Hồng không hạt góp phần vào sự phát triển kinh tế Hà Giang
Được thiên nhiên ưu đãi với diện tích đất rộng, khí hậu mát mẻ, Hà Giang đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển cây hồng không hạt. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân, mà thông qua phát triển cây hồng không hạt còn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành khác như du lịch, dịch vụ cùng phát triển.
Tại tỉnh Hà Giang, cây hồng không hạt là một trong những cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao và được trồng tập trung ở 2 huyện Yên Minh và Quản Bạ với diện tích vào khoảng hơn 350 ha. Quả hồng có kích thước nhỏ, thơm, có màu vàng mỡ gà, không có hạt, được nhiều người ưa thích. Nếu chăm sóc tốt cây có thể cho thu hoạch trên 20 năm. Đặc biệt, cây hồng không hạt thích hợp với các loại đất đồi núi có độ dốc vừa phải, không phải tốn nhiều công chăm sóc và rất ít bị sâu bệnh phá hoại.
Trong những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế cao do cây hồng không hạt mang lại, nhiều hộ gia đình tại huyện Quản Bạ và huyện Yên Minh đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây ăn quả lâu năm kém hiệu quả để phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại nguồn thu nhập cao.
Hồng không hạt Quản Bạ
Hồng không hạt là cây trồng truyền thống đã gắn bó lâu đời với người nông dân, đồng thời được xác định là nguồn gen đặc sản của tỉnh Hà Giang với nhiều ưu điểm nổi trội về chất lượng sản phẩm cũng như giá trị kinh tế. Hồng không hạt tại Quản Bạ là giống bản địa, đã được trồng từ lâu đời bởi đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y…) bảo tồn và phát triển. Cây hồng không hạt thường ra hoa vào dịp từ tháng 3, kết quả vào tháng 4, và chín từ khoảng tháng 8 đến tháng 11. Bề ngoài, quả to bằng quả trứng gà, khi mới hái có vỏ xanh chen ánh vàng, vỏ quả láng bóng.
Quả hồng hái xong đem ngâm nước sạch 3-5 ngày tùy quả to nhỏ và độ chín thì ngọt đậm, nhiều bột mịn, ăn giòn và thơm hơn các loại hồng khác. Vỏ quả cứng, thịt chắc, dễ bảo quản và vận chuyển.
Sự thơm ngon nức tiếng của loại quả này được tạo thành nhờ các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý Quản Bạ. Cụ thể, Quản Bạ có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mực nước biển, địa hình khá bằng phẳng, có nơi có độ dốc dưới 200, tầng đất dày, ít bị xói mòn. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm nên hồng không hạt cho chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định.
Với những ưu điểm đó, hồng không hạt ngày nay đã trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của Hà Giang.
Đáng chú ý, trong những năm qua, hồng không hạt của huyện Quản bạ đã trở thành cây cho thu nhập chính của nhiều hộ dân của các xã Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Nhất là khi hồng của huyện Quản Bạ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thì giá trị của cây hồng mang lại cho người dân được nâng lên đáng kể.
Với kết quả nghiên cứu về tính chất, chất lượng đặc thù, vùng địa lý và quy trình kĩ thuật sản xuất của sản phẩm, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Hồng không hạt của huyện Quản Bạ”. Khu vực địa lý bảo hộ chỉ dẫn địa lý Quản Bạ cho giống Hồng không hạt bao gồm: Thị trấn Tam Sơn, xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân, xã Bát Đại Sơn và xã Quản Bạ thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Chỉ dẫn địa lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người sản xuất hồng không hạt tại Quản Bạ, là công cụ để tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên thị trường theo phương thức mới cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Xây dựng chỉ dẫn địa lý Quản Bạ cho sản phẩm hồng không hạt của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang sẽ tạo cơ hội phát triển bền vững sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập nhiều thị trường trong nước và khu vực.
