Hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh Sơn La đang được phát triển.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới đang thực sự phát huy hiệu quả. Với 36 hợp tác xã sản xuất cây ăn quả có tổng diện tích sản xuất lên đến 990 ha, bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhiều vấn đề xã viên không thể làm được sẽ được hỗ trợ giải quyết. Trong đó, Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 là hợp tác xã kiểu mới điển hình của tỉnh Sơn La.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 428 hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã đang duy trì hoạt động, trong đó có 329 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Với sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc thành lập mới và duy trì các hợp tác xã theo Luật năm 2012, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trong thời gian qua từng bước được nâng lên, tạo được nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên. Các hợp tác xã và liên minh hợp tác xã đã dần trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng nông thôn, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Trong đó phải kể đến một số hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, HTX Nông nghiệp dược liệu Mộc Châu xanh, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng… là những hợp tác xã kiểu mới điển hình của tỉnh Sơn La.
Trong những năm qua, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn trong toàn quốc đã liên kết với các hợp tác xã tại địa phương, hình thành được các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đã có 47 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định, xây dựng chuỗi nông sản an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp cao, xây dựng chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cấp mã vùng trồng; giới thiệu, quảng bá được sản phẩm của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh và quốc tế.
Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5
Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 được thành lập từ năm 2000 tại thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La. Trải qua hơn 17 năm hoạt động, hợp tác xã nhận thấy tính đúng đắn và bền vững ở chỗ: Nông dân cần, hợp tác xã cần, xã hội cần. Sự cần đó làm hợp tác xã tồn tại, bền vững và phát triển.
Hợp tác xã hoạt động chủ yếu với ngành nghề sản xuất kinh doanh là: sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau quả, chế biến rượu, đồ uống từ quả mận, ngô; chuyển giao thiết bị khoa học kỹ thuật, giống, phân bón thuốc trừ sâu bệnh; cung cấp các loại giống vật nuôi, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc phòng trừ sâu bệnh; nhân ghép giống cây trồng; sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh; đại lý vật tư nông nghiệp.
Sản xuất rau quả an toàn là sản phẩm chủ lực:
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp tại địa phương, sản xuất rau an toàn là một trong những hoạt động chủ yếu của hợp tác xã. Trong suốt thời gian qua, hợp tác xã đã không ngừng nghiên cứu tìm tòi các chủng giống rau, củ, quả không những làm đa dạng hóa sản phẩm mà còn tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất. Một trong những thành công lớn của hợp tác xã là đã làm nên thương hiệu “Rau an toàn Mộc Châu”. Với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được ra đời và phát triển, mang lại doanh thu cho hợp tác xã trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Hợp tác xã đã đầu tư thiết bị, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất rau và trồng 3 ha rau sạch với hiệu quả đạt 450-500 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, hợp tác xã còn vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số góp 5 ha ruộng chuyển đổi trồng rau sạch, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm của hợp tác xã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, chứng chỉ Metro GAP và chứng chỉ VietGAP.
Ngoài trồng rau sạch, hợp tác xã còn liên hệ với các đối tác, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, tổ chức Asodia, Trường Nông nghiệp Montauban (Cộng hòa Pháp) trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả ôn đới trên đất Mộc Châu; áp dụng các kỹ thuật đốn tỉa, cải tạo và tổ chức tập huấn cho hàng trăm hộ nông dân trong vùng trồng mận hậu, chọn và tạo giống bằng phương pháp ghép mắt cho cây mận hậu nhằm nâng cao chất lượng quả, kéo dài tuổi thọ của cây, chọn gốc ghép chuẩn bằng cây bản địa để nhân giống mận hậu, đảm bảo cây khỏe, hạn chế bị sâu đục thân.
Trong năm qua, hợp tác xã đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả mở hơn 60 lớp tập huấn cho trên 150 lượt học viên là nông dân đang sinh sống và làm việc trên cao nguyên Mộc Châu. Đặc biệt, với kinh nghiệm xây dựng mô hình sản xuất cà chua – susu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại hợp tác xã, không những được đông nông dân ở đây tham quan học hỏi, mà cả các vùng lân cận cũng tìm tới để trao đổi kinh nghiệm trồng sản phẩm sạch cho năng suất cao, bảo đảm an toàn cho cả người trồng và sản phẩm. Cà chua của hợp tác xã đạt năng suất gần 70 tấn/ha/vụ, còn susu đạt 60 tấn/ha. Sản phẩm rau an toàn thương hiệu “Rau an toàn Mộc Châu” của hợp tác xã không chỉ được người tiêu dùng ở cao nguyên Mộc Châu ưa chuộng, lựa chọn mà tại các địa phương khác cũng tiếp nhận, đáp ứng được phần nào nhu cầu tiêu thụ rau sạch của người dân.
Sản phẩm rau sạch của hợp tác xã sau khi thu hoạch được sơ chế và đưa vào kho bảo quản đúng theo quy trình rau an toàn đảm bảo luôn giữ được độ tươi của sản phẩm. Khi sản phẩm được phân phối đến các điểm tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã đều được đóng gói bao bì mang tên thương hiệu của hợp tác xã. Các địa điểm phân phối chính của hợp tác xã là các cửa hàng rau sạch và siêu thị lớn. Cà chua, mùi tây, bò khai, cải chân vịt… của hợp tác xã đã được bày bán tại các siêu thị Metro, Fivimart.
