Huyện Bảo Yên – Lào Cai đặt mục tiêu nâng cao năng suất và phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ.
Huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai đang hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Địa phương này tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, lấy chất lượng để cạnh tranh, từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng xuất khẩu chính.
Bảo Yên là địa phương có diện tích quế lớn nhất ở Lào Cai, chiếm hơn 1/2 diện tích quế toàn tỉnh, trong đó chiếm diện tích nhiều nhất là quế trên 4 năm tuổi với 45% tổng diện tích, tiếp đến là diện tích quế trên 10 năm tuổi (39%), trong khi diện tích quế từ 1 đến 4 năm tuổi chiếm diện tích ít nhất (16%).
Nhờ việc trồng mới thêm 300 ha, Bảo Yên hiện có diện tích trồng quế gần 24.000 ha; sản lượng khai thác năm 2022 ước đạt trên 10.000 tấn vỏ tươi, 80.000 tấn cành lá, trên 75.000 m3 gỗ và trên 350 tấn tinh dầu.
Người dân Bảo Yên thu hoạch quế
Trồng quế tại Bảo Yên cho thu nhập và hiệu quả kinh tế vượt trội, với thu nhập bình quân từ 80 – 90 triệu đồng/ha, thu về hơn 1.120 tỷ đồng từ cây quế/năm.
Huyện Bảo Yên mới đây đã tổ chức Lễ hội Quế với chủ đề “Vươn tầm Châu lục”. Hoạt động này ngoài việc quảng bá cây quế với các hình ảnh văn hóa truyền thống còn thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất chế biến sâu các sản phẩm từ quế gắn với du lịch nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Hầu hết các sản phẩm chế biến từ quế trên địa bàn huyện chưa đa dạng, đều ở dạng thô, công nghệ chế biến chưa được quan tâm đầu tư khi số lượng doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư chế biến vỏ chưa nhiều trong khi chiếm khoảng 80% giá trị cây quế nằm ở vỏ, chưa khai thác hết giá trị sản phẩm là những yếu tố làm giảm giá trị cây quế.
Để hình thành vùng nguyên liệu quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến quy mô lớn, huyện vận động người dân phát triển diện tích kết hợp chăm sóc theo quy trình trồng quế hữu cơ.
Mục tiêu của Bảo Yên là kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào chế biến tinh, sâu các sản phẩm từ quế để tăng giá trị của sản phẩm, tăng diện tích quế của huyện gắn với phát triển chuỗi giá trị quế giúp người dân mở rộng về quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn, huyện cũng khuyến khích các mô hình sản xuất vừa và nhỏ phát triển để thay vì thu hoạch bán thô thì người dân có thể sơ chế vỏ quế. Qua sơ chế, quế có thể bán được 110.000 đồng/kg, giá trị tăng gần gấp đôi so quế nguyên vỏ.
Đặc biệt với mục tiêu hướng đến xuất khẩu các nước châu Âu thì huyện Bảo Yên có kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ quế và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 25.000 ha quế, trong đó trên 50% diện tích đến kỳ thu hoạch.
Để phục vụ xuất khẩu, địa phương sẽ kêu gọi các tổ chức nước ngoài, thu hút các doanh nghiệp xây dựng mới cấp chứng chỉ hữu cơ 7.500 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế trong năm 2023 và mục tiêu đến 2025, huyện Bảo Yên sẽ xây dựng vùng nguyên liệu quế với 25.000 ha, trong đó có tối thiểu 5.000 ha quế hữu cơ và đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 ha quế với 50% diện tích đạt chứng nhận hữu cơ.
Ngoài việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến tinh, sâu các sản phẩm từ quế để tăng giá trị của sản phẩm thì huyện còn hướng tới xuất khẩu sản phẩm quế đến các thị trường châu Âu. Do đó việc phát triển diện tích đi đôi với chăm sóc theo quy trình trồng quế hữu cơ, hình thành vùng nguyên liệu quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến quy mô lớn là rất cần thiết. Khi đó cây quế sẽ mở ra cho người dân trong huyện có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Là một trong 5 nước xuất khẩu quế hàng đầu thế giới, thị trường về mặt hàng quế còn rất lớn, do đó tỉnh Lào Cai cũng như các địa phương khác trên cả nước cần đưa các diện tích khác vào sản xuất có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, có hợp tác, đây cũng là cơ hội để phát triển thị trường giá trị cao, từ đó đẩy mạnh cạnh tranh về giá, sản phẩm mới có giá trị cao, có chứng nhận theo quy chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Để phát triển bền vững quế, tỉnh Lào Cai cần chú trọng phát triển theo chiều sâu, quy hoạch giống, vấn đề chất lượng sản phẩm chế biến, liên kết sản xuất và tiêu thụ, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng quế theo hướng hữu cơ, chỉ dẫn địa lý, thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến quế theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm hữu cơ.