Nhờ có chỉ dẫn địa lý giá trị quả hồng được nâng lên, nếu như trước năm 2017 giá hồng chỉ từ 15.000 – 20.000 đ/kg thì đến nay giá bán tại vườn là 30.000 đ/kg và có thời điểm lên đến 40.000 đ/kg. Từ hiệu quả kinh tế cây hồng không hạt mang lại, Quản Bạ luôn quan tâm mở rộng diện tích cũng như hướng dẫn người dân trong việc chăm sóc theo hướng sạch, an toàn để đảm bảo giữ vững thương hiệu của hồng không hạt huyện Quản Bạ. Trong niên vụ 2018, trên địa bàn huyện Quản Bạ, sản lượng hồng trên địa bàn huyện dự tính khoảng 300 tấn, doanh thu gần 10 tỷ đồng. Có thể nói, Chỉ dẫn địa lý hồng không hạt tạo điều kiện cho bà con nhân dân trồng hồng có thu nhập cao hơn, có cơ hội phát triển kinh tế lớn hơn, làm thay đổi nhận thức của người dân về xu thế phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Là cơ sở để các doanh nghiệp, người dân nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện sản xuất của Hà Giang trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hồng không hạt Na Khê – Yên Minh
Hồng không hạt là loại cây ăn quả bản địa của xã Na Khê, được người dân Yên Minh trồng trong nhiều năm qua và được xác định là một trong những loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của một số địa phương trên địa bàn huyện. Quả hồng không hạt đã trở thành đặc sản của huyện Yên Minh và khẳng định được uy tín trên thị trường, trở thành sản phẩm yêu thích của thực khách, nhất là khách du lịch khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt, nó đã giúp nhiều hộ dân ở Yên Minh thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, nên quả Hồng không hạt khi vừa chín sẽ có hương vị ngọt thanh, độ giòn vừa phải, vị thơm rất riêng so với những loại hồng nơi khác; quả chín có màu vàng ánh xanh lục, nhẵn bóng, độ dầy của vỏ vừa phải, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Vì vậy, mỗi khi vào mùa, hồng không hạt Yên Minh luôn ở mức cung không đủ cầu.
Những năm qua, diện tích hồng không hạt Na Khê huyện Yên Minh ngày càng được mở rộng, từ vài chục ha đến nay đã lên tới hàng trăm ha. Trong đó có trên 31ha cho thu hoạch, sản lượng năm 2018 ước đạt trên 120,5 tấn, giá trị ước đạt trên 3,6 tỷ đồng.
Để cây hồng không hạt phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Yên Minh đã xây dựng dự án “phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cây hồng không hạt, giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020”. Đồng thời, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại và bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tăng giá trị của sản phẩm, đặc biệt là phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Từ tháng 1/2017, huyện Yên Minh triển khai thực hiện Dự án Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Hồng không hạt Na Khê – Yên Minh” áp dụng cho vùng trồng hồng ở các xã: Bạch Đích, Lao Và Chải, Hữu Vinh, Đông Minh và thị trấn Yên Minh. Cùng với đó, huyện Yên Minh đã tổ chức đăng ký thực hiện Dự án khoa học, công nghệ cấp tỉnh về “xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hồng không hạt xã Na Khê, Yên Minh”.
Kết quả là ngày 14/9/2018 Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu cho sản phẩm này.
Đây là sự khẳng định đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị hồng không hạt Na Khê; là điều kiện thuận lợi để thu hút sự quan tâm của thị trường, đưa sản phẩm hồng không hạt Na Khê của huyện Yên Minh đến với người tiêu dùng trong nước, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy người dân và các tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ giá trị của Nhãn hiệu chứng nhận “Hồng không hạt Na Khê – Yên Minh” để bảo vệ và phát huy hiệu quả; tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, tăng cường liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện.
