Hợp tác sản xuất giữa các bên liên quan

Hợp tác xã Na Sang được thành lập từ năm 2017, tại bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Hợp tác xã chuyên trồng và thu mua dứa của bà con để cung cấp cho các công ty, thương nhân từ các tỉnh khác như Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội. Ngoài ra, Hợp tác xã còn cung cấp phân bón và hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây dứa theo đúng quy trình, giúp cây dứa ra quả to, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Để phát triển thương hiệu dứa Mường Chà tới nhiều địa phương trên cả nước và giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện Mường Chà đã thành lập 2 hợp tác xã để thu mua dứa cho người dân, đảm bảo giá bán dứa ổn định, giúp bà con nâng cao năng suất và chất lượng cây dứa. Đó là hợp tác xã Na Sang và hợp tác xã Sa Lông. Mỗi ngày hợp tác xã Na Sang mua vào khoảng 40 – 50 tấn, giá dứa được bán theo thị trường.

Ngoài việc thu mua dứa cho bà con, hợp tác xã cũng cung cấp phân bón và hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây dứa theo đúng quy trình, giúp cây dứa ra quả to, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Dứa của HTX Mường Chà

Hợp tác sản xuất giữa các bên liên quan

Thực hiện Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”, từ tháng 3/2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn. Thực hiện mô hình là Hợp tác xã Na Sang với 54 hộ dân tham gia, quy mô 61 ha. Sau hơn 8 tháng triển khai, sản phẩm dứa của Hợp tác xã Na Sang đã được cấp chứng nhận nông sản an toàn. Cuối tháng 11/2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm dứa Mường Chà đạt chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho hợp tác xã Na Sang.

Người trồng dứa khi tham gia mô hình này sẽ được hỗ trợ kỹ thuật bón lót, làm cỏ từ khi trồng đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó, Chi cục đã hỗ trợ 5.000 tem chứng nhận sản phẩm an toàn và túi đóng gói sản phẩm cho hợp tác xã. Sau khi mô hình hoàn thành tốt đẹp, quả dứa Mường Chà đã được đưa vào bày bán tại Siêu thị Tâm Đỏ (thành phố Điện Biên Phủ); đưa vào gian hàng trưng bày sản phẩm rau – củ – quả an toàn của Công ty Thực phẩm an toàn Safe Green (thành phố Điện Biên Phủ) và một số đơn vị bao tiêu sản phẩm an toàn tại thủ đô Hà Nội.

Trước khi tham gia mô hình thí điểm cây trồng, dứa Mường Chà rất khó tiêu thụ, giá thấp do chưa có thương hiệu. Đến mùa thu hoạch dứa, người dân phải mang bán lẻ nhiều nơi, khá vất vả để tiêu thụ gần 200 ha dứa, tập trung tại hai xã Mường Mươn và Na Sang. Quãng đường di chuyển hàng trăm km, trong khi dứa không có chất bảo quản nên nhanh hỏng, khiến người trồng dứa đạt thu nhập thấp. Sau khi hợp tác xã triển khai mô hình, người trồng dứa đã hiểu sâu hơn về kỹ thuật sản xuất, giảm chi phí, sản phẩm lại an toàn, có địa chỉ tiêu thụ, tăng thu nhập.

Hiện nay, 2 công ty là Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green và Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Điện Biên cam kết bao tiêu sản phẩm dứa của hợp tác xã Na Sang. Tham gia vào liên kết chuỗi, nông dân và doanh nghiệp cùng bắt tay cùng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây dứa và thương hiệu dứa Mường Chà.

Thành công nhất của việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi là sản phẩm dứa của xã viên được cấp chứng nhận nông sản an toàn; bao bì, đóng gói đẹp mắt và dán tem, mã truy xuất nguồn gốc được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Nhờ đó lợi nhuận của các xã viên cao hơn, không những nâng cao đời sống của người lao động mà còn làm giàu trên quê hương mình. Từ khi tham gia liên kết chuỗi, các xã viên đã mở rộng sản xuất thêm 100 ha, nâng tổng diện tích dứa của Hợp tác xã Na Sang lên 161 ha.

© Tuyên bố bản quyền