Hậu Giang: Sản xuất rau an toàn mang lại thu nhập cao cho người dân

Nhận thấy tiềm năng phát triển rau màu an toàn rất lớn, tỉnh Hậu Giang đang tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, rau sản xuất sạch được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành sản phẩm cao. Định hướng đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hiện diện tích trồng rau màu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt khoảng 20.000 ha, sản lượng cung cấp hơn 22.000 tấn rau màu các loại/năm. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, tỉnh Hậu Giang thuận lợi để phát triển sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rau màu.

Rau củ là loại thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của mỗi gia đình. Do đó, nhu cầu đối với sản phẩm nông nghiệp này rất lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau sạch, rau sản xuất an toàn ngày càng cao của người dân, tỉnh Hậu Giang đang thực hiện mô hình sản xuất rau màu theo hướng an toàn thực phẩm gắn với sơ chế và đóng gói. Mô hình bước đầu giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không bón phân hóa học nhằm tạo ra nguồn rau màu chất lượng.

Khi tham gia mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn, các hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về nhà lưới, giống, phân hữu cơ vi sinh, dụng cụ thu hoạch rau. Bên cạnh đó, các hộ dân sẽ được cán bộ khuyến nông đến nhà để trao đổi, chia sẻ kỹ thuật trồng rau an toàn. Sau thời gian áp dụng mô hình, người dân nhận thấy trồng rau sạch có rất nhiều ưu điểm, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, trong trường hợp có phun thì chỉ sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Bên cạnh đó, từ việc bón phân hóa học đã chuyển sang bón phân hữu cơ vi sinh và cây rau cũng phát triển rất tốt. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm, nhưng năng suất khá ổn định.

Song song với việc khuyến khích người dân sản xuất rau an toàn, tỉnh Hậu Giang còn đẩy mạnh việc kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển rau an toàn, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Mô hình trồng mướp hương theo hướng an toàn tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang được người dân nhân rộng.

Nhận thấy mô hình trồng cây màu có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã lựa chọn mướp hương để phát triển sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình trồng mướp hương không lạ đối người nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Kỹ thuật trồng mướp hương khá đơn giản, không tốn công chăm sóc. Mướp hương là sản phẩm nông nghiệp ngắn ngày (khoảng 40 ngày từ lúc trồng đến khi thu hoạch), nhưng thời gian thu hoạch lại kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Với diện tích 3000 m2 trồng mướp hương, thu hoạch từ 300 – 400 kg trái/ngày. Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, mô hình trồng mướp hương theo hướng an toàn được đánh giá cao.

Hậu Giang: Sản xuất rau an toàn mang lại thu nhập cao cho người dân

Nhờ hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất mướp hương an toàn, đến nay mô hình này đang được đông đảo bà con nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ áp dụng và nhân rộng.

Trồng mướp hương cho hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh mướp hương, người dân trên địa bàn xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ chuyển sang sản xuất rau ăn lá các loại, cung cấp hàng ngày ra thị trường. Giá bán các loại rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau thơm các loại) khá ổn định. Hiện thương lái đến tận nơi thu mua, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhờ vậy, người trồng rau màu yên tâm sản xuất để cung cấp rau xanh cho thị trường.

Để mô hình sản xuất mướp hương an toàn được nhân rộng, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia mô hình trồng mướp này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo đầu ra ổn định, thị xã Long Mỹ tiến tới thành lập các tổ hợp tác liên kết để giúp bà con nông dân thuận tiện hơn trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng mướp hương. Cần chú trọng công tác nghiên cứu để vận dụng những chương trình, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Hẹ giúp người dân trên địa bàn Thành phố Vị Thanh có thu nhập khá ổn định.

Hẹ là một trong những sản phẩm nông nghiệp giúp người dân trên địa bàn Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chuyển đổi thành công từ mô hình sản xuất kém hiệu quả sang trồng hoa màu.

Qua quá trình trồng thử nghiệm, người dân nhận thấy, hẹ là một loại rau ăn lá dễ trồng, không tốn công chăm sóc, nguồn vốn đầu tư thấp. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại rau ăn lá khác nhờ cây phát triển quanh năm, thu hoạch nhiều lần trong năm. Với diện tích 1.000 m2, thu hoạch khoảng 40 – 50 kg hẹ/ngày, mang lại thu nhập cao cho người trồng.

Theo kinh nghiệm của người dân, sản xuất hẹ đạt hiệu quả cao cần chú ý từ khâu chọn giống, cách làm đất, bón phân. Nhờ vậy, cây hẹ sẽ phát triển tốt và cho thu hoạch nhanh hơn.

Để nâng cao sản lượng, người dân Thành phố Vị Thanh đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hẹ. Cụ thể, người dân đã đầu tư kinh phí để lắp hệ thống tưới phun tiết kiệm nước cho toàn bộ khu vực diện tích. Do đó, quá trình sản xuất hẹ sẽ ít tốn công sức chăm sóc mà hiệu quả thu được lại cao hơn so với sản xuất thủ công.

Mô hình trồng hẹ với hệ thống tưới phun tiết kiệm nước.

Nhìn chung, trồng hẹ vốn đầu tư không lớn, song lại cho thu nhập ổn định và lâu dài. Có thể thấy, mô hình chuyển đổi từ cây trồng nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng hẹ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này cần được nhân rộng trong thời gian tới, giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Mô hình sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đầu ra sản phẩm ổn định. Để nhân rộng mô hình này, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, thâm canh. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ.

© Tuyên bố bản quyền