Hà Tĩnh: Cam giòn Thượng Lộc được xác định là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hà Tĩnh nổi tiếng cả nước với giống cam giòn Thượng Lộc thơm ngon hấp dẫn, vị ngọt đan xen lẫn chua nhẹ, nhiều nước và ít hạt.
Cam Thượng Lộc là tên chung của giống “Cam chanh” là giống cây ăn quả chủ lực vùng Trà Sơn của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Cam Thượng Lộc được coi là đặc sản đã có chất lượng và danh tiếng đối với người tiêu dùng trên cả nước.
Cam Thượng Lộc có hình cầu, vỏ nhẵn và dầy, trọng lượng bình quân khoảng 3 đến 4 quả 1kg. Khi chín có mùi thơm hấp dẫn, vị ngọt, vỏ quả có màu vàng tươi da cam, nhiều nước, tép quả và nước quả có màu vàng. Cam Thượng Lộc có đầy đủ hàm lượng đường, Vitamin C rất tốt cho sức khỏe, ít hạt, ít xơ, quả đẹp, màu vàng tươi. Cam Thượng Lộc rất được người tiêu dùng ưa chuộng vì có vị ngọt đậm xen lẫn chua nhẹ.
Cam giòn được trồng ở Thượng Lộc được một số người dân ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc mang giống về trồng thử. Không giống với cam chanh, quả bói thường rất to, vỏ mọng và khi chín có màu vàng ươm, cam giòn quả lại nhỏ, vỏ hơi sậm màu. Ban đầu, người trồng cam không mặn mà với giống cam này, nhưng về sau, khi khách hàng bắt đầu khám phá ra vị ngon khác biệt, thì giống cam này đặc biệt được ưa chuộng và các hộ mới bắt đầu mở rộng diện tích.
Mặc dù quả nhỏ hơn so với cam chanh, nhưng cam có giá bán cao hơn. Từ sau Lễ hội Cam năm 2017 tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh, cam giòn đã tạo dựng được thương hiệu, giá cam giòn tăng lên rất nhiều, giá bán tại vườn từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, có khi lên tới 70.000– 80.000 đồng/kg, từ đó nhiều người dân cũng đã lựa chọn giống cam này để trồng. Hiện nay, diện tích trồng cam giòn lên đến gần 100 ha và xã đã có chủ trương xây dựng vườn ươm, bán với giá hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích.
Cam giòn Thượng Lộc đã được bảo hộ nhãn hiệu, góp phần nâng cao vị thế và tính cạnh tranh trên thị trường.
Cam Thượng Lộc (thuộc vùng trà sơn, huyện Can Lộc) là đặc sản đã có chất lượng và danh tiếng đối với người tiêu dùng. Cam Thượng Lộc được xác định là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Diện tích cam Thượng Lộc hiện đã đạt 420 ha với khoảng 210.000 cây. Bên cạnh trồng cam bán đúng thời vụ, nhiều hộ dân ở Thượng Lộc còn trồng những giống cam dài ngày, xây dựng chế độ chăm sóc đặc biệt để bán dịp Tết Nguyên đán.
Sau gần 20 năm có mặt và phát triển trên vùng đất trà sơn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), giống Cam Thượng Lộc đã khẳng định được vị trí của mình bởi sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, có hương vị đậm đà.
Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Can Lộc về việc hỗ trợ triển khai dự án bảo hộ và phát triển thương hiệu cam Thượng Lộc cho sản phẩm cam quả, năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn đơn vị chủ trì và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Thượng Lộc cho sản phẩm cam quả của vùng trà sơn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” trong 2 năm 2015 – 2017.
Dự án được triển khai với 2 mục tiêu chính là xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cam Thượng Lộc cho sản phẩm cam quả của vùng trà sơn, huyện Can Lộc; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý và phát triển thương hiệu Cam Thượng Lộc. Ngày 9/1/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cam Thượng Lộc cho UBND huyện Can Lộc.
Cam Thượng Lộc được cấp văn bằng bảo hộ là tiền đề quan trọng trong việc triển khai các hệ thống quản lý và phát triển một cách bài bản, có hiệu quả trong thời gian tới. Đặc biệt, sẽ góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường, qua đó thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cam chất lượng cao, đảm bảo an toàn vấn đề vệ sinh.
Là địa phương có thế mạnh về phát triển giống cam chanh vùng trà sơn, những năm qua, xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tập trung ứng dụng KHKT vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Thượng Lộc có gần 40 mô hình lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong phát triển cây cam. Với vùng đất thường xuyên nắng hạn như xã Thượng Lộc thì hệ thống tưới này mang lại hiệu quả rất tốt. Người dân vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới, vừa tiết kiệm được thời gian. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, cây cam hấp thu được tối đa lượng nước, chất dinh dưỡng… trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Đồng thời, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, xã Thượng Lộc bắt đầu triểu khai xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” ngay từ năm 2016. Thông qua chương trình, các hộ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn sản xuất cam theo quy trình VietGAP, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm từ khâu chăm sóc đến đóng gói sản phẩm.
