Hiệu quả của mô hình liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong
Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong được thành lập trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với thực phẩm sạch, từ trang trại đến bàn ăn, đến nhu cầu du lịch kết hợp nhà vườn xanh tăng cao. Đây là liên hiệp hợp tác xã đầu tiên tại vùng Tây Bắc và bước đầu khởi nghiệp thành công. Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong đã ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học – công nghệ trong sản xuất nhằm số hóa quy trình, tạo công cụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Cây cam là một trong 2 cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa, là cây làm giàu của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Diện tích trồng cam Cao Phong không ngừng được mở rộng qua mỗi năm. Sản lượng ngày càng tăng nhanh chóng.
Huyện Cao Phong đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam nhằm thực hiện hiệu quả định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đã ra mắt Liên hiệp hợp tác xã Cam Cao Phong, ký kết giao thương giữa liên hiệp hợp tác xã cam với các đối tác. Cao Phong đã hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì nhãn mác, đưa sản phẩm cam có thương hiệu đến tận tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch. Đến nay, đã có 50% diện tích cam thực hiện theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cam lòng vàng Cao Phong
Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong được thành lập tháng 8/2017 tại Tiểu khu 1, thị trấn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình gồm 4 hợp tác xã là: Hợp tác xã Hà Phong, Hợp tác xã Nông nghiệp số, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Phúc Linh, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Ánh Xuân cùng liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là liên hiệp hợp tác xã đầu tiên tại vùng Tây Bắc và bước đầu khởi nghiệp thành công. Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong có 200 xã viên, sở hữu trên 500 ha cam, quýt, chủ yếu là cam canh lòng vàng V2, 100% sản phẩm cam tại Liên hiệp đều tuân thủ theo tiêu chuẩn GlobGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Mỗi hợp tác xã chuyên một lĩnh vực, từ sản xuất, truyền thông phát triển thương hiệu, công nghệ, đến du lịch. Trong đó, riêng hợp tác xã Nông nghiệp số là một trong những thành viên quan trọng giải quyết khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng ứng dụng công nghệ cao. Hợp tác xã Nông nghiệp số hỗ trợ các hộ sản xuất cam trong liên hiệp minh bạch hóa nguồn gốc, xây dựng tính pháp lý trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, hợp tác xã tạo ra 1 kênh cung cấp thông tin từ quá trình sản xuất đến khi ra sản phẩm cho các hợp tác xã, các hộ nông dân. Qua đó, các đơn vị kinh doanh sẽ lựa chọn sản phẩm thông qua kênh thông tin này.
Hợp tác xã Nông nghiệp số chịu trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học – công nghệ trong sản xuất nhằm số hóa quy trình, tạo công cụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đơn vị cũng thực hiện vai trò đầu tàu xây dựng, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Các hợp tác xã còn lại chịu trách nhiệm sản xuất theo quy trình an toàn VietGap.
Với quyết tâm tìm ra hướng đi mới cho sản phẩm, Hợp tác xã Hà Phong đã triển khai mô hình “Cam hữu cơ theo chuỗi sản xuất và chế biến ra các sản phẩm từ quả cam tươi”. Đến nay, không chỉ cam quả ăn tươi mà các sản phẩm sau chế biến ngày càng được khách hàng trong, ngoài tỉnh đón nhận. Hợp tác xã Hà Phong tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất cam hữu cơ. Tất cả các công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch đều tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt, sản phẩm trước khi được vận chuyển tới nơi tiêu thụ được kiểm tra trọng lượng và quy cách. Hiện, tổng diện tích sản xuất của Hợp tác xã mở rộng lên 300 ha, trong đó 100% diện tích cam thời kỳ kinh doanh đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đối với các sản phẩm chế biến từ cam, Hợp tác xã đầu tư nhà xưởng, hệ thống trang thiết bị, máy móc vận hành tự động để chế biến sâu. Tại xưởng chế biến xóm Môn, Hợp tác xã sử dụng 20 lao động tham gia vào dây chuyền sản xuất chế biến. Đến nay, Hợp tác xã đã chế biến trên 70 tấn cam tươi, đưa ra thị trường 10 sản phẩm chế biến từ cam, gồm: nước cam lên men, tinh dầu, tinh dầu treo xe, xà phòng, rượu, mứt.
Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong cũng đã sản xuất tem điện tử thông minh. Đây là loại tem chứa đầy đủ thông tin về quá trình hình thành quả cam. Tem dán vào quả khi bóc ra sẽ vỡ và bóc luôn vỏ, do vậy sẽ ngăn chặn được cam nhái, đội lốt cam Cao Phong, bảo vệ người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng có thể truy xuất thông tin sản phẩm cam Cao Phong của Liên hiệp bằng điện thoại thông minh qua tem.
Cùng với đó, liên hiệp hợp tác xã còn xây dựng khu sinh thái cam để phát triển du lịch, triển khai tour du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Mô hình liên kết này đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đang chứng tỏ hiệu quả trong thực tế.
Sản phẩm của Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong đã có mặt từ Bắc tới Nam tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn. Hiện nay, trên thị trường trong nước, cam Cao Phong đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong là mô hình mới về hình thức liên kết trong sản xuất – kinh doanh – công nghệ, trở thành đầu tàu về sản xuất, cung ứng cam an toàn ra thị trường và là điểm sáng về kinh tế hợp tác. Việc điều hành các hợp tác xã trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường có thể coi là bước đột phá.
Liên hiệp hợp tác xã cam Cao Phong phấn đấu hết năm 2019, mỗi héc ta cam cho thu nhập bình quân trên 600 triệu đồng/năm, sau khi đưa nhà máy chế biến hoa quả vào hoạt động, tăng giá trị sản phẩm cam từ 2 – 4 lần so với hiện nay.
Mô hình Liên hiệp hợp tác xã Cam Cao Phong là tiên phong và đúng hướng. Trước nhu cầu tiêu dùng sạch, việc Liên hiệp liên kết để sản xuất sạch và minh bạch nguồn gốc được đánh giá là đúng với nhu cầu thị trường.