sản tiêu biểu của tỉnh nhìn chung chưa tận dụng được hình ảnh để xây dựng thương hiệu bền vững, nhất là thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp nên khó có thể vượt khỏi phạm vi vùng để tiếp cận thị trường lớn.

Những yếu tố trên là một bất lợi lớn trong cạnh tranh của nông sản Bắc Kạn, đòi hỏi việc tăng cường khả năng cạnh tranh đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với chất lượng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh giúp nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường lớn, hướng tới xuất khẩu thì canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu. Định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn thực hiện cải tạo, trồng bổ sung, thâm canh tăng năng suất 2.300 ha cây ăn quả (cam, quýt, hồng không hạt, mơ), trong đó sản xuất theo quy trình VietGAP là 300 ha.

Tính đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã đăng ký cải tạo, thâm canh, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và VietGAP là 137 ha cam, quýt và 27 ha hồng không hạt. Một số diện tích cây ăn quả trên địa bàn đã được cấp chứng nhận VietGAP như: 5,8 ha cam, quýt; hơn 3 ha hồng không hạt tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn.

Ngoài cây ăn quả địa phương, tỉnh Bắc Kạn cũng định hướng sản xuất theo quy trình VietGAP đối với cây chè. Diện tích chè hiện có của tỉnh là 2.775 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 2500 ha, sản lượng bình quân đạt 9.380 tấn/năm.

Đến nay, có 324 ha chè được đầu tư thâm canh tăng năng suất, trong đó: huyện Chợ Đồn có 10 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 10 ha đạt tiêu chuẩn về sản xuất chè hữu cơ, 64 ha được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; huyện Chợ Mới có 14 ha chè Shan tuyết Thái Lạo, xã Yên Cư được chứng nhận VietGAP.

Khám phá tiềm năng và thế mạnh, phát triển đặc sản của tỉnh Bắc Kạn

Định hướng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn nông nghiệp tốt VietGAP sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và phát triển một cách hiệu quả, bền vững. Đây cũng chính là “tấm giấy thông hành” giúp nông sản Bắc Kạn vươn xa, tìm đến những thị trường rộng lớn hơn và có thể hướng tới xuất khẩu trong tương lai.

© Tuyên bố bản quyền