Phát triển hồng không hạt theo hướng VietGAP
Mặc dù đã cấp cấp chỉ dẫn địa lý, nhưng số lượng cây hồng tại Quản Bạ được xây dựng chỉ dẫn địa lý vẫn chưa nhiều. Không chỉ vậy, do trồng lâu năm nên giống hồng đặc sản này đang có nguy cơ bị thoái hóa, gây nỗi lo cho người trồng hồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của nhân dân trong việc giữ gìn, phát triển và bảo tồn loài gen cây hồng không hạt của huyện Quản Bạ, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, HTX hồng không hạt Quản Bạ đã được thành lập vào đầu năm 2017.
Để nâng năng cao suất, chất lượng hồng không hạt, HTX đã áp dụng quy trình chăm sóc, đốn tỉa cành, bón phân, trồng mới và trồng thay thế những cây có tuổi đời hàng chục năm chết vì sâu bệnh.
Bên cạnh đó, HTX cũng lập vườn ươm giống tại thị trấn Tam Sơn để chủ động nguồn giống và cung cấp giống cho bà con quanh vùng. Để thuận tiện cho quá trình chăm sóc, HTX đã quy hoạch diện tích hồng rộng 50 ha, trong đó 30 ha được trồng theo chuẩn VietGAP.
Theo HTX, trong quá trình thâm canh nếu không có những giải pháp phục hồi sẽ làm thoái hóa môi trường sản xuất, làm giảm nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước và mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.
Vì vậy, việc quy hoạch diện tích hồng không hạt theo hướng VietGAP sẽ góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng năng suất, chất lượng theo hướng bền vững.
Nước là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của cây hồng, do đó, HTX đã lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động để tiết kiệm sức người, tăng năng suất.
Đối với sâu bệnh, ưu tiên phương pháp thủ công như dùng dây cáp nhỏ để luồn vào những lỗ sâu đục nhằm tiêu diệt sâu. Trong trường hợp khẩn cấp mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng sử dụng đúng liều lượng, thời gian cách ly khi thu hoạch là 4 tháng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, đa số thành viên đã đầu tư nguyên vật liệu và lắp đặt nhà lưới với chi phí hợp lý để bảo vệ cây trồng theo quy trình VietGAP. Mỗi cây hồng sau khi trồng đều được cắm cọc tre để giữ cây không bị đổ do tác động từ bên ngoài.
Từ khi canh tác theo quy trình VietGAP, từng cây cắt tỉa để số lượng quả thích hợp, quét vôi vào gốc khi chớm thu hoạch cũng như sử dụng các loại chế phẩm sinh học an toàn. Qua đó cho thấy chất lượng quả đã được nâng lên, cây khỏe, mẫu mã quả đẹp, giá bán cao hơn trước đây.
Nhờ được tập huấn kỹ thuật sản xuất VietGAP, các thành viên và người dân đã thay đổi nhận thức canh tác hồng không hạt.
Nếu những năm trước, diện tích cây hồng bị chết do sâu bệnh phát triển nhiều, người dân không chăm sóc thường xuyên thì nay, ngoài nguồn giống chất lượng, HTX còn bảo đảm khoảng cách để tạo sự thông thoáng về mặt ánh sáng, bảo đảm chất dinh dưỡng cho cây.
Đặc biệt, cây hồng ưa sống tại vùng đất đồi núi cao và thoải. Khi phát triển, cây có khả năng thấm hút và thoát nước tốt. Chính vì vậy, trồng hồng không hạt theo chuẩn VietGAP không chỉ giúp cải tạo đất đồi núi mà còn giữ đất không bị rửa trôi, hạn chế tình trạng đất đồi sạt nở khi mùa mưa đến.
Hiện nay, hồng không hạt trên thị trường còn ít, nhu cầu mua tăng cao, HTX đều có đơn vị vào tận vườn đặt mua, vì thế đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định.
Năng suất tăng, đầu ra ổn định là động lực để HTX phát triển trồng mới diện tích hồng. HTX phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 60 – 80 ha hồng VietGAP.