Hợp tác xã Rau An Toàn Tự Nhiên tiên phong trong sản xuất và tiêu thụ rau sạch tại huyện Mộc Châu.

Mộc Châu hiện đang thực hiện tốt việc khai thác tiềm năng sản xuất rau quả rất đa dạng các loại rau ôn đới như cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ, cải mèo, rau ăn lá các loại. Năm 2016, huyện Mộc Châu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Rau an toàn Mộc Châu” cho đơn vị sở hữu là UBND huyện Mộc Châu. Đến nay, Mộc Châu đã xây dựng được tổng cộng gần 58 ha rau các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP, với 12 Hợp tác xã và các đơn vị sản xuất. Trong đó, Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang) đi tiên phong trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của huyện Mộc Châu.

Với mục đích liên kết sản xuất rau sạch nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao, năm 2011, các hội viên phụ nữ bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã thành lập tổ Hợp tác với 19 thành viên, thâm canh 7,5 ha/năm và đến năm 2013, thành lập Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên, tăng số thành viên lên 38, với 15 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Việc thành lập Hợp tác xã là bước đi cần thiết nhằm kết nối và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.

Hợp tác xã Rau an toàn Tự nhiên luôn nỗ lực và kiện toàn tổ chức máy, để sản xuất an toàn và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Hiện nay Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất với 38 chủng loại rau đạt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 20 ha.

Hợp tác xã Rau An Toàn Tự Nhiên tiên phong trong sản xuất và tiêu thụ rau sạch tại huyện Mộc Châu.

Để đảm bảo quy trình sản xuất rau an toàn, các hộ đều có sổ ghi chép về quy trình sản xuất như: ngày bón phân, sử dụng loại thuốc phun nào, ngày cách ly của từng loại rau khác nhau.

Theo quy định của Hợp tác xã, nếu xã viên vi phạm nhiều lần sẽ bị mời ra khỏi Hợp tác xã. Sản phẩm làm ra được cơ quan có thẩm quyền lấy mẫu về kiểm tra. Để làm ra được sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng, Hợp tác xã phải qua nhiều khâu kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Hợp tác xã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp bà con dần chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống, sang phương thức canh tác mới. Trên cơ sở đó, HTX định hướng thành viên áp dụng tốt phương pháp sản xuất mới như: Sử dụng phân vi sinh, điều kiện bảo quản, ghi chép sổ nhật ký sản xuất, tận dụng phân hữu cơ có nguồn gốc vi sinh thay cho phân hóa học, thời gian cách ly với thuốc trước khi thu hoạch.

Hiện nay, trong tổng 15 ha trồng rau của Hợp tác xã, có 10 ha được đầu tư hệ thống tưới phun sương, van xoay, nhỏ giọt. Với lợi thế khí hậu mùa hè ở Mộc Châu mát mẻ hơn các nơi khác, các hộ tích cực áp dụng kỹ thuật để trồng các loại rau trái vụ, quanh năm nên tiêu thụ thuận lợi, giá trị kinh tế cao.

Hợp tác xã in và phát cho mỗi hộ thành viên 1 cuốn danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng có hướng dẫn cụ thể cách sử dụng từng loại thuốc.

Các hộ thành viên Hợp tác xã chia làm 4 tổ sản xuất, phân công các tổ trưởng có nhiệm vụ giám sát sản xuất chéo các tổ với nhau để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để chủ động vận chuyển sản phẩm, 2 thành viên của Hợp tác xã đã đầu tư xe tải, mỗi ngày chở khoảng 2-3 tấn rau đến các siêu thị.

Từng bước xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ

Năm 2016, huyện Mộc Châu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Rau an toàn Mộc Châu” cho đơn vị sở hữu là UBND huyện Mộc Châu. Đến nay, Mộc Châu đã xây dựng được tổng cộng gần 40 ha rau các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP, với 4 Hợp tác xã và đơn vị sản xuất gồm: Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang); Hợp tác xã Rau an toàn Ta Niết (xã Chiềng Hắc); nhóm sản xuất Rau an toàn An Thái (xã Mường Sang) và nhóm sản xuất Rau an toàn Vân Hồ (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ).

Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên đạt sản lượng rau các loại phân phối cho các doanh nghiệp tại Hà Nội hơn 450 tấn trong năm 2018, trong đó hệ thống siêu thị Fivimar tại Hà Nội chiếm khoảng trên 50% lượng rau tiêu thụ.

Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã luôn đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ JICA của Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La, Hợp tác xã rau an toàn Tự nhiên được đầu tư hỗ trợ nhà sơ chế, đóng gói đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế cho nhà sơ chế hợp tác xã và tổ hợp tác.

