Huyện Nghĩa Hành – Quảng Ngãi: Phát triển cây ăn trái gắn với du lịch

Nghĩa Hành được coi là “thủ phủ” trái cây của tỉnh Quảng Ngãi, với diện tích lên đến gần 798,7 ha. Nhận thấy mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Nghĩa Hành khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP.

Huyện Nghĩa Hành – Quảng Ngãi có lợi thế để phát triển cây nông nghiệp, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp phát triển các loại trái cây như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng cơm vàng hạt lép và chuối ngự. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Huyện Nghĩa Hành - Quảng Ngãi: Phát triển cây ăn trái gắn với du lịch

Để mở rộng và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, huyện Nghĩa Hành đã chú trọng đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao. Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành đã xây dựng Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả mang tính đặc trưng vùng giai đoạn 2021 – 2025. Trong giai đoạn này, huyện tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm cây ăn trái. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện khai thác tốt tiềm năng đất đai cũng như xây dựng định hướng phát triển cây ăn trái chất lượng phù hợp với thế mạnh của địa phương, đồng thời kết hợp phát triển khu du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, huyện Nghĩa Hành đã thúc đẩy liên kết từ khâu sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Huyện tích cực kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các tổ hợp tác xã, hợp tác xã và người dân trên địa bàn huyện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm thu hoạch xong được thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.

Để đầu ra sản phẩm ổn định, huyện nỗ lực thúc đẩy liên kết, hợp tác quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP của địa phương nói riêng. Theo đó, huyện đã xây dựng các website quảng bá về sản phẩm trái cây với các khu du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho trái cây Nghĩa Hành. Các sản phẩm được tổ chức trưng bày và bán thông qua các hội chợ triển lãm, chợ quê, các điểm tham quan, du lịch, các siêu thị trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi.

Nghĩa Hành được coi là “thủ phủ” trái cây của tỉnh Quảng Ngãi, với diện tích lên đến gần 798,7 ha, trong đó bưởi da xanh 238,14 ha, chôm chôm tróc Java 40,51 ha, sầu riêng 121,72 ha, dừa 36,73 ha, mít Thái 166,27 ha, chuối 162,89 ha và 32,44 ha một số loại cây trồng khác.

4 loại trái cây bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng cơm vàng hạt lép và chuối ngự đã được đẩy mạnh tiêu thụ ra thị trường và trở thành loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đóng góp trong phát triển kinh tế. Các loại trái cây trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chứng nhận nhãn hiệu và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Với việc được chứng nhận nhãn hiệu và công nhận sản phẩm OCOP, trái cây huyện Nghĩa Hành ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, ưu tiên lựa chọn. Nhờ vậy, trái cây huyện Nghĩa Hành khá thuận lợi trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Đây được cho là nền tảng để huyện Nghĩa Hành tự tin xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGap.

Bưởi da xanh mang lại giá trị kinh tế cho người dân huyện Nghĩa Hành.

Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu huyện Nghĩa Hành phù hợp để phát triển cây bưởi da xanh. Cây bưởi da xanh trên đất Nghĩa Hành sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài việc tốt cho sức khỏe, bưởi da xanh Nghĩa Hành được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có chất lượng cao, tép đỏ, mọng nước, vị ngọt thanh, chua dịu, không đắng. Do đó, lợi ích kinh tế mà trái bưởi da xanh mang lại cho người dân nơi đây khá lớn, đồng thời mở ra hướng đi mới trong quá trình đa dạng cơ cấu cây trồng địa phương.

Bưởi da xanh Nghĩa Hành (Quảng Ngãi)

Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện đạt 150 ha, tập trung trên gò đồi, vùng bãi bồi ven sông Vệ, sông Phước Giang ở các xã Hành Nhân, Hành Minh, Hành Thiện, Hành Phước, Hành Tín Tây. Thời điểm thu hoạch bưởi da xanh từ tháng 7 đến tháng 9 và kéo dài đến gần Tết. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất, bưởi da xanh Nghĩa Hành đạt chất lượng cao. Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu ổn định và bền vững.

Bưởi da xanh Nghĩa Hành đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhờ vậy, đầu ra của sản phẩm được cơ quan quản lý rất chú trọng. Bưởi da xanh Nghĩa Hành đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử cùng với nhiều sản phẩm OCOP khác của tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, người trồng bưởi da xanh có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh và các kỹ năng khác nhằm gia tăng kiến thức bán hàng, thanh toán trực tiếp trên nền tảng số.

Huyện Nghĩa Hành – Quảng Ngãi phát triển cây ăn quả sạch gắn với du lịch nông nghiệp.

Nhằm tận dụng lợi thế của địa phương, huyện Nghĩa Hành phát triển mô hình sản xuất cây ăn trái sạch kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn. Với nhiều chủng loại trái cây đa dạng, phong phú gồm: vú sữa hoàng kim, sầu riêng, cam, quýt, mít thái, bưởi, Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành xã Hành Nhân thuộc huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi đã kết hợp những giá trị văn hóa lâu đời với thực tế phát triển để tạo nét đặc trưng, thu hút du lịch trải nghiệm nông thôn. Kể từ khi đi vào hoạt động, mô hình phát triển cây ăn trái đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch nông nghiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành đã đạt được những kết quả tương đối khả quan.

Hình ảnh: Mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi.

Nhận thấy mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững, huyện Nghĩa Hành tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.

Định hướng phát triển trái cây của huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.

Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, huyện Nghĩa Hành sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng hàng hóa với diện tích 125 ha.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu bền vững, Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu trái cây giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đối với các sản phẩm trái cây được công nhận OCOP, huyện Nghĩa Hành đầu tư cho các chủ thể kinh phí để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, huyện đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến các sản phẩm OCOP trên thị trường.

Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành giao cơ quan chuyên môn xác định nhanh diện tích trồng cây ăn quả, để có cơ sở bố trí nguồn vốn, đấu thầu cây giống để cung ứng kịp thời cho người dân, ưu tiên cho những địa phương có diện tích lớn từ 01 ha trở lên. Huyện cũng hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật để các hộ dân trồng đạt chất lượng. Đồng thời, huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng điện, nước ở các vùng chuyên canh cây ăn quả, trong đó tập trung ở các xã có vùng chuyên canh lớn như xã Hành Thiện, Hành Nhân, Hành Dũng.

© Tuyên bố bản quyền