Hưng Yên chú trọng xây dựng thương hiệu cho ngành nghề truyền thống, phát triển du lịch.

Hưng Yên nằm trong cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước Bắc Bộ của người Việt từ hàng nghìn năm trước, với nhiều nghề thủ công truyền thống ra đời và phát triển. Những làng nghề ở đây, dù có lịch sử lâu dài hay chỉ mới vài chục năm, đều có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Một số làng nghề nổi tiếng của Hưng Yên bao gồm: Hương xạ Cao Thôn, xã Bảo Khê, TP. Hưng Yên; Tương Bần, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào; Trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm; Nấu rượu Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động; Làm đồ chơi Trung thu Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ; chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi; Làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan huyện Văn Giang.

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 54 làng nghề hoạt động, mỗi làng nghề thuộc các nhóm nghề khác nhau, với khoảng 11.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 33.000 lao động. Một số làng nghề hoạt động hiệu quả như: Làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan (Văn Giang); làng nghề mộc Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ); làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm). Việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn đã khai thác tốt hạ tầng cơ sở, tận dụng nguồn lao động và nguyên liệu địa phương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Một số làng nghề tiêu biểu:

Làng nghề Tương Bần, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên

Làng nghề tương bần Hưng Yên cách Hà Nội khoảng 25 km. Nghề làm tương ở đây đã có từ lâu đời và nổi tiếng với hương vị đậm đà, thơm ngon. Tương bần được làm từ gạo nếp, đỗ tương và muối, những nguyên liệu có sẵn ở nông thôn Bắc Bộ.

Tương bần mang đậm hương vị quê hương với vị thơm của đỗ, gạo nếp, vị đậm đà của muối cùng sắc vàng óng ánh của đỗ tương. Hương vị đặc biệt ấy đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương. Ngày nay, dù xã hội phát triển với nhiều món ăn mới, tương bần vẫn luôn là món nước chấm được ưa chuộng trong mâm cơm của nhiều gia đình thôn quê Bắc Bộ.

Sản phẩm tương của làng nghề tương bần Yên Nhân

Hiện nay, làng nghề tương bần thị trấn Bần Yên Nhân có khoảng 300 lao động làm nghề. Tương bần được sản xuất theo phương pháp truyền thống, đã có nhiều hộ làm nghề nấu tương suốt vài chục năm. Công đoạn làm tương khá tỉ mỉ và mất nhiều thời gian, thời gian trung bình để nấu được một mẻ tương khoảng 1 đến 2 tháng.

Làng nghề trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Làng dược liệu Nghĩa Trai nổi tiếng với nghề trồng, chế biến, buôn bán cây thuốc nam, thuốc bắc. Từ lâu, người dân trong và ngoài tỉnh đã biết tới Nghĩa Trai như một “vựa dược liệu” phong phú với nhiều loại cây thuốc. Từ những loại bình dân như: tía tô, kinh giới, mã đề đến nhiều loại thuốc quý: cúc hoa, kim tiền thảo, hoắc hương. Trồng và chế biến dược liệu vốn là truyền thống lâu đời của làng, hiện nay trên 70% diện tích canh tác được sử dụng để trồng cây dược liệu.

Mỗi năm, người dân Nghĩa Trai chế biến và bán hàng nghìn tấn dược liệu đủ loại. Việc chế biến dược liệu đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật nhất định để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sau khi thu hoạch, dược liệu được sơ chế sạch sẽ, thái nhỏ rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên hoặc sấy trên lò. Những gia đình chế biến quy mô nhỏ mỗi năm từ 30 đến 50 tấn, còn những hộ lớn chế biến hàng trăm tấn. Thị trường chủ yếu của Nghĩa Trai là các đại lý dược ở các thành phố lớn và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện nay, huyện Văn Lâm có 120 – 130 ha trồng cây dược liệu như: cúc chi, hoài sơn, ngưu tất, cốt khí, kinh giới, tía tô, đinh lăng. Trong những năm qua, huyện đã đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu tại nhiều xã. Các mô hình trồng cây dược liệu ở xã Tân Quang và nhiều xã khác đã bước đầu thành công và mở ra triển vọng mới. Huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu và xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên chú trọng xây dựng thương hiệu cho ngành nghề truyền thống, phát triển du lịch.

Trong những năm gần đây, làng hoa Xuân Quan đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. Cách Hà Nội chỉ hơn 20 km, làng hoa ven sông với nhiều loại hoa, cây cảnh đã trở thành điểm ghé chân của người dân Thủ đô, đặc biệt vào dịp lễ, Tết hay cuối tuần.

Sản phẩm hoa của làng hoa Xuân Quan Văn Giang

Hiện nay, nghề trồng hoa đã thu hút hơn 900 hộ gia đình tham gia, hơn 60% diện tích đất canh tác của xã dành cho hoa và cây cảnh. Tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh lên đến 200 tỷ đồng mỗi năm. Mức thu nhập hàng năm sau khi trừ mọi chi phí của các hộ trồng hoa ít cũng 300 triệu đồng, hộ lớn có thể đạt cả chục tỷ đồng.

Làng hoa Xuân Quan nổi tiếng với hoa chậu, hoa giỏ treo và hoa thảm, với hơn 100 chủng loại hoa. Hiện nay, Xuân Quan đã trở thành vùng trồng hoa, cây cảnh lớn nhất tỉnh Hưng Yên, với khoảng 140 ha trồng hoa, cây cảnh và cây công trình, tạo ra tiềm năng lớn mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhờ sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao, hoa Xuân Quan đã trở thành sản phẩm được xuất bán đi khắp nơi, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập ổn định.

© Tuyên bố bản quyền