Hợp tác từng xã đã từng bước xây dựng và khẳng định được thương hiệu của mình và luôn mở rộng quy mô cũng như thị trường tiêu thụ. Hiện Hợp tác xã đã xây dựng được quan hệ hợp tác với các đối tác mang tính chất ổn định lâu dài: chuỗi siêu thị của Tổng công ty Nhất Nam, Metro, Siêu thị Chất Việt; tất cả các hàng hoá trước khi ký kết hợp đồng sản xuất đều được hợp tác xã đưa ra mức giá bao tiêu hợp lý, nhờ vậy bà con thành viên an tâm đầu tư sản xuất, chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo theo tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn.

Hợp tác xã cũng đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội, như: Metro, Vinmart, BigC và các bếp ăn tập thể ở một số trường học, doanh nghiệp tại huyện Mộc Châu và thành phố Hà Nội.

Trong thành công của Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên có sự hỗ trợ quan trọng của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Sơn La. Chi cục đã hỗ trợ 2 tạ túi lưới đóng hàng; hỗ trợ 2 lần hoàn thiện các thủ tục, quy trình để được chứng nhận, gia hạn chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã; cấp tem miễn phí truy xuất nguồn gốc, mã số từng hộ thành viên. Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản thường xuyên đến hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát, kiểm tra, xác nhận chất lượng sản phẩm. Trước ngày thu hoạch, Hợp tác xã mời cán bộ quản lý chất lượng đến tận ruộng hộ sản xuất để kiểm tra sản phẩm, nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chuyến hàng của Hợp tác xã khi nhập vào các siêu thị đều đảm bảo các yêu cầu khắt khe khi kiểm tra.

So với các đối tượng cây trồng chính trong huyện, sản xuất rau đang tạo được sức hút rất lớn đối với nông dân khi cho thu nhập rất cao, từ 70-150 triệu đồng/sào/năm.

Bên cạnh những thành công, Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, như: Thiếu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm trang thiết bị, sản phẩm chưa thâm nhập được vào các thị trường khó tính.

Do hầu hết thành viên là người dân tộc như HMông, Mường quen với tập quán sản xuất cũ, nên lúc đầu gặp khó khăn với tiếp cận cách làm mới, sản xuất theo quy trình VietGAP phải thực hiện yêu cầu khắt khe, như: Ghi chép nhật ký sản xuất rõ nguồn giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Hợp tác xã luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện về nhiều mặt: Chuyển giao kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ làm nhà nilon, máy cày, máy cắt cỏ, máy phát điện, một số sọt đựng sản phẩm, hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác.

Định hướng phát triển

Trong thời gian tới, huyện Mộc Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng quy mô với những sản phẩm phù hợp với lợi thế của địa phương theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nông dân; tăng cường công tác quản lý chất lượng, trồng và chăm sóc để phát triển sản xuất rau, quả các loại theo tiêu chuẩn VietGAP và cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu tập thể, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư đối với các nông sản chủ lực, lợi thế địa phương kết hợp với việc quản lý tốt nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn Mộc Châu”.

Hiện nay, vùng rau Mộc Châu từng bước khẳng định được vị thế liên kết ổn định trong sản xuất và tiêu thụ, với sự hỗ trợ của Dự án Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất vùng rau các tỉnh miền núi phía Bắc do Tổ chức ACIAR (Australia) tài trợ và 7 đơn vị triển khai như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện KH Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trung tâm Phát triển Hệ thống Nông nghiệp.

Một số Hợp tác xã sản xuất rau an toàn đã được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới chủ động như: Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu), quy mô 5.000 m2; Hợp tác xã đa ngành nghề Diệp Sơn (Mai Sơn), quy mô 1.700 m2; Tổ sản xuất rau an toàn tổ 7, phường Chiềng Sinh (Thành phố Sơn La), quy mô 1.500 m2 đã góp phần làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển nông nghiệp VinEco – VinGroup triển khai chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”. Công ty VinEco đã xét duyệt, khảo sát, đánh giá hồ sơ của 188 cơ sở trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia chương trình, trong đó có 27 cơ sở đạt yêu cầu.

Trên cơ sở đó, Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên đã có những định hướng phát triển nhất định trong thời gian tới: Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo hướng VietGAP; Song song với việc mở rộng diện tích thì Hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, với thị trường mục tiêu định hướng là xuất khẩu rau ra thị trường thế giới. Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn là một hướng đi đang được ngành chuyên môn và các địa phương khuyến khích thực hiện. Với những kết quả đã đạt được, trong tương lai, hoạt động sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, phát huy tiềm năng sản xuất rau màu của Mộc Châu.

© Tuyên bố bản quyền