Huyện Lạc Dương – Lm Đồng: Cây Chanh gợi ý cho người dân thoát nghèo
Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền, nghề trồng chanh dây đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho đồng bào dân tộc huyện Lạc Dương. Đặc biệt trong những năm gần đây, mô hình trồng cây chanh dây xen kẽ trên diện tích trồng cà phê đã góp phần cải thiện đời sống người dân.
Những năm trước, cây chanh dây chỉ được các hộ dân huyện Lạc Dương trồng với diện tích nhỏ lẻ nên sản lượng và chất lượng chưa đạt tốt, khiến người dân khó tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng như giá thành chưa được cao. Hơn nữa, do chưa được tiếp cận nhiều với khoa học kỹ thuật nên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lạc Dương còn giữ phương pháp canh tác lạc hậu.
Nhờ có định hướng đúng đắn của chính quyền huyện Lạc Dương, người dân nơi đây đã thực hiện chuyển đổi loại cây trồng và mở rộng diện tích trồng chanh dây. Người dân cho biết, trước đây họ chỉ trồng cà phê, nhưng giá cà phê bấp bênh lại thêm sương muối nên không hiệu quả. Sau khi trồng thử nghiệm chanh dây trên một diện tích nhỏ, nhận thấy trồng và chăm sóc chanh dây dễ hơn cà phê, lại cho thu hoạch quanh năm. Vì vậy, họ đã trồng xen canh chanh dây trên đất trồng cà phê. Từ đó, thu nhập trên một diện tích cây trồng cao hơn.
Trong những năm gần đây, mô hình trồng chanh dây tại xã Đạ Chais đã đạt được hiệu quả cao, giúp cải thiện đáng kể kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nơi đây. Từ thuận lợi ban đầu, nhiều hộ dân đã liên kết với nhau trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm chanh dây.
Người dân nơi đây chia sẻ, họ đã chuyển đổi dần từ cây cà phê sang trồng xen canh chanh dây. Do cây dễ chăm sóc, nên họ tiếp tục đem chanh dây về trồng sau nhà. Cây chanh dây cho thu nhập hàng tuần, nên người dân có thu nhập thường xuyên. Không chỉ vậy, chanh dây rất phù hợp với khí hậu nơi đây nên cây sai quả, ruột to, cho năng suất cao.
Hiện nay, sản phẩm chanh dây Lạc Dương đã có thương hiệu và đầu ra ổn định. Giá hiện tại thu mua trực tiếp khỏi vườn khoảng 17.000 đồng/kg. Cây chanh dây có giá trị cao đã giúp người dân xã Đạ Chais thoát nghèo. Sản lượng chanh dây không đủ cung cấp cho các nhà hàng, tiệm làm bánh, tiệm pha chế, khách sạn. Chính vì vậy, nhu cầu mở rộng diện tích trồng chanh dây ngày càng cao.
Hình ảnh: Chanh dây xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng
Chính quyền địa phương luôn quan tâm và hỗ trợ người dân trong việc phát triển cây chanh dây.
Chính quyền địa phương đã chọn vườn trồng chanh dây có diện tích lớn nhất xã Đạ Chais làm nơi tổ chức tập huấn phương pháp trồng cũng như chăm sóc cây chanh dây. Người dân học được cách thiết kế giàn trồng xen chanh dây trong vườn cà phê và giàn trồng thuần chanh dây sao cho hợp lý, chọn được thời điểm thích hợp nhất để bón phân cho chanh dây. Cán bộ cũng đã hướng dẫn người dân tỉa cành, tỉa lá đúng kỹ thuật. Chính quyền cũng định hướng người dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học và ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Cách sử dụng bẫy để bắt côn trùng gây hại cho cây cũng đã được hướng dẫn cho người dân.
Ngoài việc học được kinh nghiệm trồng chanh dây và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, thì người dân cũng được hỗ trợ vay vốn. Hội Nông dân huyện Lạc Dương cũng đã giới thiệu đến người dân địa chỉ mua cây giống và phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tốt. Đồng thời, chính quyền địa phương đã giới thiệu các cơ sở bao tiêu sản phẩm chanh dây cho người dân.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Lạc Dương sẽ liên kết với Hội Nông dân ở các tỉnh, thành phố nhằm hợp tác với các cơ sở chế biến chanh dây tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chanh dây huyện Lạc Dương. Cùng với đó, huyện cũng có định hướng hình thành tổ hợp tác sản phẩm chanh dây mang thương hiệu đặc trưng của địa phương.