Song song với việc sản xuất dây chuyền với những sản phẩm nông nghiệp sạch, hợp tác xã luôn biết tận dụng các chất thải trong các trại chăn nuôi của hợp tác xã để lấy khí sinh học Biogas hỗ trợ chế biến, nhằm tiết kiệm chi phí.
Hợp tác xã đã có những thành công nhất định trong việc vận động người dân tự dồn điền hơn 30 ha đất thành vùng sản xuất tập trung và là địa bàn để hợp tác xã mở mang các dịch vụ cung ứng vật tư, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Hợp tác xã đã tận dụng điều kiện khí hậu ôn đới của cao nguyên Mộc Châu để phát triển các loại cây có nguồn gốc ôn đới và trồng trái vụ một số loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như rau sạch, mận, đào Pháp, lê ôn đới, bơ, trồng khoai tây trái vụ và nhân giống lợn đặc sản của địa phương.
Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, hợp tác xã còn đầu tư xây dựng 500 m² chuồng trại nuôi lợn, đàn lợn của hợp tác xã luôn duy trì trên 150 đầu con với các giống lợn bản địa, tạo sản phẩm thực phẩm ngon cung cấp cho thị trường. Trong phát triển chăn nuôi, hợp tác xã sử dụng hệ thống xử lý chất thải khép kín bằng hầm Biogas, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng chất thải trong chăn nuôi để chăm bón cho rau màu.
Đầu tư- xây dựng thương hiệu:
Những năm qua, hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 đã quan tâm xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên vùng đất cao nguyên.
Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 được thành lập với 12 thành viên, đến nay hợp tác xã đã phát triển được 55 thành viên và trên 200 hộ nông dân sản xuất, vốn điều lệ trên 4,5 tỷ đồng. Với mục tiêu đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng giá trị nông sản. Vụ đông năm 2017/2018, hợp tác xã trồng 3 ha rau sạch với các giống chủ yếu như: su hào, xà lách, cà chua, súp lơ, cải bắp… toàn bộ quy trình chăm sóc, bón phân được thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, các sản phẩm rau sạch của hợp tác xã được các siêu thị ở các thành phố lớn đặt hàng, thu nhập bình quân ước đạt 450-500 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, hợp tác xã còn vận động nhân dân trong khu vực góp đất ruộng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau sạch, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh việc sản xuất các loại rau, củ, quả chất lượng cao, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ để chế biến quả mận hậu ra các sản phẩm chất lượng, như: rượu vang, mứt mận, mận sấy dẻo… được thị trường đón nhận. Niềm vui đến với bà con trồng mận trên cao nguyên Mộc Châu, hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mận cho người dân, góp phần ổn định giá cả, tránh để bà con bị tư thương ép giá. Mới đây, hợp tác xã đã đầu tư nâng công suất dây chuyền sấy hơi từ 100 kg lên 600 kg thành phẩm/mẻ, tăng công đoạn cô áp suất lên gấp hai lần so với trước. Đồng thời, đầu tư kho lạnh để bảo quản hoa quả tươi. Trong niên vụ năm 2017, hợp tác xã đã tiêu thụ cho nông dân trên 4.000 tấn mận hậu, tăng gấp hai lần so với năm 2016.
Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu, đầu tư trên 3 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất rượu hoa quả với công suất chế biến 2.000 tấn quả/năm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng; hợp tác xã chanh leo Mộc Châu thành lập tháng 11/2015, đến nay đã mở rộng quy mô trồng chanh leo lên gần 100 ha, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; hợp tác xã nuôi cá tầm bước đầu hoạt động hiệu quả, là mô hình mới, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hồ thủy điện Sơn La… Bên cạnh đó, nhiều mô hình hợp tác xã đã xây dựng, hình thành được vùng chuyên canh trồng hoa, rau, củ, quả, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Cùng với đó, các hợp tác xã đã chú trọng tập trung vào liên doanh, liên kết và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản; tham gia tích cực vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các doanh nghiệp kết nối; tập trung đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Đến nay, toàn tỉnh có trên 80 hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đã xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, hoa, rau, củ, quả các loại, góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững.
Định hướng phát triển:
Mục tiêu chung của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn là tiếp tục duy trì và củng cố các mảng hoạt động hiệu quả, mở rộng mô hình sản xuất khép kín trong đồng bào dân tộc tạo thành một hệ thống hàng hóa hữu cơ sạch và bền vững. Khuyến khích mở rộng hợp tác với các hộ nông dân trên địa bàn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm có định hướng gắn bó lâu dài. Hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để xây dựng chuồng trại, hệ thống sản xuất.
Khi đã tạo được hệ thống sản xuất ổn định, các hợp tác xã định hướng xây dựng chuỗi du lịch nông nghiệp, một ngành công nghiệp không khói và hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.
Khuyến khích khôi phục các nghề thủ công như thêu thùa, đan lát, rèn, dệt. Các hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng bao tiêu các mặt hàng thủ công mà người dân làm ra, cam kết mua với giá trị tương ứng với sản xuất thủ công.
Định hướng đa ngành nghề để tạo sự ổn định trong nền kinh tế bất ổn và có thể vận dụng rộng rãi, tạo ra giá trị kinh tế, góp phần an sinh xã hội.
Thời gian tới, các hợp tác xã tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất khép kín, tạo thành hệ thống hàng hóa hữu cơ sạch. Đồng thời, khi đã tạo được hệ thống sản xuất ổn định, bền vững, hợp tác xã sẽ xây dựng chuỗi du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.