Huyện Chư S – Gia Lai: Đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm cây ăn quả
Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nỗ lực đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm cây ăn quả. Huyện đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa và cây ăn quả tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân phát triển mở rộng diện tích cây trồng, thu hút đầu tư vào địa bàn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy xuất khẩu.
Chư Sê cũng từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa, quả quy mô lớn gắn với phát triển bền vững ngành chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và nhãn hiệu hàng hóa.
Sau những khó khăn của việc trồng cây hồ tiêu tại huyện Chư Sê, Gia Lai, người dân nơi đây đã chuyển dần sang trồng cây ăn quả. Với thuận lợi về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, huyện Chư Sê mở ra hướng phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chuối, nhãn, vải, bơ, mít.
Huyện Chư Sê có diện tích cây ăn quả khoảng 1.600 ha, bao gồm các loại sầu riêng, bơ, chuối, bưởi da xanh, mít. Ngoài việc mở rộng diện tích, nhiều hộ dân trong huyện Chư Sê đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó giúp tăng hiệu quả kinh tế của vườn cây ăn quả.
Giải pháp đẩy mạnh cây ăn quả của huyện Chư Sê.
Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp của huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Tuy nhiên, quá trình phát triển cây ăn quả vẫn còn gặp khó khăn, do chưa có quy hoạch phát triển vùng trồng, người dân chủ yếu trồng tự phát nên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu những vùng chuyên canh quy mô lớn và thiếu sự liên kết trong sản xuất, công tác đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
Trước tình hình đó, huyện Chư Sê đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, định hướng đến năm 2025. Huyện Chư Sê sẽ phát triển cây có múi từ 300 đến 500 ha bằng việc ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu với các loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, sầu riêng.
Một số doanh nghiệp của huyện đã bắt đầu thiết lập liên kết với những hộ dân, cùng phối hợp với các xã để tuyên truyền, định hướng sản xuất, thu mua sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn, từ đó ký kết những hợp đồng bao tiêu cụ thể, ràng buộc trách nhiệm trong sản xuất. Đây sẽ là những bước đi đầu để xây dựng và hình thành một vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa có chất lượng và bền vững của huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Huyện cũng sẽ đồng hành với những hộ dân trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã đẩy mạnh khuyến cáo những hộ dân tìm hiểu kỹ thị trường trước khi trồng, hạn chế việc chạy theo phong trào. Trong những năm qua, huyện Chư Sê cũng luôn quan tâm đến việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn trái, vì vậy đã giúp những hộ dân liên kết lai tạo thành vùng chuyên canh, để cho ra thị trường những sản phẩm cây ăn trái đảm bảo chất lượng.
Trên cơ sở thực hiện Đề án phát triển rau, hoa và cây ăn quả của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, huyện Chư Sê đã xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa đề án này. Đến năm 2040, huyện Chư Sê phấn đấu giá trị sản xuất rau, hoa, quả đạt khoảng 6.500 tỷ đồng. Trong đó, phát triển ổn định diện tích rau khoảng 220 ha, với khoảng 120 ha rau canh tác theo các tiêu chuẩn. Đồng thời, tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao khoảng 20 ha. Phát triển diện tích cây ăn quả lên 11.817 ha.
Sầu riêng Ri6 và Mon Thoong là hai giống được nhiều người dân ưa chuộng tại huyện Chư Sê.
Qua đó, huyện Chư Sê cũng từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa, quả tập trung, quy mô lớn gắn với phát triển bền vững ngành chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và nhãn hiệu hàng hóa.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Chư Sê sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân phát triển, mở rộng diện tích nhóm cây trồng và tập trung thúc đẩy thu hút đầu tư vào địa bàn. Trong đó, chú trọng đến các dự án đầu tư về công nghệ chế biến, bảo quản rau, hoa, quả tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường, nhiều sản phẩm mới mang lại giá trị gia tăng cao, tạo ra nhóm sản phẩm rau, hoa, quả xuất khẩu chủ lực của huyện Chư Sê trong thời gian tới.