Hợp tác giữa Xôi Mỹ Xương và sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap để thúc đẩy xuất khẩu.
Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (nằm trên địa bàn xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) hầu hết hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã ngày càng thích ứng với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường để xuất khẩu. Nhờ áp dụng công nghệ blockchain, khi cầm trên tay quả xoài của Hợp tác xã, người tiêu dùng có thể biết được quá trình sản xuất, phân phối, cách sử dụng của sản phẩm.
Hợp tác xã xoài Mỹ Xương được thành lập từ năm 2011, tại trên địa bàn ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với 24 xã viên. Trên địa bàn xã Mỹ Xương hiện có hơn 490ha xoài, trong đó xoài Cát Chu chiếm trên 80% diện tích, số còn lại là xoài Cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Riêng Hợp tác xã xoài Mỹ Xương có 62ha, toàn bộ diện tích trồng tại đây đang trồng theo tiêu chuẩn Global Gap và VietGap.
Trải qua gần 8 năm xây dựng và phát triển, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương là một trong những mô hình tiên phong trên địa bàn trong việc sản xuất xoài sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Nhờ tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, trên diện tích trồng xoài của Hợp tác xã, đã giảm được trên 80% chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiện nay Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới.
Xoài cát Hòa Lộc tuy nổi tiếng thơm ngon, giá cao gấp ba bốn lần xoài cát chu nhưng rất khó chăm sóc, thường hay rụng trái, sản lượng thấp, năng suất bình quân 40 – 50kg/cây/năm, giá bán từ 70.000đ – trên 100.000đ/kg. Trong khi đó xoài cát chu năng suất đạt 100 – 150kg/năm, giá bình quân từ 30.000 – 40.000đ/kg nhưng chất lượng vẫn thơm ngon không thua các loại xoài khác.
Áp dụng mô hình “Cây xoài nhà tôi”.
Huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng với đặc sản xoài Cát có chất lượng thơm ngon vang danh trong và ngoài nước. Để đa dạng hóa phương thức quảng bá loại đặc sản này, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã mạnh dạn cho ra mắt mô hình “Cây xoài nhà tôi” đã mang lại kết quả vượt mong đợi.
Cụ thể, người mua chỉ cần chọn cây ưng ý gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu hay xoài tượng sau đó ký hợp đồng là sẽ được sở hữu toàn bộ số trái trên cây. Từ đây, suốt 12 tháng, cây xoài vẫn nằm tại vườn, mọi công tác chăm sóc được nhà vườn thực hiện thuê. Một năm hai vụ thu hoạch, toàn bộ số trái trên cây đã mua từ 100kg – 150kg một cây (nếu trúng mùa) hoặc 70kg (nếu mất mùa) sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua.
Những cây xoài được chọn đưa lên website phải đảm bảo các tiêu chí to khỏe, đẹp, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, vườn tược sạch sẽ. Mỗi cây được tính giá riêng căn cứ vào độ tuổi, lượng trái trung bình, chất lượng trái, giá từ 3 triệu đồng một cây.
Mô hình này được xem là mới nhất của cả nước từ năm 2016 đến nay với những ưu điểm vượt trội, giúp người trồng phát triển tốt thành tựu khoa học kỹ thuật; người mua sở hữu được cây xoài mình yêu thích; có được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn kết được tình cảm giữa các vùng, miền; thành thị với nông thôn; Hợp tác xã có điều kiện quảng bá thương hiệu, phát triển địa bàn hoạt động trong và ngoài nước. Đến nay, Hợp tác xã đã có hàng trăm cây đã được người mua hợp đồng theo mô hình này và con số đang tăng nhanh.
Khi thu hoạch quả, Hợp tác xã là đơn vị chịu trách nhiệm đóng gói, vận chuyển đến tận địa chỉ của người mua. Phí vận chuyển do người mua chi trả. Về phần người bán, họ sẽ được nhận ngay tiền mặt số tiền đã hợp đồng; thu nhập ổn định trước biến động của thương trường; làm quen với các hợp đồng kinh tế nông nghiệp; có điều kiện phát triển du lịch sinh thái vườn.
Người trồng luôn tuân thủ tuyệt đối các bước trồng trọt để đảm bảo chất lượng trái; không sử dụng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật nên người mua rất an tâm và có thể quan sát qua các thiết bị nghe nhìn từ xa.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và quảng bá thương hiệu.
Hợp tác xã xoài Mỹ Xương là một Hợp tác xã có tên tuổi tại Đồng Tháp với sản phẩm xoài Cát Chu. Tuy nhiên, dù việc sản xuất đã đi vào quỹ đạo, trong quá trình tiêu thụ, nạn hàng giả là một trong những trăn trở của đơn vị này. Dù xoài Cát Chu đã được đăng kí nhãn hiệu, nhưng con tem của Hợp tác xã bị làm giả, dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường, ảnh hưởng đến thương hiệu xoài Cát Chu nói chung và Hợp tác xã xoài Mỹ Xương nói riêng.