Từ khi chuyển hướng phát triển cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cam duy trì ổn định, đạt 16 tấn/ha, cao hơn nhiều so với thời kì chưa áp dụng quy trình. Bên cạnh đó, được cấp giấy chứng nhận VietGAP là cách để khẳng định sự phát triển của thương hiệu cam chanh Thượng Lộc, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong xã Thượng Lộc đã thay thế các loại thuốc hóa học bằng dung dịch hữu cơ tự chế hoặc chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để chăm sóc cây, hạn chế những tác hại của thuốc trừ sâu đối với sản phẩm.
Định hướng phát triển cho trái cam của tỉnh Hà Tĩnh.
Để phát triển bền vững thương hiệu cam chanh Thượng Lộc, những năm qua, UBND xã Thượng Lộc đã chỉ đạo Hội Nông dân chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, chuyển giao KHKT cho hàng trăm hội viên nông dân trồng cam.
Thời gian tới, UBND xã Thượng Lộc sẽ có thêm các chính sách ưu tiên để phát triển bền vững giống cam chanh tại địa phương, đặc biệt là xây dựng các mô hình thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Để thương hiệu Cam Thượng Lộc đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước và hướng tới xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân vươn lên làm giàu. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay.
Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc đã có chiến lược cụ thể phát triển cây Cam Thượng Lộc trong thời gian tới như: Tập trung phục hồi, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng Cam Thượng Lộc lên 800 ha vào năm 2020, trong đó có 400 ha diện tích cây cho quả, nâng tổng sản lượng quả đạt trên 8.000 tấn/năm. Mục tiêu phát triển cam Thượng Lộc là vừa phát triển diện tích và vừa thâm canh tăng năng suất, chất lượng vườn cây đã có. Tập trung, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển các trang trại sản xuất Cam Thượng Lộc có quy mô, sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Dự kiến đầu tư thâm canh đưa năng suất đạt 26 tấn/ha vào năm 2018 và tăng năng suất lên 30 tấn/ha vào năm 2020.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam Thượng Lộc góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của quê hương, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững cũng như phát triển một ngành hàng hóa có tiềm năng của địa phương của huyện Can Lộc mang tính bền vững, cung cấp sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Để phát triển các vùng cam trên địa bàn Hà Tĩnh bền vững, các Bộ ngành, cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến tỉnh, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cam Hà Tĩnh vừa đáp ứng các yêu cầu về năng suất, chất lượng vừa phải đảm bảo VSATTP. Điển hình là việc thực hiện mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thành công tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Thạch Hà với quy mô 30 ha/24 hộ tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật sản xuất cam; được hướng dẫn, tổ chức sản xuất cam theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, đáp ứng các tiêu chí về VSATTP, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau khi tham gia mô hình, các hộ dân đã nắm được quy trình sản xuất VietGAP cơ bản và ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất an toàn, sử dụng chủ yếu thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Đặc biệt, từ thành công của Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ hội cam lần thứ hai, được diễn ra từ ngày 14-16/12/2018 tại Trung tâm Thương mại Vincom, thành phố Hà Tĩnh. Tại lễ hội này, cam là sản phẩm chính được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng về chất lượng cam ngon nổi tiếng và một số nông sản đặc sản Hà Tĩnh. Đồng thời, thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho các giống cây ăn quả có múi đặc sản của địa phương.
Tham gia lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh có khoảng 60 gian hàng, trong đó 40 gian hàng trưng bày cam và nông sản, với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh cam và nông sản có giá trị cao trong toàn tỉnh. Đây là tín hiệu vui cho các hộ trồng cam, các doanh nghiệp liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh để có dịp kích cầu tiêu dùng cam và một số nông sản đặc sản của Hà Tĩnh, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Hiện nay, tại các vùng trồng cam ngon nổi tiếng như: Khe Mây (huyện Hương Khê), Đức Bồng, Sơn Thọ, Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang), Sơn Mai, Sơn Trường (huyện Hương Sơn), Thượng Lộc (huyện Can Lộc), Bắc Sơn (huyện Thạch Hà), các chủ vườn đang tập trung cao cho việc chăm sóc, tuyển chọn những cây cam “chủ lực” để có những quả đẹp nhất, ngon nhất đem đến lễ hội. Đối với các vườn cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao chứng chỉ và dán nhãn mác tham gia lễ hội.
Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ hai năm 2018 là dịp để quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu, thương hiệu cam của các vùng trên địa bàn Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, thông qua lễ hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh; là cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cam, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp và doanh nhân trong và ngoài tỉnh trao đổi kinh nghiệm, bảo tồn giống cây quý, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chế biến nông sản; tạo mối liên kết, kết nối chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược; nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam và các đặc sản nông sản Hà Tĩnh.