Khắc phục hậu quả sau bão Yagi: Cuộc đua tại các công trình chống thiên tai
Trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, nhiều công trình phòng chống thiên tai tại Thanh Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tỉnh Thanh Hóa đảm bảo an toàn 34 vị trí đê, kè trọng điểm xung yếu.
Tỉnh Thanh Hóa có gần 1.000 công trình thủy lợi hư hỏng.
Tăng tốc
Cống Nổ Thôn nằm tại vị trí K26+711 trên tuyến đê tả sông Mã thuộc xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là công trình có vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho gần 300 ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong nhiều năm qua, công trình này đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp và từng được UBND huyện Vĩnh Lộc đưa vào danh sách trọng điểm cần theo dõi trong phương án phòng chống lụt bão cấp huyện.
Đến tháng 9/2024, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài kết hợp với lũ trên sông Mã, cống Nổ Thôn đã xảy ra sự cố lún mang tường cánh hạ lưu (phía sông), tạo thành một hố sâu có đường kính khoảng 70cm, sâu gần 2m. Sự cố này khiến nước sông thấm ngược qua vị trí hư hỏng, tràn vào khu vực nội đồng khi mực nước dâng cao, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn sản xuất và đời sống người dân.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp và bố trí kinh phí để xử lý sự cố, đảm bảo sự ổn định lâu dài cho công trình, đáp ứng công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão.
Cống Nổ Thôn đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào vận hành. Ảnh: Quốc Toản.
Dự án xử lý sự cố cống Nổ Thôn có tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng, chính thức được khởi công từ tháng 3/2024. Sau hơn ba tháng thi công, các hạng mục như cống qua đê, kênh dẫn phía đồng và kè gia cố mái đê đã cơ bản hoàn thiện, đủ khả năng ứng phó với các tình huống thiên tai bất ngờ.
Ông Trần Công Hoàng, kỹ thuật viên phụ trách công trường, Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa – đơn vị thi công cho biết: “Hiện nay, công trình đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng xây lắp và dự kiến sẽ đưa vào vận hành chính thức vào cuối tháng 6/2025. Để đảm bảo tiến độ, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị hiện đại, tổ chức thi công liên tục theo ca, kể cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ.
Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, giám sát và chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo đúng cam kết.”
Bờ kè và mái đê đang được đơn vị thi công gia cố. Ảnh: Quốc Toản.
Một điểm xung yếu khác trong công tác phòng chống thiên tai là đoạn đê tả sông Mã từ K17+200 đến K17+700, thuộc thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc). Đây là khu vực từng xảy ra sạt lở vào năm 2022, ảnh hưởng đến 60 hộ dân với hơn 240 nhân khẩu và diện tích lớn đất sản xuất. Để khắc phục sự cố, UBND huyện Vĩnh Lộc đã đề xuất phương án xây dựng tuyến kè chống sạt lở dài gần 1,7km với tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 62,4 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, hiện nay đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục như thả đá hộc dưới nước, kè lát mái và đường vận hành, với khối lượng đá cung cấp khoảng 50.000m3. Riêng hạng mục đường dẫn kè đã hoàn thành khoảng 1,3km.
Ông Lê Lệnh Hân, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết, việc thi công gặp nhiều khó khăn do mưa lớn khiến nước sông dâng cao, cản trở việc thả đá xuống lòng sông. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc do chưa đạt thỏa thuận đền bù với người dân, trong khi giá vật liệu xây dựng tăng gần gấp đôi so với năm trước, khiến chi phí bị đội lên đáng kể. Đơn vị thi công phải tính toán kỹ lưỡng từng khâu để đảm bảo tiến độ và chất lượng đúng thiết kế.
Các hạng mục công trình cống Nổ Thôn bước vào giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Trịnh Tuấn Vũ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Vĩnh Lộc cho biết, hiện nay nhiều công trình chống sạt lở, phòng chống thiên tai do đơn vị làm chủ đầu tư đã hoàn thành đúng kế hoạch, thậm chí vượt tiến độ. Ban đang tiếp tục phối hợp với các nhà thầu tháo gỡ khó khăn trong thi công, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra để đôn đốc tiến độ. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai, huyện Vĩnh Lộc cũng đang rà soát lại hệ thống đê bao, cống dưới đê và các công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng để có kế hoạch tu sửa, nâng cấp kịp thời.
Nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, mất an toàn.
Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.556 công trình thủy lợi bị hư hỏng sau mùa mưa lũ năm 2024, cần được duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa (135 hồ chứa, 106 đập dâng, 257 trạm bơm, 847 tuyến kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu, 157 âu, cống tưới, tiêu và 64 công trình khác). Trong đó, có 57 hồ chứa nước được đánh giá bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn. Hiện nay, các công ty khai thác công trình thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở đang chủ động thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, khắc phục, để sớm đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết: “Đối với 57 hồ chứa bị hư hỏng nặng, hiện mới bố trí vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 15 công trình và đang được các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để triển khai thi công sửa chữa; đối với các công trình chưa bố trí được vốn, các đơn vị quản lý khai thác đang chủ động huy động các nguồn lực tại chỗ để gia cố, khắc phục tạm thời, tránh nguy cơ gia tăng mất an toàn cho công trình.”
Bờ sông Mã, đoạn chạy qua thôn Giang Đông, Nghĩa Kỳ (xã Vĩnh Hòa) đang được gia cố. Ảnh: Quốc Toản.
Để bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đáp ứng công tác phòng chống thiên tai năm 2025, ngành nông nghiệp và môi trường Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và các đơn vị có liên quan chủ động duy tu, sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo an toàn cho công trình trước mùa mưa lũ năm 2025; đối với các công trình đang thi công, cần đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo vượt lũ an toàn và sớm đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất.
Trong số 57 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2025, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu không tích nước 1 hồ chứa và tích nước hạn chế 40 hồ có nguy cơ mất an toàn cao. Tổ chức khơi thông, nạo vét, phá dỡ ách tắc trên các hệ thống kênh tiêu, trục tiêu lớn; vận hành kiểm tra thử các cửa van tràn xả lũ, cống tiêu, trạm bơm tiêu, đấu mối với ngành điện để sẵn sàng đóng điện bơm tiêu úng khi xảy ra mưa lớn.
Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, công tác đánh giá mức độ an toàn hồ đập hiện nay còn nhiều bất cập. Phần lớn các đập, hồ chứa được xây dựng từ lâu, chủ yếu bằng thủ công hoặc theo tiêu chuẩn cũ, không còn phù hợp với quy định hiện hành.