Do vậy, lãnh đạo Hợp tác xã Mỹ Xương đã gặp đại diện Infinity Blockchain Labs (IBL) – công ty chuyên phát triển các giải pháp công nghệ trên nền tảng blockchain tại một hội thảo về blockchain. Theo đó, từng thông tin trong công đoạn sản xuất trái xoài được lưu trữ trên blockchain, sau đó thể hiện qua mã QR code trên con tem định danh đính lên trái xoài. Khi dùng điện thoại quét con tem trên quả xoài, người tiêu dùng có thể nhìn thấy được toàn bộ thông tin về quy trình sản xuất và phân phối của quả xoài Cát Chu. Tức là, con tem dựa trên nền tảng blockchain được in ra và dán vào sản phẩm khi trái xoài đã sẵn sàng ra thị trường.
Khi trái xoài còn ở trên cây, mới bằng ngón tay thì nông dân đã tiến hành bao trái rồi. Sau khoảng 45 ngày thì bắt đầu thu hoạch. Bà con lột từng bao một và kiểm tra từng trái xoài xem có đạt chuẩn hay không. Sau đó xoài được vận chuyển về Hợp tác xã, được cắt cuống, xử lý nước nóng và sấy khô, rồi Hợp tác xã tiến hành dán tem, bao trái lại và đóng gói.
Mọi thông tin về quá trình sản xuất xoài, chỉ cần mạng internet và một chiếc smartphone là có thể nhập được là người nông dân và Hợp tác xã có thể nhập được vào hệ thống. Khi họ các đơn vị phân phối, bán lẻ… truy cập vào hệ thống blockchain thì họ ghi dấu là đã pass qua khâu của họ. Tất cả những thông tin này đều được minh bạch trên blockchain.
Công nghệ blockchain còn mở ra cơ hội mới cho Hợp tác xã này khi xuất khẩu xoài Cát Chu ra nước ngoài. Trong tương lai, khi xuất khẩu xoài ra nước ngoài, người tiêu dùng của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương tại Úc, Nga, Mỹ sẽ có thể truy xuất được nguồn gốc quả xoài Cát Chu.
Kết hợp trồng xoài với du lịch.
Nhận thấy vườn xoài hấp dẫn, khách tham quan mỗi lần ghé qua đều khen ngợi, Hợp tác xã đã nảy ra ý tưởng làm vườn du lịch để đón khách tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Từ năm 2016, điểm tham quan vườn xoài Mỹ Xương đã bắt đầu hình thành. Từ đó đến nay nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh, đa phần là cơ quan, đoàn thể thường xuyên đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với nhà vườn.
Đặc điểm của vườn xoài du lịch Mỹ Xương là hầu hết đều trồng bằng cây ghép và đang thực hiện theo quy trình sản xuất VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định. Tất cả vườn xoài đều sử dụng hệ thống phun tưới tự động bằng nguồn nước sạch. Nhà vườn hạn chế tối đa việc sử dụng các chất tăng trưởng, hóa chất trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật.
Nâng cao chất lượng- đẩy mạnh xuất khẩu.
Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã ngày càng thích ứng với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường để xuất khẩu. Xoài cát chu của đơn vị này đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.
Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh thực hiện đã tạo ra trái xoài chất lượng cao, ngăn chặn được côn trùng xâm nhập. Bao trái hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 – 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20 – 30%.
Theo tính toán, xoài bao trái hiện nay lãi từ 200 – 220 triệu đồng/ha, cao hơn xoài không bao trái từ 50 – 80 triệu đồng/ha. Xoài trồng theo hợp đồng xuất khẩu hơn 2 năm qua, bình quân mỗi tháng xuất khẩu từ 100 – 200 tấn ra thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand. Bình quân mỗi kg xoài xuất khẩu giá cao hơn xoài bình thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Định hướng phát triển.
Việc liên kết giữa nông dân với nông dân nhằm tạo ra vùng sản xuất có quy mô lớn, hướng tới xây dựng thương hiệu và liên kết dọc là giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ để tạo ra nguồn hàng lớn, đủ khả năng tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu là định hướng của tỉnh Đồng Tháp nói chung và của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương nói riêng.
Để trái xoài có chất lượng xuất khẩu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, Hợp tác xã cần quản lý dinh dưỡng trong cải thiện chất lượng xoài, đó là dinh dưỡng đường bột phải chiếm 96%, còn lại là dinh dưỡng khoáng.
Cùng với đó, nghiên cứu, chế biến đa dạng sản phẩm xoài; áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, đáp ứng đa dạng thị hiếu của các nước nhập khẩu.
Hợp tác xã xoài Mỹ Xương sẽ duy trì và phát huy mô hình sản xuất xoài sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường.
Xoài sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGAP có giá cao hơn từ 10 – 15% so với thị trường, nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các xã viên.